Thủ tướng: 'Liên kết nội vùng còn mang tính hình thức'

Hạ Vũ - 17:04, 25/06/2019

TheLEADERThủ tướng nhận định vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chưa phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để tạo ra động lực mới cho phát triển.

Thủ tướng: 'Liên kết nội vùng còn mang tính hình thức'
Việc di dân vào Hà Nội đã gây quá tải kết cấu hạ tầng.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 9,08%, cao nhất trong số 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và vượt mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020 (9%).

Tuy nhiên, tổng GRDP của vùng đến năm 2018 chiếm tỉ trọng khoảng 32% cả nước, đứng thứ hai sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (45,4%). Trong đó Hà Nội dẫn đầu toàn vùng đóng góp 17% GRDP cả nước.

GRDP bình quân đầu người của vùng cũng tăng từ 4.164 USD năm 2016 lên 4.813 USD năm 2018, gấp 1,86 lần so với mức trung bình cả nước và đứng thứ hai sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phấn đấu đến năm 2020, vùng sẽ vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 198 (5.500 USD).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, khu vực dịch vụ có tỷ trọng cao nhất trong GRDP so với các vùng khác.

Một số địa phương có tỷ trọng khu vực dịch vụ lớn trong GRDP như Hà Nội (64%, cao nhất cả nước), Hải Phòng (44%).

Vị trí lợi thế là cửa ngõ ra biển ở khu vực phía Bắc, có nhiều cảng Container được đầu tư và tiếp tục mở rộng như Cảng Đình Vũ, Cảng Cái Lân, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện… Toàn vùng có 27 trung tâm logistics, chiếm 55% tổng số logistics cả nước, với 14 trung tâm ở Bắc Ninh, 11 chỗ ở Hà Nội và 2 chỗ ở Hải Phòng.

Chỉ số CPI và PAPI một số địa phương ở mức trung bình thấp 

Tuy nhiên, báo cáo chỉ rõ, tình hình kinh tế - xã hội vùng cũng còn không ít tồn tại, khó khăn. Cụ thể, ngành dịch vụ hiện đang là ngành mũi nhọn và đóng góp lớn vào kinh tế của vùng nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành chưa bền vững.

Tất cả 7 tỉnh, thành phố của vùng đều định hướng phát triển công nghiệp điện tử, phần cứng nhưng chỉ có Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh đã thu hút được các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, LG, Microsoft, Canon... nhưng cũng mới chỉ dừng lại chủ yếu gia công, lắp ráp phần cứng với giá trị gia tăng thấp, các sản phẩm công nghệ cao gắn với việc phát triển các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) còn rất hạn chế.

Công nghiệp phần mềm và nội dung số chỉ mới tập trung tại thành phố Hà Nội nhưng năng lực cạnh tranh còn thấp, quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng giai đoạn 2016-2018 đạt 426,4 tỷ USD nhưng vùng không đóng góp trong thặng dư cán cân thương mại chung. Ngoài ra tăng trưởng xuất khẩu chưa bền vững, năm 2017 xuất khẩu tăng 31,2% so với năm 2016, đến năm 2018 chỉ tăng 20% so với năm 2017.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) một số địa phương trong vùng vẫn chỉ ở mức trung bình thấp của cả nước.

Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký mới đứng thứ 2 cả nước nhưng xét về quy mô vốn thì chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các dự án FDI thâm dụng lao động chiếm tỷ lệ cao trong vùng.

Tại Hội nghị phát triển vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là vùng duy nhất trong 4 vòng kinh tế trọng điểm trên cả nước có 100% các tỉnh, thành phố trong vùng có điều tiết về ngân sách Trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước, chỉ còn 2% theo chuẩn đa chiều.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang thuận lợi ở cả 3 yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Các tỉnh, thành phố thuộc vùng đều có trình độ phát triển cao so với trung bình cả nước, đặc biệt là Hà Nội và tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Thủ tướng: 'Liên kết nội vùng còn mang tính hình thức'
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, vùng chưa phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để tạo ra động lực mới cho phát triển.

‘Sự liên kết giữa các địa phương trong vùng chủ yếu còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Cơ chế, chính sách phát triển vùng còn bất cập, thiếu đột phá, chưa giải quyết được các vấn đề chung của vùng, nhất là về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, môi trường, phát triển đô thị…’, Thủ tướng nhận định

Sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn manh mún, nhỏ lẻ; liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh còn rất yếu; trình độ canh tác, công nghệ sơ chế, chế biến còn lạc hậu… Tình trạng ô nhiễm môi trường ở đô thị, nông thôn, lưu vực sông, làng nghề, cụm công nghiệp… rất phức tạp. Việc di dân vào Hà Nội đã gây quá tải kết cấu hạ tầng.

Khu vực công nghiệp chủ yếu phát triển chiều rộng, đóng góp của khoa học kỹ thuật, năng suất các yếu tố tổng hợp còn hạn chế. Một số địa phương vẫn tập trung vào khai thác tài nguyên, gia công. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, logistics, dịch vụ cao cấp phát triển chưa tương xứng.

Việc gắn kết giữa các dự án FDI và doanh nghiệp trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chưa có tính chất lan tỏa. Gần 65% dòng vốn FDI thường tập trung vào các lĩnh vực, các ngành có nhiều ưu đãi đầu tư, nhân công giá rẻ.

Cấu trúc không gian phát triển vùng còn hình thành thụ động, chưa rõ nét theo định hướng, như Hà Nội chậm phát triển các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Xuân Mai; Hải Phòng và Quảng Ninh được quy hoạch là khu du lịch mang tầm cỡ vùng và quốc gia nhưng chưa được tập trung đầu tư...

Cần có thể chế liên kết vùng, cơ chế phối hợp vùng

Thủ tướng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu việc phân chia lại vùng kinh tế, đồng thời yêu cầu làm rõ hơn danh mục dự án hạ tầng liên kết vùng, cả nội vùng và kết cấu ngoại vùng.

Ngoài ra, cần có cơ chế thu hút đầu tư từ Trung ương, địa phương, đầu tư xã hội và đặc biệt là đầu tư tư nhân. Cần có thể chế liên kết vùng, cơ chế phối hợp vùng; liên kết trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ rõ nét hơn. 

Mục tiêu phát triển của vùng phải là đi đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong 3 đột phá chiến lược và đặc biệt là cơ cấu lại nền kinh tế trên tinh thần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.

“Làm rõ hơn mô hình tăng trưởng, đó là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Làm tốt hơn dịch vụ logistics. Chúng ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trong cuộc cách mạng 4.0. Là vùng có dân trí cao, nên cần phát huy giá trị văn hóa, con người, coi đây là thế mạnh, tiềm năng cần khơi dậy”, Thủ tướng nói.