Thị trường giao đồ ăn đang tăng trưởng phi mã

Việt Hưng - 14:34, 28/07/2020

TheLEADERTại Việt Nam, giao đồ ăn là một cuộc chơi tương đối khốc liệt khi hội tụ đầy đủ các "tay chơi lớn" đến từ nhiều quốc gia là: GrabFood (Grab), GoFood (Gojek), Now (Foody), Baemin (Delivery Hero) và duy nhất đại diện Loship là của Việt Nam.

Trong một buổi diễn thuyết gần đây, ông Michael Schaefer, Giám đốc toàn cầu mảng F&B của công ty nghiên cứu Euromonitor, đưa ra dự đoán thị trường giao đồ ăn và bếp chung (cloudkitchen) trên toàn thế giới có thể đạt giá trị 1.000 tỉ USD vào năm 2030.

Mặc dù con số mà lãnh đạo Euromonitor đưa ra chỉ mang ý nghĩa tương đối, nhưng điều này đã phần nào củng cố và cho thấy tiềm năng, cũng như sức hút của lĩnh vực giao đồ ăn và cloudkitchen trên toàn cầu.

Ông Michael Schaefer đánh giá, người tiêu dùng đang đón nhận các dịch vụ giao đồ ăn như một nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, các dịch vụ giao đồ ăn lại ngày càng được ưa chuộng, thay đổi thói quen người tiêu dùng.

Minh chứng trong khi nhiều quốc gia áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, người dân hạn chế tới nơi công cộng để phòng ngừa Covid-19, thì các nhà hàng, quán ăn, tiệm giải khát buộc phải chuyển mình để tìm "cửa sống".

Phương án kết hợp với các ứng dụng giao đồ ăn, tuyển shipper, bán hàng online được thay thế cho cung cách phục vụ truyền thống - đón khách trực tiếp tại nhà hàng. Và điều này càng khiến các ứng dụng, phần mềm giao đồ ăn nở rộ.

Theo một thống kê không chính thức, trong giai đoạn 5 năm từ 2014 đến 2019, doanh thu mảng giao đồ ăn trên toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi. Còn theo báo cáo và phân tích của Euromonitor - tốc độ tăng trưởng trung bình ngành này lên tới 11%/năm.

Tại Việt Nam, giao đồ ăn là một cuộc chơi tương đối khốc liệt khi hội tụ đầy đủ các "tay chơi lớn" đến từ nhiều quốc gia là: GrabFood (Grab), GoFood (Gojek), Now (Foody), Baemin (Delivery Hero) và duy nhất đại diện Loship là của Việt Nam.

Thị trường giao đồ ăn đang tăng trưởng phi mã
Thị trường giao đồ ăn đang tăng trưởng phi mã

Cụ thể, hãng phân tích McKinsey từng nhận định, thách thức lớn nhất của các công ty giao vận món ăn đó là tốc độ, bởi người tiêu dùng luôn muốn món ăn của mình được phục vụ trong vòng tối đa một giờ. Tất cả các công ty dịch vụ gọi món đều đang cố gắng cải thiện tốc độ để tăng trải nghiệm khách hàng.

Việc sở hữu lực lượng tài xế hùng hậu giúp GrabFood chiếm ưu thế lớn trong cuộc đua gọi món. Tuy nhiên, với việc chỉ là một ứng dụng trong hệ sinh thái Grab khiến GrabFood bộc lộ một số hạn chế.

Thay vì có các phần mềm quản lý chuyên biệt, tài xế chỉ đơn giản đến mua hàng hộ theo yêu cầu của người dùng. Điều này khiến nhiều tài xế không thật sự hào hứng vì họ có thể gặp rủi ro nếu người dùng ‘bùng đơn’ hay đơn giản là chờ đợi chế biến món lâu.

Những hạn chế này ít gặp hơn với Now, tiền thân là Foody.vn, một ứng dụng chuyên về đánh giá địa điểm ăn uống. Bắt đầu thử nghiệm việc giao vận đồ ăn từ năm 2014, lợi thế lớn của Now đến từ số lượng đối tác cũng như thực đơn mặt hàng chi tiết.

Tuy nhiên, mảng giao vận của Now không thành công khi công ty gặp nhiều khó khăn để duy trì đội ngũ vận tải chỉ để giao món ăn. Đến cuối năm 2018, Now cũng âm thầm bổ sung thêm dịch vụ gọi xe máy nhưng chưa thành công.

Với Gojek (trước đây là GoViet), cụ thể là GoFood - có mô hình hoạt động tương tự như Grab nhưng yếu thế hơn vì ra đời sau. Mặc dù vậy, Gojek cũng cho thấy một số nỗ lực nhất định khi đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, hợp tác với những cái tên có tầm ảnh hưởng lớn như Sơn Tùng M-TP để đại diện cho chiến dịch quảng bá hình ảnh,…

Với tiêu chí giao hàng nội thành trong 1 giờ, Loship hiện cung cấp một loạt các dịch vụ từ giao đồ ăn, giao hàng, thuê xe, giao thuốc và nhiều dịch vụ theo yêu cầu khác. Theo đó, Loship định vị là công ty thương mại điện tử và giao hàng trong nhiều lĩnh vực.

Thế mạnh của Loship là vận dụng sự am hiểu "tính bản địa" vào sản phẩm, dịch vụ, cũng như các khâu quảng cáo, marketing tới khách hàng. Công ty tập trụng vào các những thị trường tỉnh bên ngoài các đô thị loại 1 như Hà Nội và TP. HCM - nơi mà các ứng dụng đa quốc gia khó có thể vươn tới.