Thủ tướng chốt kế hoạch hành động quốc gia không rác thải nhựa khu ven biển

Hạ Vũ - 13:33, 06/12/2019

TheLEADERViệt Nam sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và không phát sinh rác thải nhựa ở các khu du lịch ven biển đến năm 2030.

Thủ tướng chốt kế hoạch hành động quốc gia không rác thải nhựa khu ven biển
Việt Nam thải ra biển trung bình từ 300.000 đến hơn 700.000 tấn rác thải nhựa mỗi năm.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 để thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa đại dương.

Theo đó, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Đồng thời, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 và hiệu quả Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.

Chương trình hành động phù hợp với cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở Việt Nam; nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, Việt Nam sẽ giảm 50% rác thải nhựa trên biển; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni long khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm 2 lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc.

Sau đó, đến năm 2030, lượng rác thải trên biển sẽ giảm 75% và không còn ngu cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, đồng thời không phát sinh sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại các khu du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường mở rộng quan trắc hàng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông và 12 huyện đảo

Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; Thứ hai, thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển;

Thứ ba, kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn; Thứ tư, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương; Thứ năm, điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình quản lý, giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy tại một số khu du lịch quốc gia ven biển...

Ngoài ra các Bộ ngành, địa phương liên quan sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động kinh tế thuần biển như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản, năng lượng biển…

Theo Liên Hợp Quốc, đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa xả ra đại dương. 

Mỗi năm, Việt Nam thải ra biển trung bình từ 300.000 đến hơn 700.000 tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới).

Đồng thời, hơn 20.000 sản phẩm nhựa được sử dụng trong sản xuất và tiêu dùng mỗi năm. Trong tổng số nhựa sản xuất, chỉ có 9% chất thải được tái chế, 12% tiêu hủy, gây lo ngại cho môi trường. 80% tích lũy trong bãi rác, tự nhiên. Một nửa số nhựa được sản xuất chỉ dùng một lần và sau đó vứt bỏ.