Thương mại điện tử thành bại tại 'free ship'

Việt Hưng - 15:18, 30/01/2023

TheLEADERNgười tiêu dùng tại Việt Nam đặt "chi phí thấp" và "miễn phí vận chuyển" là những yếu tố hàng đầu khi mua hàng trực tuyến, với tỷ lệ 46%. Giá là yếu tố đứng thứ hai, đạt mức 43%.

TGM Research (công ty nghiên cứu thị trường dựa trên nền tảng công nghệ) đã tiến hành một cuộc khảo sát toàn cầu nhằm xem xét hiện trạng và xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số trên nền tảng thương mại điện tử ở 5 châu lục và 33 quốc gia.

Cuộc khảo sát mới nhất của TGM Research về thương mại điện tử cho thấy những kỳ vọng, nhu cầu và hành vi của khách hàng đã thay đổi như thế nào trong suốt những năm qua khi nói đến mua sắm trực tuyến.

Trong 12 tháng qua, nhiều người tiêu dùng thường xuyên tham gia mua sắm trên Internet, 74% số người được khảo sát cho biết họ mua hàng trực tuyến hơn một lần mỗi tháng. Tại Việt Nam, có đến 38% đáp viên cho biết họ mua hàng trực tuyến hàng tuần.

Người tiêu dùng tại Việt Nam đặt "chi phí thấp" và "miễn phí vận chuyển" là những yếu tố hàng đầu khi mua hàng trực tuyến, với tỷ lệ 46%. Giá là yếu tố thứ hai, chiếm 43%.

Điện thoại thông minh là thiết bị được ưu tiên hàng đầu, với 96% người được khảo sát ở Việt Nam sử dụng điện thoại để mua hàng trực tuyến.

Thương mại điện tử thành bại tại 'free ship'
Thương mại điện tử thành bại tại 'free ship'

Tại Việt Nam, quần áo và phụ kiện được mua sắm nhiều nhất (không phân biệt hình thức trực tiếp hay trực tuyến), với 65% đáp viên cho biết họ đã mua những mặt hàng này trong 12 tháng qua. Hơn một nửa số người được khảo sát cũng cho biết các sản phẩm chăm sóc cá nhân là một trong những mặt hàng được mua thường xuyên nhất.

Các cửa hàng bán lẻ truyền thống đang nhường chỗ cho thương mại điện tử. Bằng chứng là dựa trên kết quả khảo sát, 55% người Việt Nam đã đặt hàng trực tuyến và sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh hoặc bưu điện.

Thị trường thương mại thông qua phát sóng trực tiếp (livestream) cũng đang tăng đột biến, với 38% số người được khảo sát nói rằng họ đã tham dự mua sắm qua livestream trong 12 tháng qua. Con số này minh chứng cho sức hấp dẫn của các hình thức bán hàng kết hợp yếu tố giải trí đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Thương mại điện tử Việt đang được thống trị bởi ba tên tuổi lớn bao gồm Shopee, Lazada và Tiki. Theo khảo sát, 74% người tham gia cho rằng Shopee là trang thương mại điện tử yêu thích của họ.

Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân quan tâm tính bền vững khi shopping online cao nhất trong số 33 quốc gia được khảo sát (24%), cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu là 14%.

Con số này cho thấy người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm về các vấn đề môi trường, ưu tiên các tùy chọn tái chế sản phẩm hay mua sắm những mặt hàng được sản xuất bền vững.

Tất nhiên, trong sự cạnh tranh khốc liệt của lĩnh vực thương mại điện tử, các doanh nghiệp phải thật sự sáng tạo trong việc đưa ra các chiến lược khuyến mãi để kích cầu người tiêu dùng.

Mặt khác, chỉ có 13% số người tham gia khảo sát lựa chọn “mua trước, trả sau” khiến hình thức này trở thành chiêu thức khuyến mãi kém hấp dẫn nhất đối với khách hàng tại Việt Nam.

37% số người được khảo sát trong nước đã chọn "phương thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng" là hình thức thanh toán được ưa chuộng nhất.

Ngoài ra, các chính sách ưu đãi, miễn trừ nhiều loại phí dịch vụ của một số ngân hàng đã khiến việc thanh toán qua chuyển khoản trở thành phương thức ưa chuộng thứ hai, với tỷ lệ 25%.