Tìm điểm khởi đầu hành trình ESG trong doanh nghiệp

Quỳnh Chi - 11:22, 02/12/2022

TheLEADERKhái niệm ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đã không còn quá xa lạ và các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu có ý thức trong việc thúc đẩy phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột này, tuy nhiên, đa phần vẫn chưa biết nên bắt đầu từ đâu.

Tìm điểm khởi đầu hành trình ESG trong doanh nghiệp
PNJ là một trong các doanh nghiệp tiên phong về ESG

Thay đổi góc nhìn là tiên quyết

Tháng 2/2022, khi HĐQT Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức cuộc họp phân công nhân sự để giao phụ trách thành lập tiểu ban ESG, bà Trần Phương Ngọc Thảo lúc đó đang chịu trách nhiệm về công tác chuyển đổi số của PNJ được tin tưởng gọi tên giao làm trưởng tiểu ban.

Là một lãnh đạo trẻ, năng động, chủ động tìm tòi tài liệu từ quốc tế, sớm có nhận thức về ESG và tích cực tham gia các hội thảo liên quan nhưng với bà Thảo, mọi thứ dường như chỉ ở bề nổi. Chưa có ai nói về việc làm thế nào để xây dựng tiểu ban cũng là nhiệm vụ mới mà bà phải thực hiện, chưa có ai nói về việc làm sao gắn ESG với câu chuyện kinh doanh.

“Khó khăn lớn nhất là về mặt tư duy. Lúc nhận nhiệm vụ, tôi rất hoang mang vì sợ phải làm một mảng chẳng liên quan gì đến hoạt động của công ty. Tôi cảm thấy cô đơn mà không biết phải hỏi kinh nghiệm từ ai”, bà Thảo chia sẻ trong hội thảo “ESG - Bước đi nhỏ, hiệu quả lớn" do YBA TP.HCM tổ chức.

Đọc nhiều, tìm hiểu nhiều, bà Thảo dần vỡ ra và hiểu được ESG là gì cũng như tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển bền vững của công ty.

Theo PwC, nếu phát triển bền vững là một thuật ngữ bao hàm tất cả những nỗ lực của toàn xã hội, ví dụ như của quốc gia, của địa phương... nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên thế giới xung quanh và có thể mang những ý nghĩa khác nhau đối với những đối tượng khác nhau, thì ESG (quản trị bền vững) nhấn mạnh những yếu tố quan trọng nhất đối với hoạt động kinh doanh ngày nay bao gồm: môi trường, xã hội và quản trị. 

ESG cũng đã trở thành một thước đo ngày càng quan trọng đối với thị trường nhờ bản chất có thể đo lường và dữ liệu hóa mà các công ty có thể dựa vào để đo đạc và báo cáo.

Bà Thảo nhận ra rằng, tư duy về phát triển bền vững trên thực tế đã có trong lịch sử gần 35 năm hình thành của PNJ với triết lý “đặt lợi ích của xã hội và khách hàng vào trong lợi ích doanh nghiệp”. ESG gắn bó rất mật thiết với sự phát triển của doanh nghiệp chứ không phải bị tách biệt như suy nghĩ trước đó.

Chẳng hạn từ rất sớm, PNJ đã quan tâm đến sức khoẻ "thân - tâm - trí" của người lao động mà sau này được chiến lược hóa và cam kết mạnh mẽ trong trụ cột xã hội với chiến lược sức khỏe toàn diện cho nhân viên. Nhờ đó, đối tác lẫn nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá cao công tác quản trị nguồn nhân lực của doanh nghiệp.

Với nền tảng văn hoá vững chắc với giá trị “quan tâm cùng phát triển”, PNJ đã đặt con người vào vị trí trung tâm để kịp thời quan tâm chăm sóc ngay trong mùa dịch, đảm bảo về sức khoẻ, thu nhập cũng như tổ chức chuyến nghỉ dưỡng đến khách sạn 5 sao ở Phú Quốc của tập thể 6.000 nhân sự ngay khi hết giãn cách vào giữa năm 2020.

