Thủ tướng yêu cầu không để người bệnh phải ‘mua ngoài’ thuốc, vật tư y tế

Nhật Hạ - 16:21, 24/02/2023

TheLEADERMột trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y thời gian tới là giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải ‘mua ngoài’. Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế trên toàn quốc đã diễn ra được gần 1 năm và hiện vẫn chưa được khắc phục một cách triệt để. Nhiều bệnh nhân tiếp tục phản ảnh về việc được cán bộ y tế thông báo thiếu thuốc, thiết bị y tế trong quá trình điều trị tại bệnh viện và đề nghị ‘mua ngoài’.

Về vấn đề này, GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng cho biết về những khó khăn mà bệnh viện đang vấp phải trong tọa đàm “Ngành y vượt khó” trên cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 23/2.

Theo ông, hiện tại không chỉ bệnh viện Việt Đức mà nhiều bệnh viện khác như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K ở ngoài Bắc, bệnh viện Chợ Rẫy ở TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn để bảo đảm cung ứng được các điều kiện phục vụ người bệnh.

Đơn cử, hiện tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, vật tư y tế để dành chăm sóc người bệnh gần như đã hết, các hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh cũng gần như đã hết.

Tại BV Hữu nghị Việt Đức, theo thống kê, có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu chỉ còn một tuần nữa là không còn hóa chất để sử dụng nếu như sử dụng bình thường.

Ông Giang cho biết bệnh viện đã họp nhiều lần để tháo gỡ nhưng vẫn rất khó khăn. Bởi những hóa chất xét nghiệm được sử dụng trên các hệ thống máy do các công ty cung cấp hóa chất đặt tại bệnh viện làm.

Kể từ năm 2015, Bệnh viện Việt Đức hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc nên số lượng máy móc xét nghiệm (riêng máy móc xét nghiệm tại Bệnh viện Việt Đức đã có giá từ 250 đến 300 tỷ đồng) rất khó khăn.

Về giải pháp đưa ra là từ năm 2015, bệnh viện đã đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm, sau đó các công ty sẽ đặt máy sử dụng hóa chất đó. Kèm theo đó, các công ty sẽ lo những vấn đề như là bảo hành, bảo trì các hệ thống phần mềm đi kèm cho máy hoạt động, kiểm định, kiểm chuẩn để đảm bảo máy hoạt động chính xác. Điều này là thông lệ trên toàn thế giới chứ không phải chỉ ở Việt Nam.

Thế nhưng đến năm 2022 lại có công văn quy định việc sử dụng máy mượn, máy đặt như vậy không có trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật nào và đề nghị dừng, đã gây ra tình trạng hết sức khó khăn.

Sau đó Chính phủ có Nghị quyết 144 để tháo gỡ khó khăn này, nhưng Nghị quyết 144 chỉ có giá trị cho những hợp đồng đặt mua máy hóa chất và đặt máy trước ngày 5/11/2022. Chính vì vậy bây giờ chúng ta không còn hóa chất để làm, ông Giang cho biết.

Thủ tướng yêu cầu không để người bệnh phải ‘mua ngoài’ thuốc, vật tư y tế
GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Quang Thương

Trước khó khăn đó, lãnh đạo bệnh viện Việt Đức cũng đã đặt ra một số phương án nhưng không khả thi vì vướng mắc nhiều ở khâu pháp lý.

Thứ nhất, mua máy để làm. Mặc dù bệnh viện chấp nhận mua máy thì quy trình đấu thầu để mua được cũng phải mất 6 tháng. Nếu trong trường hợp bệnh viện không có tiền, có thể vay tiền để mua máy và chấp nhận trả thêm tiền bảo hành, bảo trì, trả thêm tiền hệ thống phần mềm…

Tuy nhiên, một máy xét nghiệm trị giá nhiều chục tỷ đồng sẽ chỉ dùng được hóa chất của hãng đấy, nên khi bệnh viện đấu thầu để mua hóa chất sử dụng cho máy thì rơi vào tình trạng chỉ có một hóa chất, tức là rơi vào tình trạng chỉ định thầu, vi phạm pháp luật, nên không thể làm theo phương án ấy được.

