Doanh nghiệp
Thua lỗ nặng nề, Vinafood II còn gì hấp dẫn bầu Hiển?
Những toan tính của ông chủ Tập đoàn T&T khi quyết định trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Lương thực miền Nam.
Dự kiến vào ngày 14/3/2018, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) sẽ chính thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Theo phương án cổ phần hoá đã được Chính phủ phê duyệt, Vinafood II sẽ có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, tương ứng 500 triệu cổ phiếu, trong đó Nhà nước sẽ nắm chi phối 51% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai hơn 114,8 triệu cổ phiếu, chiếm 22.97% vốn và chào bán cho nhà đầu tư chiến lược 125 triệu cổ phiếu, chiếm 25%.
Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu là 10.100 đồng/cổ phiếu.
Theo phương án cổ phần hoá được Vinafood II công bố mới đây, Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc là ứng cử viên duy nhất cho vị trí cổ đông chiến lược của Tổng công ty.
Tạm tính theo giá khởi điểm, để mua được 25% cổ phần của Vinafood II, tập đoàn của bầu Hiển sẽ phải chi khoảng 1.262 tỷ đồng.
Kinh doanh bết bát
Được biết, Vinafood II tiền thân là Tổng công ty Lúa gạo miền Nam, từng được đánh giá là một doanh nghiệp “đầu đàn” của ngành lương thực. Thành lập năm 1976, công ty có quy mô gồm 14 đơn vị thuộc khối mẹ và một đơn vị văn phòng tổng công ty, 12 công ty cổ phần chi phối, 8 công ty liên kết với tổng số gần 2.600 cán bộ, công nhân viên.
Thu mua và xuất khẩu lúa gạo là lĩnh vực kinh doanh chính của Vinafood II, trong đó năm 2015 thu mua gần 1,7 triệu tấn và năm 2016 thu mua hơn 1 triệu tấn. Sản lượng xuất khẩu tương ứng là hơn 1 triệu tấn và 404 nghìn tấn. Ngoài ra, Vinafood II còn chế biến nhiều nông sản khác như thực phẩm chế biến, lúa mì, bột mì, bao bì, thuỷ sản.
Doanh thu hàng năm của Vinafood II đều trên 10.000 tỷ đồng, trong đó năm 2016 đạt 10.109 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 16.153 tỷ đồng của năm trước đó.
Tuy nhiên, nếu trở thành cổ đông chiến lược của Vinafood II, Tập đoàn T&T sẽ phải gánh một di sản khá nặng nề do tình hình kinh doanh bết bát cũng như những sai phạm, nợ đọng của Vinafood II.
Doanh thu lớn nhưng kinh doanh của Vinafood II trong những năm gần đây thua lỗ nặng nề. Cụ thể, năm 2013 Tổng công ty lỗ 216 tỷ đồng và đến năm 2014 thì số lỗ tăng vọt lên 873 tỷ đồng. Trong hai năm 2015 và 2016, tình hình kinh doanh cải thiện với khoản lãi 156 tỷ đồng và 161 tỷ đồng, nhưng sau đó hiệu quả kinh doanh lại giảm sút và sáu tháng đầu năm 2017 lại lỗ tiếp 118 tỷ đồng. Đến giữa năm ngoái, Vinafood II vẫn còn lỗ luỹ kế tới 912 tỷ đồng.
Vinafood II còn có những khoản đầu tư sai lầm dẫn đến thua lỗ lớn, đặc biệt trong lĩnh vực thuỷ san. Theo đó, Tổng công ty có 11 dự án đầu tư không hiệu quả với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là gần 770 tỷ đồng.
Trong số đó, có những dự án đã tạm ngừng hoạt động như Nhà máy Chế biến thức ăn thủy sản, dự án Nhà máy Chế biến và bảo quản thủy sản thực phẩm, dự án Nhà máy Chế biến thủy sản Cầu Quan. Hai dự án đầu tư không hiệu quả của doanh nghiệp này đã được bán trong năm 2015 là dự án Nuôi trồng thủy sản Cồn Cỏ và dự án Nuôi trồng thủy sản Cồn Thủy Tiên.
