TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế đặc thù

Hứa Phương - 09:58, 04/12/2022

TheLEADERTP.HCM muốn thí điểm tự quyết nhiều quy định về đầu tư để thu hút vốn tư nhân, thu thuế đối với bất đống sản thứ hai

Với nhận định trong 5 năm thực hiện thí điểm nghị quyết 54, TP.HCM đối diện với nhiều thách thức mới, bối cảnh quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Sự vượt trội của thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, hệ thống giao thông, hạ tầng chưa có bước đột phá nên không đáp ứng được nhu cầu phát triển.

TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế đặc thù
TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế đặc thù nhằm phục vụ nhu cầu phát triển trong thời gian tới

Dẫn đến tăng trưởng của TP.HCM giảm mạnh 20 năm qua từ 10,2% giai đoạn 1996-2010 còn 6,41% giai đoạn 2016-2020.

Do đó, UBND TP.HCM vừa gửi Chính phủ dự thảo nghị quyết chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay Nghị quyết 54/2017 về cơ chế đặc thù).

Theo đó, thành phố xin thí điểm thu thuế với quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên. Mục đích là tăng thu ngân sách, đồng thời hạn chế việc đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời là cơ sở để xây dựng chính sách chung sau này. TP.HCM đề xuất được hưởng trọn nguồn thu từ thuế nhà đất thứ hai cũng như các phí mới mà thành phố thí điểm.

Về quản lý đầu tư, dự thảo đề xuất cơ chế riêng về quy trình thủ tục đầu tư; giao đất, cho thuê đất; lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ rất đặc thù về quỹ đất mà đây là điểm nghẽn trong việc thu hút vốn đầu tư.

Thành phố muốn xã hội hoá đầu tư để huy động thêm nguồn lực nhưng nhiều nội dung trái quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

TP.HCM cũng kiến nghị được phân cấp nhiều nội dung về quản lý đô thị, tài nguyên môi trường thuộc thẩm quyền của Trung ương như: điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị: lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết: quyết định các vấn đề về xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư, xử lý chung cư cũ, nhà trên và ven kênh rạch vì đang vướng mắc ở nhiều luật như Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và Luật Đất đai.

Theo chính quyền TP HCM, việc phân cấp sẽ tạo cơ chế để thành phố linh hoạt hơn. Qua đó sẽ giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư.

Cơ chế đặc thù không làm ảnh hưởng điều hành chung của Chính phủ và lợi ích của địa phương khác, mà tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị TP HCM.

Trước đó, năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 với nhiều cơ chế đặc thù nhằm tạo điều kiện cho “đầu tàu” kinh tế của cả nước bứt phá. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện do có nhiều vướng mắc nên kết quả mang lại chưa được như mong muốn.