Thủ tướng chỉ ra thách thức của nền kinh tế trong 3 tháng cuối 2019

Hạ Vũ - 16:40, 02/10/2019

TheLEADERBên cạnh các kết quả tích cực, Thủ tướng cho rằng còn nhiều điểm yếu, khó khăn và thách thức đối với tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Thủ tướng chỉ ra thách thức của nền kinh tế trong 3 tháng cuối 2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019 vào sáng 2/10.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê cho thấy các chỉ tiêu đánh giá ‘sức khỏe’ của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2019 đang có nhiều tín hiệu tích cực.

Như GDP đạt mức cao nhất trong vòng 9 năm qua; lạm phát bình quân 9 tháng ở mức thấp nhất 3 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%; vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; thu ngân sách Nhà nước tăng cao 10,1%;…

Theo cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng đánh giá, “Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2019 tốt hơn so với dự báo. Khả năng thu vượt dự toán 5% so với Quốc hội giao là khả thi và lần đầu tiên chúng ta đạt con số cao như thế, đến 15/9, đã đạt con số thu trên 1 triệu tỷ đồng".

Theo thông tin mới nhất mà Thủ tướng nhận được sáng nay, do tái cơ cấu mạnh ngành nông nghiệp, ngành lâm sản xuất khẩu gỗ rừng trồng trong 9 tháng đầu năm đã đạt 9 tỷ USD. Do đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ cả năm 2019 có thể 'cán mốc' trên 11 tỷ USD (năm 2018 đạt 8,8 tỷ USD).

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, Thủ tướng cho rằng còn nhiều điểm yếu, khó khăn và thách thức đối với tăng trưởng kinh tế thời gian tới. 

Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 45% kế hoạch được Quốc hội thông qua, cùng kỳ đạt trên 50%, trong đó giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 18,8%.

Ngành nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, nhất là dịch tả lợn châu Phi làm 5 triệu con bị tiêu huỷ, đàn lợn giảm gần 20%.

Bên cạnh đó, sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực cũng gặp khó, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm giảm. Như vậy, chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại không như kỳ vọng. 

Thủ tướng đánh giá, "Các cấp, các ngành nhận thức vấn đề này còn chậm nên nhiều tập đoàn lớn chưa vào lúc này như chúng ta dự đoán”.

Một tồn tại nữa là một số dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, chưa xác định thời gian hoàn thành. 

Bên cạnh một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao thì nhiều mặt hàng chủ lực giảm nhất là nông sản do giá giảm mạnh. Do đó, vấn đề tìm thị trường mới, cơ cấu lại thị trường… cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh, “Tuyệt đối là chúng ta không được chủ quan trong 3 tháng cuối năm để bảo đảm hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2019, tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2020”.