Trăn trở của một Bộ trưởng về văn hoá doanh nghiệp

Quỳnh Chi - 17:08, 06/12/2021

TheLEADERTính nhân văn là một trong những đặc điểm chung của đa phần doanh nghiệp đang có văn hoá mạnh hiện nay.

Trăn trở của một Bộ trưởng về văn hoá doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng

Còn nhớ trong lễ công bố và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc văn hóa Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu.

Doanh nghiệp được nhận định là trái tim của nền kinh tế, đội ngũ sẽ thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra về một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, năng động, đoàn kết, hướng tới phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng trong Diễn đàn quốc gia Văn hóa với doanh nghiệp năm 2021 đã khẳng định, mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi cộng đồng doanh nghiệp phát triển hài hòa trên các trụ cột kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Trong đó, văn hóa chính là yếu tố cốt lõi, nền tảng dẫn dắt và điều chỉnh các trụ cột khác.

Đáng chú ý, thực tế đã chứng minh, văn hoá mạnh sẽ giúp doanh nghiệp tạo được uy tín, gia tăng sức bền và vượt qua được khủng hoảng, đặc biệt như trong bối cảnh Covid-19.

Tuy nhiên, đứng từ góc độ của một lãnh đạo nhìn về câu chuyện văn hoá doanh nghiệp, ông Hùng vẫn còn nhiều trăn trở, trong đó ông đặt vấn đề về yếu tố mà các doanh nghiệp còn thiếu nhưng mang tính cấp bách.

Ông lấy ví dụ, khi các đoàn cứu trợ đưa quà đến, một bộ phận công nhân đã buộc phải trả lại túi quà cho các đơn vị vận động do không có cơ sở để nấu nướng, bếp ăn của họ vào buổi trưa chính là căng tin của doanh nghiệp. Còn lại, họ lựa chọn ghé một hàng ăn trên đường về. Nhưng khi dịch bệnh xảy đến phải thực hiện giãn cách, người lao động không được ra ngoài lại thiếu thốn đủ bề.

Hay kể một câu chuyện khác, vị bộ trưởng cho biết, công nhân đến làm việc ở nhà máy rất lớn, hoành tráng, có vị trí đắc địa, có quy mô nhưng điểm đi là những phòng trọ xập xệ, không đảm bảo chất lượng. Có những nhóm công nhân phải chen chúc 5-7 người trong một căn phòng nhỏ hẹp để tiết kiệm chi phí.

“Ta nghĩ gì giữa điểm đến và điểm đi, ta nói về kiên tâm và chia sẻ, vấn đề thương yêu và trách nhiệm nhưng nên chăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề này là cùng với Nhà nước tính toán thêm, phát triển kinh tế và doanh nghiệp song song với góc độ an sinh xã hội. Hãy cho chúng tôi lời khuyên, chúng ta thấy đang thiếu gì qua đại dịch này và sắp tới chúng ta cùng nhau làm gì khi có hiện trạng nêu trên”, vị bộ trưởng đặt vấn đề với một tinh thần cầu thị lớn.

Nỗi trăn trở của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về văn hoá doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng trao đổi với các doanh nhân trong Diễn đàn quốc gia Văn hóa với doanh nghiệp năm 2021

Con người là yếu tố cốt lõi

Hai câu chuyện cũng như câu hỏi của vị bộ trưởng xoay quanh yếu tố con người. Đó cũng là yếu tố mà các doanh nghiệp có sự phát triển bền vững đã coi trọng trong quá trình xây dựng và phát riêng văn hoá doanh nghiệp cũng như doanh nghiệp nói chung.

“Bản sắc nhân văn là một trong những đặc điểm chung của đa phần doanh nghiệp đang có văn hoá mạnh hiện nay” Chủ tịch Talentnet Tiêu Yến Trinh khẳng định.

Bà Trần Trâm Anh, Tổng giám đốc vùng Công ty TNHH Coast Phong Phú cho biết, công ty này xem con người như trái tim của doanh nghiệp, trái tim có đập đều thì doanh nghiệp mới khởi sắc và hoạt động nhịp nhàng. Ngược lại, nếu trái tim lệch nhịp thì doanh nghiệp cũng chếnh choáng. Con người ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống.

Bà Trâm Anh nhận định, doanh nghiệp muốn tạo kháng thể thì phải bắt mạch trái tim thường xuyên và cấp vaccine đúng liều, đúng thời điểm.

