Di sản Việt trong bài toán bảo tồn và khai thác

Kiều Mai - 10:25, 08/06/2019

TheLEADERQuá nhiều đất ven biển quý giá được sử dụng cho các hoạt động phát triển dồn dập, dẫn đến nguy cơ biến Việt Nam trở thành điểm đến du lịch đại trà, EuroCham nhận định.

Di sản Việt trong bài toán bảo tồn và khai thác
Việt Nam cần thực hiện hài hoà giữa việc phát triển và bảo vệ môi trường vốn dễ bị tác động, đồng thời củng cố tiềm lực kinh tế do môi trường mang lại.

Nhiều năm trở lại đây, du lịch Việt Nam cho thấy sức hút ngày càng lớn khi lượng khách quốc tế liên tục tăng trưởng hai chữ số. Du khách nước ngoài đến Việt Nam không chỉ bởi thiên nhiên độc đáo mà còn bởi những di sản văn hóa.

EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu) trong Sách Trắng 2019 nhận định vẻ đẹp tự nhiên, các di sản và một nền văn hóa sống động là tài sản quốc gia góp phần vào sự tăng trưởng liên tục của du lịch Việt Nam trong những thập kỷ qua.

Tuy nhiên, các di sản thiên nhiên đang phải đối mặt với sự suy thoái môi trường ở mức độ nhẹ hoặc nghiêm trọng cũng như những mối đe dọa từ sự phát triển quá mức.

Sự yếu kém trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và điểm đến, thiếu sản phẩm du lịch và dịch vụ bền vững có thể làm tổn hại lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và làm chậm tăng trưởng du lịch trong những năm tới.

Mặc dù Việt Nam xếp hạng 34 trong số 136 quốc gia trong danh mục “Tài nguyên thiên nhiên liên quan đến du lịch” theo báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thứ hạng của Việt Nam rơi xuống vị trí 113 trong danh mục “Cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch”.

Tại phiên chất vấn trong khuôn khổ Kỳ họp Quốc hội thứ 7 khóa XIV, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nêu vấn đề làm sao để phát triển du lịch cũng như các ngành kinh tế khác không ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và các di sản văn hóa.

“Đây là vấn đề lớn trong mối quan hệ bảo tồn và phát triển đối với tất cả các nước trên thế giới”, ông Thiện nhấn mạnh.

Trích dẫn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “mọi thứ đều xây dựng được, làm được, nhưng di sản thì không làm lại được”, Bộ trưởng khẳng định, “không thể hy sinh di sản vì sự phát triển, vì bất cứ giá nào”.

Bộ trưởng cho biết thời gian qua, quy hoạch, bảo tồn phát triển đang bị coi nhẹ. Khi phát triển có trường hợp không quan tâm đến bảo tồn, không quan tâm đến các nhà chuyên môn, chuyên gia bảo tồn, cho nên phá vỡ toàn bộ.

Du lịch bền vững giữa sức nóng tăng trưởng
Ông Martin Koerner, Đồng Chủ tịch Tiểu ban Du lịch & Nhà hàng – Khách sạn của EuroCham.

Trả lời TheLEADER, ông Martin Koerner, Đồng Chủ tịch Tiểu ban Du lịch & Nhà hàng – Khách sạn của EuroCham cho rằng, các khu vực di sản của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa.

Các di tích đang bị phá hủy hoặc đối mặt với việc cải tạo, nâng cấp có tính thiệt hại nặng nề. Sự xuống cấp của di tích lịch sử là một nguy cơ đối với thị trường du lịch hiện tại và sự phát triển trong tương lai của du lịch giá trị trung và cao cấp.

Việc khai thác quá mức các danh thắng, di tích du lịch khiến giá trị của những nơi này xuống cấp đang gây lo ngại.

Sách Trắng 2019 đánh giá phần lớn các bảo tàng của Việt Nam hầu như không được phát triển từ những năm 1990, không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

Ngành du lịch của Việt Nam có xu hướng không đánh giá cao sở thích tham quan di sản và tìm hiểu di tích lịch sử của du khách.

“Cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ di tích quốc gia cũng như môi trường tự nhiên là một việc cần nhiều cẩn trọng. Hiện tại, việc xuống cấp của di tích lịch sử và tự nhiên là một nguy cơ thực sự”, ông Martin Koerner nhấn mạnh.

Ông khuyến nghị các nhà quy hoạch đô thị và cơ quan quản lý du lịch cần hiểu rằng di tích lịch sử là nguồn lực kinh tế và tài nguyên quốc gia quan trọng. Những di tích này cần được bảo tồn cẩn thận và là tài sản vô giá cho các thế hệ tương lai.

Ngoài ra, cần có sự đầu tư vào các bảo tàng tiêu chuẩn thế giới và các khu bảo tồn di sản.

Thêm vào đó, Chính phủ cũng cần có một cách tiếp cận hệ thống để phát triển du lịch bền vững như ưu đãi đối với các cam kết và hành động có trách nhiệm của các bên liên quan và áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn đối với những hành động vô trách nhiệm, ông Martin đề xuất.

Du lịch bền vững giữa sức nóng tăng trưởng 1
Việc phát triển quá nhiều và khai thác đất quá mức để xây dựng khách sạn đang làm tổn hại đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên hữu hạn. Ảnh: KM

Ngoài vấn đề di sản, sự quá tải cũng như ô nhiễm là các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững. Cảnh chen chúc, chật chội hay bãi biển đầy rác đã không ít lần xuất hiện, làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam.

Sách Trắng 2019 của EuroCham khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện hài hoà giữa việc phát triển và bảo vệ môi trường vốn dễ bị tác động, đồng thời củng cố tiềm lực kinh tế do môi trường mang lại.

Lộ trình phát triển khu vực ven biển hiện nay của Việt Nam dẫn đến nguy cơ quá nhiều đất ven biển quý giá được sử dụng cho các hoạt động phát triển dồn dập. 

Sự phát triển này thiếu tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ biến Việt Nam trở thành điểm đến du lịch đại trà, khiến chúng ta mất đi nhiều cơ hội khai thác các thị trường quan trọng và mang lại nhiều lợi nhuận khác.

Trong thập kỷ trước, ngày càng có nhiều công ty du lịch tàu biển quốc tế đưa các điểm đến của Việt Nam vào hành trình của họ.

Phân khúc du lịch tàu biển đang tăng trưởng ở mức hai con số trên phạm vị toàn cầu và mang đến cho các điểm đến ven biển của Việt Nam cơ hội chào đón nhiều du khách quốc tế có mức chi tiêu cao, đặc biệt là du khách không phải người châu Á.

Để có thể tận dụng các cơ hội này, Việt Nam được khuyến nghị cần đồng thời phát triển đầy đủ các quy định vận hành, các bến tàu, nguồn nhân lực và các phương tiện liên quan đến tàu biển để tránh ô nhiễm không khí và “quá tải du lịch” tại các cảng dừng chân và các địa điểm nổi tiếng như TP. HCM, Vịnh Hạ Long, Đà Nẵng và Hội An.

Sự phát triển du lịch một cách tổng thể, hợp tác và toàn diện hơn dựa trên tính bền vững, phân khúc chặt chẽ, tập trung vào thế mạnh của từng điểm đến và đa dạng hóa các hoạt động và dịch vụ du lịch đóng vai trò quyết định trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của ngành du lịch.