Thủ tướng: Cần tìm cách kích hoạt kinh tế tư nhân bứt phá hơn nữa

An Chi - 16:59, 02/05/2019

TheLEADERThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, vẫn còn nhiều rào cản trong nền kinh tế cần được tháo gỡ để giúp kinh tế tư nhân phát triển.

Thủ tướng: Cần tìm cách kích hoạt kinh tế tư nhân bứt phá hơn nữa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dù chưa có đánh giá đầy đủ nhưng hai năm qua cho thấy khát vọng vươn lên của khu vực tinh tế tư nhân. "Khu vực này đang có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế, cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa để phát triển", Thủ tướng khẳng định.

Năm 2018 là năm thứ tư liên tiếp có số doanh nghiệp thành lập mới với số vốn kỷ lục, trong đó có vai trò khá lớn của khối doanh nghiệp tư nhân, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định được giá trị thương hiệu trên thị trường.

Chia sẻ về chủ trương, quan điểm, định hướng và những quyết sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, điều kiện phát triển của kinh tế tư nhân còn nhiều ràng buộc, vì vậy, cần tạo điều kiện không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực này phát triển thuận lợi hơn nữa. 

Trong đó, các nhân tố quan trọng là sự bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ và trao cơ hội cho kinh tế tư nhân.

Nói về bình đẳng, Thủ tướng khẳng định, kinh tế tư nhân cần bình đẳng trước pháp luật, trong cạnh tranh, tiếp cận và phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt cần giảm chồng chéo tầng lớp, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân.

Về sự khích lệ, doanh nghiệp tư nhân cần được tôn vinh các dự án tốt, ngược lại cần lên án đấu tranh các doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh. Cuối cùng là trao cơ hội, doanh nghiệp tư nhân cần được tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi.

Trước bài toán để doanh nghiệp tư nhân phát triển, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển mạnh hơn, hoà mình vào dòng chảy 4.0, Thủ tướng cho rằng, trong những năm gần đây, Chính phủ và Thủ tướng đã thảo luận với các trường đại học cũng như doanh nghiệp trẻ về đổi mới.

Việt Nam đang có phong trào khởi nghiệp mới thành công nhưng chưa mạnh mẽ. Trong năm tới, Thủ tướng và Chính phủ sẽ có quyết sách để ý tưởng khởi nghiệp mạnh mẽ hơn. Theo đó, đối với nền kinh tế Việt Nam, để nền kinh tế đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh; có nhiều cơ hội cho thế hệ khởi nghiệp thành công, Chính phủ phải tạo thể chế pháp luật, nhân lực, thị trường.

Cụ thể, về nguồn nhân lực, cần chú trọng cả số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mở ra ngành mới, xu hướng mới cho giáo dục như trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó là chính sách thu hút, giữ chân các nhà đầu tư.

Về hạ tầng, Chính phủ và các bộ ngành chú trọng phát triển hạ tầng viễn thông thông minh. Về thị trường, cần tạo thị trường mới, thay đổi trong việc mua sắm đổi mới sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới.

Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ vừa phê duyệt đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia", thành lập các trung tâm đổi mới, sáng tạo. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt đề án chuyển đổi số quốc gia, tạo tiền đề cho các mô hình khởi nghiệp thành công.

Để phát triển kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, cần thực hiện nhiều nội dung cốt lõi. Trong đó, đầu tiên là phải thống nhất trong nhận thức để có hành động thống nhất. 

"Chỉ khi hiểu thấu đáo, xuyên suốt mới có bản lĩnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, tuyệt đối hóa kinh tế hóa tư nhân; khích lệ các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ bổ sung và thống nhất trong nền kinh tế thị trường. Có nhận thức thì mới xây dựng đội ngũ doanh nhân có ý chí tự lực tự cường, yêu nước, phát triển bản thân gắn chặt với lợi ích đất nước", ông Bình khẳng định.

Thứ hai là giải quyết đúng đắn quy luật giữa nhà nước và thị trường. Ông Bình dẫn chứng, trong lịch sử phát triển chủ nghĩa xã hội, tại nhiều nước có khi tuyệt đối vai trò kinh tế nhà nước nên có nhiều tiêu cực và dẫn đến thất bại. 

Thực tế tại nhiều nước tư bản tuyệt đối vai trò của kinh tế tư nhân dẫn đến khủng hoảng nhiều năm và họ phải thừa nhận vai trò nhà nước trên quan điểm vỗ tay bằng hai bàn tay: nhà nước và thị trường. Nhà nước có vai trò điều tiết, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong giải phóng sức xã hội và tận dụng hiệu quả nguồn lực xã hội

Vấn đề thứ ba được ông Bình đề cập là xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, có sức cạnh tranh. Để làm điều đó, Chính phủ cần xây dựng nền kinh tế vĩ mô, cải thiện chính sách, tạo môi trường đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển bền vững.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề xuất các bộ ngành cần cắt giảm 50% thủ tục hành chính, giảm thời gian đóng thuế, thông quan, giảm chi phí trung gian, khuyến khích ưu đãi thuế với doanh nghiệp.

Thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với nhiều đơn vị để tăng cường giám sát môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thuế, hải quan, tiếp tục đo mức độ hài lòng của người dân với hành chính công.

"Chúng tôi sẽ xem xét để kiến nghị thay đổi một số nội dung văn bản liên quan đến quyền lợi ích của doanh nghiệp, đồng thời phát hiện biểu dương gương điển hình doanh nghiệp hoạt động tốt", ông Mẫn cho hay.