Bên cạnh đó, Vinafood II còn có các khoản nợ phải thu tồn đọng đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp lên tới 1.042 tỷ đồng.
Với thực trạng hoạt động bết bát như vậy, câu hỏi đặt ra là bầu Hiển đang toan tính gì khi đầu tư vào thương vụ kinh doanh này?
Lấn sân sang nông nghiệp
Với động thái “đặt cược” vào Vinafood II, có thể thấy T&T đã tỏ rõ quyết tâm lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp.
T&T là tập đoàn đa ngành, hoạt động trong lĩn vực trụ cột là công nghiệp, tài chính - ngân hàng, bất động sản, thương mại, thể thao - dịch vụ. T&T là cổ đông chiến lược của nhiều định chế tài chính lớn như ngân hàng SHB, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội và Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội.
Thời gian gần đây, doanh nghiệp này đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh phát triển tại lĩnh vực nông nghiệp.
Mới đây nhất, ngày 22/1/2018, T&T đã chính thức ra mắt thương hiệu nông nghiệp T.Vita. Thông qua công ty con, T&T đã ký kết thỏa thuận hợp tác công nghệ với công ty dẫn đầu về công nghệ nhà kính của Israel là P.Marom và công ty có 80 năm kinh nghiệm lai tạo giống rau củ quả ở Hà Lan là Enza Zaden.
T.Vita sẽ là một thương hiệu nông sản an toàn được T&T sản xuất theo công nghệ cao với diện tích sản xuất năm 2018 ước đạt 1.000ha và 500 hộ sản xuất liên kết tại các vùng nguyên liệu mẫu tại Tây Bắc, Lâm Đồng và đồng bằng sông Hồng.
T&T có tham vọng tổ chức vận hành sản xuất và phân phối theo chuỗi khép kín, tích hợp công nghệ cao trong trồng trọt và chế biến, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị nông sản Việt.
Bên cạnh đó, T&T đã rót vốn đầu tư vào một loạt công ty trong lĩnh vực nông nghiệp như sở hữu cổ phần tại Tổng công ty Vật tư nông nghiệp; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Rau quả, nông sản và Công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư Hà Nội thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội.
T&T cũng có trong tay một số đơn vị có khả năng sản xuất, chế biến đa dạng các sản phẩm nông sản từ rau củ quả, cà phê, chè, sắn cho đến sắp tới là gạo.
Doanh thu xuất khẩu nông sản của T&T lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm và nếu trở thành cổ đông chiến lược của Vinafood II, T&T tiến xa hơn nữa trong lĩnh vực nông sản.
Trong phương án cổ phần hoá,Vinafood II cũng nhận xét rằng Tập đoàn T&T đã đáp ứng được các quy định về nhà đầu tư chiến lược, trong đó T&T có định hướng phát triển hướng tới các lĩnh vực nông lâm nghiệp; đã có kinh nghiệm có ngành nghề kinh doanh liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của Vinafood II. Tập đoàn T&T có năng lực tài chính với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, kết quả kinh doanh trong giai đoạn từ 2013 đến 2016 có lãi; có đầy đủ các cam kết khi tham gia làm nhà đầu tư chiến lược.
Tiêu chí nhà đầu tư chiến lược Vinafood II đặt ra là có tối thiểu ba năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông sản, lương thực; có giá trị tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2015 theo báo cáo tài chính có kiểm toán tối thiểu là 10.000 tỷ đồng, vốn điều lệ của năm trước năm đăng ký tham gia nhà đầu tư chiến lược tối thiểu đạt 3.500 tỷ đồng; có lợi nhuận sau thuế trong ba năm liên tiếp và có tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu ≥ 5% và có cam kết cùng Vinafood II thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện liên kết với nông dân tạo thành chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gạo.
Hay nhắm đến đất đai?