Cụ thể, khi Covid-19 mới xuất hiện, người lao động có tâm lý lo sợ thì doanh nghiệp phải hỗ trợ đảm bảo an toàn sức khoẻ, giúp nhân viên biết cách phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân và gia đình.

Khi có lệnh phong toả, người lao động lo lắng cho việc làm và thu nhập cũng như công việc tương lai. Lúc này, doanh nghiệp phải đảm bảo thu nhập cho nhân viên và kịp thời thông tin về doanh nghiệp một cách minh bạch, tránh tình trạng hoang mang.

Khi doanh nghiệp mở cửa trở lại, trái tim đó đập rộn ràng thì doanh nghiệp thúc đẩy gia tăng năng suất để nhân viên phát triển.

“Chúng ta không xây công ty, chúng ta xây con người rồi con người mới xây công ty”, bà Trâm Anh nói.

Nhớ lại một sự kiện về văn hoá doanh nghiệp diễn ra ba năm về trước, lúc đó, ông Nguyễn Trí Thông mới đảm nhiệm chức vụ CEO của PNJ đã nhắc đến chữ “nhân” là con người khi nói về cốt lõi của câu chuyện văn hoá doanh nghiệp ở PNJ. Trong đó, ông Thông nhấn mạnh tình yêu thương và trách nhiệm đã tồn tại trong cơ địa của đội ngũ nhân sự doanh nghiệp này.

Những khi có chỉ thị mới, người lãnh đạo của PNJ nhiều lúc phải thức trắng đêm để quan sát tình hình và viết tâm thư gửi cho nhân sự để trấn an và động viên tinh thần. Công ty không cắt lương của nhân viên. Đồng thời, PNJ thực hiện lan toả tình yêu thương ra cộng đồng trong mùa dịch với các chương trình CSR mà nổi bật trong đó là chương trình Siêu thị mini 0 đồng.

“Với cơ địa đó, khi con người PNJ được chích các kháng nguyên thì kháng thể sẽ tự sinh ra, con người càng đoàn kết chặt chẽ”, ông Thông nói.

Nỗi trăn trở của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về văn hoá doanh nghiệp 1
Các lãnh đạo bàn về văn hoá doanh nghiệp

Có cùng quan điểm, Chủ tịch Deloitte Hà Thu Thanh khẳng định, nói đến văn hoá chắc chắn phải nói đến con người bởi sức mạnh của nguồn nhân lực tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp.

Deloitte quan điểm, văn hoá là sức mạnh nội sinh bên trong để doanh nghiệp phát huy được sức mạnh và phát triển bền vững. Đáng chú ý, toàn bộ đội ngũ công ty này thực hiện chia sẻ niềm tin như một giá trị cốt lõi. Đó là niềm tin vào các mục tiêu phát triển, vào sự phát triển của đội ngũ và của từng cá nhân. 

Niềm tin đó tạo nên tính kiên tâm trong ban lãnh đạo doanh nghiệp và trong từng con người của Deloitte, lan toả đến các cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mà bà Thanh tham gia.

Khi doanh nhân, doanh nghiệp có sự kiên tâm và chia sẻ niềm tin, họ sẽ kết nối để tạo nên nguồn vốn xã hội trong bối cảnh nguồn lực tài chính đang bị suy giảm do khủng hoảng dịch bệnh. Đó cũng là nền tảng để các doanh nghiệp cùng nhau hướng đến một hạ tầng văn hoá trong tương lai. 

Đáng chú ý, bà Thanh cho biết, Deloitte có vaccine 5T: “Thân” – khi dịch bệnh 100% nhân viên làm tại nhà, “Tâm” - được bình an, “Trí” - được phát triển, “Tiền” - có đầy đủ và “Trái tim” - lãnh đạo kiên tâm phải quan tâm tối đa người lao động ở mức có thể.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng cho biết, văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển nhanh hơn và giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhờ đưa hai chữ “nghĩa tình” vào làm một trong các giá trị văn hóa cốt lõi mà tập đoàn này đã vượt qua nhiều thử thách không chỉ trong hai năm Covid mà trong suốt một hành trình dài phát triển.

“Khi chúng tôi trân trọng những điều nhỏ nhất họ làm được, ứng xử có trước có sau…thì người lao động sẽ gắn bó”, ông Vượng nói.

Nhìn xuống Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, ông Vượng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp vì suy cho cùng, sự phát triển và ứng xử của cộng đồng doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách.