Thúc đẩy văn hoá mở trong hệ sinh thái khởi nghiệp

Chi Anh - 16:30, 16/12/2021

TheLEADERCần phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng mở hơn nữa để tận dụng sức mạnh của trí tuệ tập thể nhằm giải quyết những thách thức đặt ra trong bối cảnh mới.

Thúc đẩy văn hoá mở trong hệ sinh thái khởi nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong sự kiện Techfest 2021

Trải qua một quá trình phát triển, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những bước phát triển, ghi được những dấu ấn với một văn hoá “mở”.

Đó là sự cởi mở trong tư duy thiết kế cơ chế chính sách với sự ra đời của Quyết định số 188 sửa đổi Quyết định số 844 với định hướng hình thành mạng lưới liên kết hỗ trợ khởi nghiệp trong nước kết nối với quốc tế, hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia để điều phối các hoạt động hỗ trợ cũng như tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên sâu.

Đó là tính mở trong các sáng kiến đổi mới sáng tạo được hình thành nhằm thúc đẩy các hoạt động liên kết, hợp tác của các thành phần trong hệ sinh thái, đặc biệt là khu vực tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Bộ Khoa học và công nghệ đã thúc đẩy sáng kiến đổi mới sáng tạo mở, kết nối nhu cầu, bài toán về đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, tập đoàn, tổ chức xã hội với khu vực viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Nhiều sáng kiến mở, thiết thực đã được đưa ra để giải quyết các bài toán của xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Có thể kể đến các sáng kiến như nghiên cứu và phát triển robot tự hành hỗ trợ chăm sóc y tế, máy tạo oxy dòng cao, nghiên cứu vaccine Nanocovax,...

Đó còn là tinh thần cởi mở, xoá bỏ khoảng cách địa lý và vật lý trong cách tiếp cận giải quyết các bài toán toàn cầu và tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh thế giới. Nhiều lĩnh vực công nghệ mới đã ghi nhận tinh thần tiên phong của thế hệ trẻ Việt Nam.

Nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài cũng được kết nối để hình thành mạng lưới hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam. Điển hình là chương trình cố vấn khởi nghiệp toàn cầu và sự hình thành Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ, với sự tham của 21 chủ tịch các hội trí thức người Việt tại nước ngoài đến từ 15 quốc gia trên thế giới.

Mới đây nhất, chương trình Techfest cũng được thiết kế mở với sự tham gia của cộng đồng và tạo giá trị cho cộng đồng. Techfest bắt đầu hình thành các làng công nghệ từ năm 2017. Từ con số chín làng công nghệ, đến nay đã có 16 làng công nghệ nhằm thúc đẩy khởi nghiệp trong các lĩnh vực chuyên sâu với sự tham gia đóng góp của hơn 300 cá nhân, tổ chức trong nhiều vai trò khác nhau.

Đến nay, việc thúc đẩy các đặc tính “đổi mới sáng tạo”, “mở”, “liên kết” cũng là những từ khoá được các cấp lãnh đạo Nhà nước nhấn mạnh khi nói về việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Việc xây dựng và phát triển một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở đang là nhu cầu cần thiết chứ không còn chỉ là một sự lựa chọn.

Trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2021, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh, các bộ, ngành luôn đồng hành, tạo điều kiện về môi trường pháp lý để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở.

Cần phải có một mô hình đổi mới trên diện rộng với những tính chất chuyên biệt như đổi mới sáng tạo. Đó là tạo sản phẩm và dịch vụ mới, cải tiến sản phẩm và dịch vụ đã có, cải tiến quy trình, dây chuyền sản xuất và mô hình kinh doanh, cải tiến về mặt con người và hơn nữa là đổi mới về tư duy duy tiếp cận. 

Chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị mới, cách làm mới, hiệu quả mới, tiếp cận nhanh với tốc độ phát triển của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cho rằng, tính liên kết và hợp tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện chưa đi vào chiều sâu. Đặc biệt, các hoạt động từ phía các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vốn được xem là một trong những trụ cột lớn của hệ sinh thái vẫn còn đang thiếu và yếu.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty và cơ quan nhà nước phải là những người “đặt hàng” cho đội ngũ những người khởi nghiệp và đồng thời đồng hành cùng sự hình thành và phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đặc biệt là thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.

Đặc biệt, cần có sự mở trong liên kết hợp tác bởi lẽ chỉ khi liên kết với nhau, hình thành chuỗi giá trị, chuỗi liên kết, tạo giá trị cộng hưởng cho nhau thì hệ sinh thái mới phát triển được.

Đối với doanh nghiệp, liên kết không chỉ là cơ hội để tìm ra các giải pháp hữu dụng cho những vấn đề hiện tại mà còn là cách thức tìm ra khả năng hợp tác với những chủ thể khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hay những doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc hợp tác với công ty, tập đoàn lớn sẽ là một bước chuẩn bị tốt hơn cho việc gia nhập thị trường khi có cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng, những buổi đào tạo đến từ các chuyên gia, cố vấn giàu kinh nghiệm và trên hết là các hợp đồng và cơ hội hợp tác.