Thủ tướng yêu cầu rà soát 'lỗ hổng' chính sách trong xuất khẩu gạo

Nhật Hạ - 08:54, 29/04/2020

TheLEADERThủ tướng yêu cầu Bộ Công thương rà soát Nghị quyết 107 về xuất khẩu gạo để đề xuất sửa đổi, khắc phục các bất cập đã và đang phát sinh trong thực tế.

Tại cuộc họp thường trực Chính phủ chiều 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ 1/5 qua các cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không) theo bản đề xuất gần đây của Bộ Công thương.

Thủ tướng giao bộ này chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan tạo mọi điều kiện cho xuất khẩu gạo, bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp. Bộ Tài chính thực hiện mua đủ dự trữ quốc gia về gạo.

Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ liên quan theo dõi thường xuyên tình hình sản xuất, tiêu thụ, dự trữ, xuất khẩu. Trường hợp xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia thì báo cáo Thủ tướng để có biện pháp xử lý phù hợp.

Đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% quy định tại Nghị định 107. Đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.

Trường hợp thương nhân không thực hiện, Thủ tướng cho phép Bộ Công thương thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Nhận xét về điều hành xuất khẩu gạo vừa qua, Thủ tướng cho rằng "có một số trục trặc trong điều hành", do đó, các cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm, phối hợp tốt để xuất khẩu thuận lợi thời gian tới.

"Lương thực là một cân đối lớn của nền kinh tế, trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, thời tiết bất thường, cần phải bảo đảm an ninh lương thực, không để đầu cơ, nâng giá, thiếu thốn lương thực và bảo đảm quyền lợi người trồng lúa", Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương rà soát Nghị quyết 107 để đề xuất sửa đổi, khắc phục các bất cập đã và đang phát sinh trong thực tế, trong đó, tránh tình trạng “tay không bắt giặc” của một số doanh nghiệp, “không có kho, không có cơ sở gì hay vừa qua, có tình trạng, qua khai tờ khai hải quan, có một số doanh nghiệp không làm xuất khẩu tranh thủ đăng ký hạn ngạch”.

Đồng thời, bộ này cần rà soát khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách và thực hiện đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia để có giải pháp phù hợp.

Thủ tướng yêu cầu rà soát 'lỗ hổng' chính sách trong xuất khẩu gạo
lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6 là 1,3 triệu tấn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lượng gạo vụ Đông Xuân có thể xuất khẩu khoảng 3,2 triệu tấn, gồm cả lượng "gối đầu" từ năm trước chuyển qua khoảng 200 nghìn tấn. Vụ Hè thu sắp tới, sản lượng ước đạt 11 triệu tấn thóc, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long 8,7 triệu tấn, do đó số gạo có thể xuất khẩu 2,3 - 2,4 triệu tấn.

Với sản lượng này sau khi trừ đi lượng gạo dự kiến xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm nay, lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6 là 1,3 triệu tấn.

Cách đây một tháng, do lo ngại tình hình Covid-19, hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long phức tạp, Bộ Công thương đã đề xuất dừng xuất khẩu gạo tới hết tháng 5 tại cuộc họp về an ninh lương thực. Sau đó, Thủ tướng đã đồng ý đề nghị này và từ 0h ngày 24/3, hải quan dừng thông qua. 

Nhưng sau đó một ngày, bộ này kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu trở lại. Đến ngày 10/4, Thủ tướng quyết định xuất khẩu gạo theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4.

Nhiều doanh nghiệp bức xúc trước việc Tổng cục hải quan mở tờ khai hệ thống thông quan hàng tự động lúc 0h ngày 12/4 mà không thông báo minh bạch. Trong đó, một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi những hợp đồng đã ký nhưng không mở được tờ khai để xuất khẩu.

Theo yêu cầu vào ngày 20/4 của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đang tiến hành làm rõ “Có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực” trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua.

Bên cạnh đó, Uỷ ban kinh tế của Quốc hội cũng kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị làm rõ việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng tự động lúc 0h ngày 12/4 có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không và tuân thủ theo đúng Luật Quản lý ngoại thương hay chưa.