Thiếu than, hiện hữu nguy cơ thiếu điện từ tháng 4

Phương Anh - 11:11, 31/03/2022

TheLEADERTập đoàn Điện lực Việt Nam cảnh báo nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây cho biết tính đến ngày 30/3/2022, tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn, và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký.

Cụ thể, trong quý I/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký, tương ứng tỷ lệ khoảng 76,8%.

Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

EVN cho biết thêm, do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát.

Các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành một tổ máy ở mức 60 – 70% công suất, nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho một trong bốn tổ máy.

Do đó, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện.

Mặc dù các đơn vị cung cấp than (Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc) đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục khó khăn để khai thác than từ các mỏ trong nước và nhập khẩu than để pha trộn, nhưng thông tin từ hai đơn vị này cho biết tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu, EVN cảnh báo.

Trước đó, TKV lý giải nguyên nhân của việc cấp than cho các nhà máy nhiệt điện không đạt tiến độ hợp đồng là bởi doanh nghiệp này mới chỉ nhận được 325 nghìn tấn quý I/2022 trong số 35 triệu tấn theo kế hoạch năm 2022.

Cùng với đó, sản lượng than pha trộn nhập khẩu mới chỉ đạt 7,8% kế hoạch năm, giảm khoảng 2,4 triệu tấn so với kế hoạch.

Mặc dù TKV và các đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp để tăng sản lượng than sạch sản xuất trong nước, nhưng không bù đắp được khối lượng than phối trộn nhập khẩu bị thiếu.

Doanh nghiệp này cho biết thêm, giá bán than trong nước cho sản xuất điện không tăng trong một thời gian dài (2019 – 2021), dẫn tới lợi nhuận từ sản xuất than ngày càng giảm, khiến một số dự án đầu tư, phát triển mỏ than theo quy hoạch không cân đối được hiệu quả kinh tế để triển khai thực hiện.

Không chỉ vậy, các hộ trong nước không nhập khẩu được than trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng cao, cùng với nhu cầu tiêu thụ than của nền kinh tế tăng dần, đã quay lại sử dụng than trong nước, khiến nhu cầu dùng than trong nước tăng rất cao, gây nên tình trạng khan hiếm than, dù sản lượng than sản xuất của TKV không giảm so với các năm gần đây.

Ngoài ra, TKV cho biết, dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh than.