Nhờ đó, tinh thần “chiến đấu” của người PNJ đã được khơi dậy mạnh mẽ, khí thế dâng cao và rồi cùng nhau đạt được những kết quả kinh doanh vượt xa mong đợi. Doanh thu thuần năm 2020 của công ty này đạt hơn 17.510 tỷ đồng và lãi ròng đạt hơn 1.069 tỷ đồng, lần lượt vượt 20,9% và 28,5% so với kế hoạch. Đặc biệt, doanh thu quý I/2021 tăng 43% so với cùng kỳ, đạt khoảng 7.150 tỷ đồng - mức doanh thu trong một quý cao nhất trong lịch sử PNJ đến thời điểm đó.

Với sự thay đổi đó về tư duy, bà Thảo đã tự tin hơn để bước từng bước nhỏ chắc chắn từ những ngày đầu tiên. Nhận thấy ESG là tương lai, là một chân trời mới để nâng tầm công ty và tạo nhiều giá trị, bà xác định phải lấy ESG là kim chỉ nam khi đưa ra các chiến lược trong công ty.

ESG – bước đi nhỏ, hiệu quả lớn
Bà Trần Phương Ngọc Thảo, thành viên HĐQT PNJ

Trên thực tế, khó khăn về mặt tư duy khi bắt đầu hành trình ESG của bà Thảo cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt.

Dẫn số liệu khảo sát của PwC, ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó tổng giám đốc của đơn vị tư vấn này cho biết, hầu hết doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu hành trình ESG. Các rào cản chính đối với họ trong việc cam kết và triển khai ESG là thấy rằng tổ chức chưa trang bị đủ kiến thức, chưa đủ nguồn lực tài chính và quy mô kinh doanh còn hạn chế.

Điều đặc biệt làm nên thành công ở PNJ là các lãnh đạo đã sớm có ý thức đối với xu hướng ESG và đã thúc đẩy triển khai nhưng ở Việt Nam, theo PwC, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa phát huy hết năng lực của đội ngũ lãnh đạo cấp cao để thúc đẩy thực hiện các cam kết ESG.

“Thiếu sự chỉ đạo nhất quán và xuyên suốt từ HĐQT và ban điều hành cũng là một thách thức trong việc thực thi chính sách ESG bởi họ có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ưu tiên thực hành cam kết ESG thông qua định hướng quản lý trong việc phân bổ nguồn lực và tập trung vào các vấn đề phù hợp”, ông Nam nói.

Sau khi người “đầu tàu” có góc nhìn đúng về ESG thì đội ngũ nhân sự các cấp cũng cần hiểu về nó bởi họ chính là những người trực tiếp triển khai và chịu ảnh hưởng từ các chính sách. Do đó, bắt đầu với việc cập nhật hiểu biết về ESG cho đội ngũ nhân viên thông qua các chương trình truyền thông, đào tạo là một gợi ý của Phó tổng PwC.

Cây gậy hay củ cà rốt

Sau khi hiểu về ESG, bước tiếp theo trên hành trình ESG của công ty, theo ông Nam là phát triển chiến lược ESG với việc đặt ra các tham vọng/mục tiêu và tích hợp vào chiến lược kinh doanh; xem xét những gì doanh nghiệp đã và đang thực hiện trong khung mô hình ESG; phân tích các rủi ro và cơ hội khi triển khai ESG; xác định sứ mệnh, chủ đề trọng yếu và các chỉ số phù hợp cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn, theo bà Nguyễn Trần Vân Quỳnh, Phụ trách ESG quốc gia của AIA Việt Nam, chiến lược ESG của tập đoàn này được xây dựng dựa trên 5 trụ cột gồm sống khoẻ, hoạt động bền vững, đầu tư bền vững, con người và văn hoá, quản trị hiệu quả.

Bà Thảo cho rằng, doanh nghiệp có thể bắt đầu vì sợ “cây gậy” là những quy định hay kỳ vọng của giới đầu tư; hoặc vì muốn “củ cà rốt” là cảm tình của các bên liên quan như khách hàng, nhà đầu tư… Củ cà rốt thì hơi khó định lượng còn cây gậy thì lại “chát”. Nhìn chung, cần tính toán hiệu quả về mặt chi phí để làm thước đo thay vì làm theo cảm tính.