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Vinafood II hiện đang sở hữu những quỹ đất khủng tại nhiều vị trí khá đắc địa tại các thành phố lớn như TP. HCM, Cần Thơ, Long An, Bến Tre với tổng 146 cơ sở nhà đất, tổng diện tích đất 3.405.950m2. Riêng tại TP. HCM, hiện tổng công ty này đang quản lý và sử dụng 17 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích 89.842m2
Theo phương án sử dụng đất của Vinafood II sau cổ phần hóa, doanh nghiệp này sẽ giữ lại để tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa 114/132 cơ sở nhà, đất (gồm 147/174 thửa) với tổng diện tích 2.016.542 m2.
Công ty cổ phần tiếp tục xử lý theo quy định về đất đai sau cổ phần hóa 12 cơ sở nhà, đất (gồm 19 thửa) và một phần diện tích của một cơ sở nhà đất của Công ty Lương thực Bạc Liêu với tổng diện tích 82.022 m2.
Bên cạnh đó, công ty chuyển giao trả địa phương 6 cơ sở nhà, đất (gồm 8 thửa) và một phần diện tích của một cơ sở nhà, đất của Công ty Lương thực thực phẩm An Giang, của Công ty Lương thực Bạc Liêu với tổng diện tích là 40.833 m2.
Được biết, trước đây Vinafood II cũng từng sử dụng đất để hợp tác đầu tư nhiều dự án bất động sản như khu đất số 132 Bến Vân Đồn, TP. HCM hay khu đất số 36 - 42 Chu Mạnh Trinh.
Trong khi đó, từ năm 2009, T&T đã âm thầm mở rộng quỹ đất trên khắp cả nước để chuẩn bị cho thời kỳ bùng nổ phát triển bất động sản. Tập đoàn này hiện hiện đang tham gia triển khai hàng loạt dự án bất động sản lớn như tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng và Long An.
Với việc định hướng bất động sản là một trong những trụ cột kinh doanh chính, bầu Hiển khó có thể bỏ qua quỹ đất lớn mà Vinafood II đang sở hữu.
Hapro trở thành mục tiêu thâu tóm của tập đoàn BRG
Nhà đầu tư chiến lược: Từ Vivaso đến Vingroup, T&T
Hàng nghìn doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa trong nhiều năm qua mang lại cho các nhà đầu tư chiến lược những quyền lợi đặc biệt.
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng chuẩn bị đi vào hoạt động
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng đặt tại Quảng Ninh có công suất 120.000 xe/năm, sẽ đi vào chạy thử từ cuối năm 2024 và vận hành thương mại từ đầu năm 2025.
Vinhomes chỉ mua vào 67% số cổ phiếu quỹ đăng ký
Ước tính Vinhomes đã chi gần 10.500 tỷ đồng cho gần 247 triệu cổ phiếu quỹ kể trên nếu tính giá trị giao dịch mỗi phiên theo giá đóng cửa.
Hết 'room' margin, công ty chứng khoán dồn dập tăng vốn
Bên cạnh việc có thêm “room” cho vay để đảm bảo mức trần quy định, hàng nghìn tỷ đồng từ các đợt tăng vốn cũng giúp các công ty gia tăng nội lực tài chính.
Đường sắt tốc độ cao: Tìm lời giải bài toán vốn, công nghệ
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thông qua việc áp dụng các cơ chế đặc thù, tập trung huy động nguồn lực trong nước và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Lựa chọn hợp lý cho dự án làm du lịch trong rừng
Lựa chọn thuê môi trường rừng làm du lịch phù hợp với các dự án có quy mô lưu trú nhỏ, tập trung khai thác các hoạt động trải nghiệm trong rừng với vốn đầu tư không quá lớn.
Hanoi Melody Residences: 'Tọa độ nóng' của thị trường căn hộ nội đô
Tổ hợp căn hộ đa tiện ích Hanoi Melody Residences tại khu vực Tây Nam Linh Đàm đang đón lượng khách tăng vọt trong những ngày gần đây.
PVcomBank khuyến nghị khách hàng sớm cập nhật giấy tờ và xác thực sinh trắc học
PVcomBank khuyến nghị khách hàng cập nhật giấy tờ tùy thân và đối chiếu sinh trắc học trước 1/1/2025 để đảm bảo giao dịch an toàn, liên tục.