Thực hành bình đẳng giới bắt đầu từ nhận thức đúng

Phạm Sơn - 10:27, 08/03/2023

TheLEADERXuất phát từ sự thay đổi về nhận thức, nhiều doanh nghiệp đã thiết kế những chương trình, chính sách thiết thực và tinh tế hướng đến bình đẳng và đa dạng giới tại nơi làm việc.

Dịp cận tết, gánh nặng từ hàng trăm công việc nhà cửa không tên trở thành nỗi ám ảnh của chị em phụ nữ trong gia đình. Đồng hành cùng việc nội trợ với nhiều nhãn hàng chăm sóc nhà cửa, gia đình, trước thềm năm mới 2023, P&G Việt Nam đã thực hiện chiến dịch quảng cáo, truyền thông với thông điệp “San việc nhà, sẻ yêu thương”.

Nói về chiến dịch này, ông Ưng Hoàng Lợi, Chủ nhiệm bình gẳng giới & hội nhập, P&G Việt Nam, cho biết, thông điệp của P&G hướng đến việc động viên mọi thành viên trong gia đình cùng nhau san sẻ việc nhà, thay vì mặc nhiên gán trách nhiệm lên người phụ nữ, từ đó tạo ra gắn kết sâu sắc, tình cảm gia đình thêm phần trọn vẹn trong giây phút thiêng liêng của tết cổ truyền dân tộc.

“Hoạt động kinh doanh cốt lõi của P&G là sản xuất và cung ứng sản phẩm tiêu dùng nhanh tới tay người tiêu dùng. Sử dụng chiến dịch truyền thông là cách P&G tận dụng giá trị cốt lõi của mình để thúc đẩy sự thay đổi nhận thức của xã hội, cộng đồng về bình đẳng giới”, ông Lợi cho biết.

Thực tế, là một doanh nghiệp đa quốc gia, từ nhiều năm nay, bình đẳng giới không chỉ hiện diện trên những chiến dịch truyền thông mà đang dần thấm nhuần vào hoạt động, trở thành những giá trị và văn hóa của P&G Việt Nam. Không chỉ hướng đến người phụ nữ, bình đẳng giới tại P&G còn bao gồm cả đa dạng giới, với những chính sách như chế độ nghỉ thai sản đối với cả cặp đôi đồng tính hay bảo hiểm y tế cho “bạn đời” chứ không nhất thiết phải là vợ, chồng hay người thân hợp pháp của nhân viên.

Chia sẻ từ một doanh nghiệp FDI khác là Schneider Electric, ông Nguyễn Quốc Tiến, DEI Champion 2021 (nhà vô địch về đa dạng, bình đẳng và hòa nhập tại công ty), cho biết, bình đẳng giới tại Schneider Electric khởi nguồn từ những điều hết sức đơn giản là bắt nguồn từ nhận thức, thông qua những buổi tập huấn về thiên kiến giới, những hòm thư chia sẻ để phản ảnh hành vi không phù hợp, tạo ra môi trường an toàn và bình đẳng cho nhân viên dù thuộc bất kỳ giới tính nào.

Bắt nguồn từ thay đổi về nhận thức, những chính sách đảm bảo quyền bình đẳng được đưa ra một cách rất tinh tế, chẳng hạn như chính sách cho phép làm việc linh hoạt, có thể làm việc ở bất kỳ đâu để người phụ nữ sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi khi cơ thể mệt mỏi do đến kỳ kinh nguyệt.

Còn đối với Intel, bà Trang Nguyễn, quản lý về con người và văn hóa tại Intel Việt Nam, cho biết, chính sách về bình đẳng giới thể hiện ở ngay từ khâu tuyển dụng khi trong hồ sơ xin việc không yêu cầu điền giới tính hoặc cung cấp ảnh, từ đó tạo ra cơ hội công bằng cho các ứng viên ngay từ ấn tượng ban đầu với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Intel Việt Nam cũng phát triển các nhóm nguồn lực nhân viên, bao gồm cả nhóm cho phụ nữ, nhóm cho LGBTQ+, nhóm cho người khuyết tật…, tạo ra sự kết nối để nhân viên dù thuộc bất cứ nhóm nào cũng có đầy đủ quyền tiếp cận với những chương trình phát triển bản thân, xây dựng mối quan hệ gắn kết và cảm giác an toàn tại nơi làm việc. Theo bà Trang, xây dựng các nhóm nguồn lực đang là xu thế được nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới áp dụng để quản trị nhân sự hiệu quả và bền vững.

Nói về những hoạt động của doanh nghiệp hướng đến bình đẳng giới, theo bà Ngô Lê Phương Linh, Giám đốc Trung tâm ICS, đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ hô hào, khẩu hiệu mà đang dần ngấm vào từng hoạt động sản xuất, kinh doanh, truyền thông, quảng cáo.

Những nỗ lực ấy thể hiện qua sự thay đổi “từ từ” nhưng rất mang tính thực chất, có thể dễ dàng quan sát thấy, chẳng hạn như trên các quảng cáo, hình ảnh cặp đôi không nhất thiết là nam và nữ hay hình ảnh người lãnh đạo không còn chỉ là người đàn ông.

Dưới góc độ một công ty tư vấn, bà Lâm Hồng Ngọc, Giám đốc phát triển khối kinh doanh, Startup Vietnam Foundation (SVF), nhìn nhận, câu chuyện bình đẳng giới, tôn trọng quyền đa dạng giới vẫn chưa thực sự được chú trọng ở các doanh nghiệp Việt Nam nếu so sánh với mối quan tâm về hoạt động kinh doanh hay làm sao để tạo ra lợi nhuận.

Theo bà Ngọc, bình đẳng giới cần bắt đầu từ chính nhận thức của nhà lãnh đạo, làm sao phải hiểu được không chỉ bình đẳng giới là gì mà còn là bình đẳng giới giúp ích gì cho các hoạt động của doanh nghiệp, đem lại những giá trị tuy không hiện ra ngay trước mắt nhưng là thiết yếu cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Nhìn rộng ra, xã hội cũng cần trả lời được những câu hỏi như “cơm ăn, áo mặc còn đang phải lo thì tại sao phải nghĩ đến bình đẳng giới”, phải nhìn được những tác động lâu dài của sự bình đẳng đối với tiến trình phát triển chung của toàn xã hội.

Lắng nghe câu chuyện của doanh nghiệp tại Tọa đàm Các bài học từ doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế trong việc thúc đẩy bình đẳng và đa dạng giới ở nơi làm việc do doanh nghiệp xã hội ECUE và Mạng lưới tự hào Việt Nam (VCPN) tổ chức, bà Ngọc kỳ vọng, những doanh nghiệp đi trước, có thực hành tốt sẽ hợp tác cùng nhau, lan tỏa những giá trị về bình đẳng và đa dạng giới ra cộng đồng, trước tiên là chính những nhà cung ứng của doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp có thực hành tốt, nếu chia sẻ thêm ra, nâng cao nhận thức cho các công ty, từ những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp gia đình, chính là bước đầu xây dựng nên tính bền vững ngay từ trong chuỗi giá trị”, bà Ngọc nhắn gửi.