Thực thi quyền sở hữu trí tuệ với hàng hóa nhập khẩu vi phạm

Hường Hoàng - 08:34, 18/07/2022

TheLEADERKhi phát hiện ra một loại hàng hóa nhập khẩu nào đó có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp phải làm gì để có thể bảo vệ được lợi ích và tài sản trí tuệ của mình?

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ với hàng hóa nhập khẩu vi phạm
Hải quan kiểm tra hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở biên giới (Ảnh: Tạp chí Tòa án)

Tại sao cần phải thực thi quyền s hữu trí tuệ?

Mục đích chính của việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đó là giúp doanh nghiệp thu được thành quả từ những sáng chế, sáng tạo của những người lao động trong công ty. Quyền sở hữu trí tuệ chỉ có thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp khi chúng được thực thi, nếu không, những kẻ xâm phạm quyền và những kẻ làm hàng giả sẽ lợi dụng việc thiếu những cơ chế thực thi có hiệu quả để hưởng lợi từ thành quả mà doanh nghiệp phải vất vả mới có được. Thông thường, chỉ cần đe dọa thực thi là đã đủ sức răn đe đối với những hành vi vi phạm tiềm tăng.

Tóm lại, doanh nghiệp cần được thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm duy trì hiệu lực pháp lý của sở hữu trí tuệ đó trước cơ quan công quyền. Ngoài ra, điều này còn giúp doanh nghiệp ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền xảy ra hoặc tiếp diễn trên thị trường, từ đó tránh được những thiệt hại nhất định, chẳng hạn như tình trạng mất uy tín đối với khách hàng. Thêm vào đó, doanh nghiệp có thể đòi bồi thường thiệt hại trong những trường hợp nhất định, ví dụ lợi nhuận giảm do một hành vi xâm phạm quyền trên thị trường.

Những cơ quan có trách nhiệm thực thi quyền s hữu trí tuệ

Gánh nặng về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu sẽ đè lên vai chủ sở hữu quyền. Do vậy, với tư cách là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cần xác định các hành vi xâm phạm hoặc những hành vi làm giả quyền sở hữu trí tuệ bất kỳ, từ đó quyết định áp dụng biện pháp thực thi.

Chính phủ và quốc gia có trách nhiệm trong việc thành lập các cơ quan hỗ trợ thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Trong một số trường hợp, các cơ quan hành chính và tư pháp như các cơ quan sở hữu trí tuệ hay cơ quan hải quan là những cơ quan thuộc chính phủ có trách nhiệm giải quyết những hành vi xâm phạm quyền, chẳng hạn như đối với những vụ làm giả nhãn hiệu hoặc xâm phạm bản quyền.

Khi những biện pháp kiểm soát biên giới được áp dụng tại biên giới quốc tế nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu hàng giả nhãn hiệu hoặc hàng xâm phạm quyền tác già, các cơ quan hải quan luôn phải giữ vai trò chính trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các cơ quan hải quan có thể hành động một cách chủ động hoặc theo yêu cầu của chủ thể quyền, hoặc thực thi lệnh của tòa án.

Hơn thế nữa, ở một số quốc gia, các hiệp hội nghề nghiệp cũng hỗ trợ các thành viên của mình trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ (xem thêm thông tin tại các website www.bsa.org hoặc www.riaa.com).

Vai trò của quan hải quan

Rất nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp thực thi quyền tại biên giới phù hợp với nghĩa vụ của mình theo các Thỏa thuận của WTO. Các biện pháp này cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ sở hữu quyền tác giả, và người nhận li-xăng được yêu cầu tạm giữ hàng hóa bị nghi là vi phạm quyền khi những hàng hóa này đang nằm trong sự kiểm soát của cơ quan hải quan.

Tuy vậy, nhìn chung các biện pháp thực thi quyền tại biên giới không được áp dụng đối với hàng hóa được nhập khẩu vì mục đích sử dụng cá nhân hoặc trong gia đình. Giữa các nước và thậm chí là giữa các khu vực khác nhau trong cùng một nước có sự khác nhau trong việc xác định chính xác về số lượng hàng hóa nhập khẩu nhằm đáp ứng điều kiện “hàng hóa nhập khẩu vì mục đích sử dụng cá nhân hoặc trong gia đình’’, phụ thuộc vào bản chất của hàng hóa.

Ở một số nước, chủ thể quyền có thể nộp phí và thông báo cho cơ quan hải quan những nhãn hiệu đã được đăng ký và những hàng hóa được bảo hộ quyền tác giả. Khi đã gửi thông báo, cơ quan hải quan có thể bắt giữ các hàng hóa vi phạm quyền bảo hộ nhãn hiệu hoặc quyền tác giả. Ở hầu hết các nước, chủ thể quyền phải gửi đơn yêu cầu và cung cấp tất cả những thông tin chi tiết liên quan đến hàng hóa bất cứ khi nào mà họ có lý do để tin rằng hàng giả hoặc hàng vi phạm nhãn hiệu đang được nhập khẩu.

Các cơ quan hải quan có thể bắt giữ những hàng hóa vi phạm và thông báo cho chủ sở hữu trong thời hạn 10 ngày làm việc. Thông báo có hiệu lực trong một thời hạn quy định, và sau đó có thể được gia hạn hoặc kéo dài cho đến khi thời hạn bảo hộ quyền tác giả hoặc đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực. Trong thời hạn này, người nhập khẩu có thể nộp đơn cho tòa án để khiếu nại rằng hàng hóa không vi phạm nhãn hiệu hoặc vi phạm bản quyền, hoặc những hàng hòa này không thuộc phạm vi của thông báo.

Ở một số quốc gia, nếu các cơ quan hải quan nhận thấy rằng hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm đã được nhập khẩu và việc thông báo không còn thích hợp, họ có thể thông báo cho chủ thể quyền (nếu biết) về việc nhập khẩu này và gợi ý họ gửi thông báo đến cơ quan hải quan trong một thời hạn quy định.Tất nhiên, chủ thể quyền phải nộp đơn yêu cầu bồi thường để trang trải những chi phí có thể phát sinh từ cơ quan hải quan (như kho lưu trữ hàng hóa, chi phí vận chuyển và chi phí pháp lý) trong khi thực hiện thông báo.

Khi hàng hóa bị bắt giữ, cơ quan hải quan sẽ thông báo cho chủ thể quyền để chủ thể quyền xác định xem hàng hóa của họ có bị làm giả hoặc vi phạm quyền tác giả hay không. ở Hoa Kỳ, việc xác định này sẽ do chính cơ quan hải quan thực hiện. Trong quá trình bắt giữ, chủ thể quyền cũng cần phải xem xét liệu họ có nên tiếp tục theo đuổi vụ việc để chứng minh rằng hàng hóa nhập khẩu có xâm phạm quyền của họ hay không - mặc dù trong một số trường hợp, bằng việc nộp đơn với các lý do hợp lý, họ sẽ được gia hạn thêm 10 ngày để xem xét.

Hàng hóa bị nghi ngờ sẽ được cơ quan hải quan bắt giữ để chờ quyết định của tòa án. Nếu chủ thể quyền không thực hiện việc khởi kiện trong thời hạn 10 ngày, cơ quan hải quan buộc phải thông quan hàng hóa của người nhập khẩu.

Do bảo hộ sở hữu trí tuệ là một vấn đề phức tạp, doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến chuyên môn của các luật sư về sáng chế, nhãn hiệu… trước khi gửi thông báo. Về những biện pháp thực thi quyền tại biên giới, hầu hết các quốc gia đang tuân thủ quy định từ điều 51-60 của Hiệp định TrIPS/WTO.