Ông Nam cũng lưu ý, trong hành trình ESG, đặc biệt là giai đoạn phát triển chiến lược ESG, doanh nghiệp cần sử dụng cách tiếp cận toàn diện cùng với cân nhắc các nguồn vốn và các bên liên quan phù hợp để tối ưu hoá việc tạo ra giá trị.

“Mục tiêu và chiến lược của một công ty nên phản ánh tầm quan trọng của ESG đối với tăng trưởng ngắn hạn và dài hạn, đối với tổ chức hoạt động, đối với các nhà đầu tư và các bên liên quan”, lãnh đạo PwC lưu ý.

ESG – bước đi nhỏ, hiệu quả lớn 1
Muốn làm ESG thì trước tiên phải hiểu về ESG

Bước tiếp theo trên hành trình tạo lập giá trị từ ESG là thực hành ESG. Cụ thể là các hoạt động nâng cao nhận thức; xây dựng năng lực; thúc đẩy các sáng kiến ESG; xây dựng cấu trúc, quy trình, văn hoá và cơ sở hạ tầng; đo lường ESG; báo cáo. Quá trình vận hành và thực hiện cần được giám sát thường xuyên.

Chia sẻ về việc đo lường, bà Thảo cho biết từng nghĩ rằng PNJ không thuộc nhóm công nghiệp nặng nên nghĩ khối lượng phát thải carbon sẽ không cao nhưng cùng các đơn vị chuyên môn đi vào chi tiết mới thấy các chỉ số cộng lại sẽ làm thành con số cao “bất ngờ”. Phát thải carbon không chỉ tính phát thải trực tiếp mà còn phải chuyển đổi từ lượng điện tiêu thụ, tính tổng của cả các đối tác khác trong chuỗi cung ứng, di chuyển hàng ngày của nhân viên...

Cũng vì vậy mà ông Nguyễn Đình Cương - CEO Clavis Aurea cho rằng, doanh nghiệp, đặc biệt là startup, có thể dùng ESG như một cánh cửa mới để “đi tắt”, phục vụ những nhu cầu đặc biệt của các chính phủ và doanh nghiệp lớn để từng bước lớn mạnh và hợp xu hướng. Những câu chuyện như “heo ăn chuối”, voucher điện tử hay phần mềm quản lý tài sản có thêm chức năng đo lường chỉ số carbon là những ví dụ điển hình.

Ông Nam cũng lưu ý, các khía cạnh của ESG cần được triển khai vào các hoạt động hàng ngày và được đưa vào tất cả các chuyển đổi trong hoạt động, ví dụ như chuỗi cung ứng, chuyển đổi chi phí, chuyển đổi công nghệ thông tin…

Để chuyển đổi báo cáo thành công, các công ty cần định nghĩa các chỉ số phù hợp (tài chính và phi tài chính) cùng với dữ liệu đáng tin cậy. Doanh nghiệp nên lên kế hoạch lập báo cáo ESG từ đầu năm để thu thập thông tin kịp thời cũng như trình bày cấu trúc báo cáo truyền cảm hứng hiệu quả nhất.

Các chuyên gia cũng lưu ý, tuỳ vào giai đoạn phát triển cùng các điều kiện nội tại cụ thể mà doanh nghiệp nên tập trung vào một vài khía cạnh hơn những thứ còn lại. Bởi lẽ, cách chọn sáng kiến giải pháp mới là điều tiên quyết mang đến hiệu quả chứ không phải là số tiền đầu tư.

“ESG bao hàm rất nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có những tiêu chí riêng. PNJ cam kết hành động có trách nhiệm để tôn vinh vẻ đẹp của con người và cuộc sống một cách bền vững. Theo đó, chúng tôi đã định rõ những chiến lược tối trọng cần làm cho từng trụ cột ESG để thực sự hướng đến và làm được cam kết của mình”, đại diện PNJ chia sẻ.

Ngoài ra, việc triển khai ESG cũng cần được giám sát và đánh giá đề từ đó đưa ra các cập nhật và sửa đổi chiến lược cho phù hợp với bối cảnh.