Thứ hai, thuê máy cũng y như phương án trước vì hóa chất cũng đi theo máy, không thể mua hóa chất khác được và bệnh viện lại rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật nếu như chỉ có một hóa chất.

Thứ ba là liên doanh, liên kết để có thể sử dụng hóa chất nhưng không có quy định nào của pháp luật về chuyện này. Đầu tiên là hình thức, hồ sơ, cách làm, quy trình các bước như thế nào để có thể chọn được nhà đầu tư liên doanh, liên kết. Tiếp đến là giá trị để đưa vào liên doanh, liên kết không tính được.

Theo ông Giang, bệnh viện Việt Đức với lịch sử gần 120 năm, ai sẽ định giá giá trị thương hiệu Việt Đức và nó là bao nhiêu, bệnh viện không làm được điều này.

Vấn đề nữa là theo quy định của Luật Giá và Nghị định 177, khi giá đất để đưa vào để liên doanh liên kết thì UBND cấp tỉnh quy định giá cho thuê, cho mua đất. Trong khi đó, theo quy định của Nghị định 151, phải xác định giá trị cho thuê đất theo giá trị thị trường. Tuy nhiên, không ai biết giá trị thị trường như thế nào và các công ty thẩm định giá không đủ quyền lực, không đủ khả năng, không đủ vai trò pháp luật để xác định.

Như vậy, 3 phương án trên đều tắc, ông Giang khẳng định và cho biết nhiều bệnh viện thông báo đến tất cả các khoa, phòng trong bệnh viện trong vòng một tuần nữa, bệnh viện sẽ hết các hóa chất xét nghiệm và chỉ có thể thực hiện theo cấp cứu. BV Việt Đức cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng đó.

Bên cạnh đó, các vật tư tiêu hao dành cho mổ xẻ, theo thống kê của BV Việt Đức, cũng chỉ trong vòng một tháng nữa sẽ hết. Theo quy định của luật pháp, việc mua các vật tư tiêu hao phải đảm bảo các vật tư đó được phép lưu hành trên thị trường và có giấy phép. Hầu hết giấy phép cho các vật tư tiêu hao hiện nay chưa được cấp, chưa được gia hạn nên bệnh viện không thể mua được.

Lãnh đại bệnh viện Việt Đức nhấn mạnh: Tình trạng thiếu hóa chất, vật tư trang thiết bị y tế là cấp cứu của cấp cứu và mong nhận được giải pháp tháo gỡ sớm từ Bộ Y tế tới Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu không để người bệnh phải ‘mua ngoài’ thuốc, vật tư y tế 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị ngày 24/2. Ảnh: Nhật Bắc

Về vấn đề này, tại Hội nghị Triển khai công tác y tế năm 2023 tổ chức ngày 24/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để ngành y tế phát triển nhanh, bền vững

Trong đó tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh; xây dựng, sửa đổi các luật đã được đưa vào kế hoạch của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.

Đồng thời, thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT...

Trên tinh thần: "phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, con người, cơ sở vật chất, thời gian, kinh phí để tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp cán bộ yên tâm làm việc, tránh tâm lý sợ sai, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực thi. Trong bối cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội".

Thêm nữa, triển khai đánh giá kết quả thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập để hoàn thiện các quy định về mô hình tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công-tư trên cơ sở tìm điểm cân bằng để lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, bệnh viện và người dân, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao…

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải "mua ngoài". Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch. Khắc phục tâm lý "sợ sai", "làm ít sai ít", "không làm, không sai" đang xảy ra ở một số cơ sở y tế.

Nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, bảo đảm cân đối giữa các tuyến, lĩnh vực, vùng miền...