Liều thuốc thử cho nhà lãnh đạo kiên tâm

Đặng Hoa - 08:00, 28/08/2020

TheLEADERNhà lãnh đạo giỏi là người xử lý được khủng hoảng ngay sau khi khủng hoảng xảy ra. Nhà lãnh đạo kiên tâm là người quản lý được khủng hoảng thậm chí từ trước khi nó xảy ra.

Liều thuốc thử cho nhà lãnh đạo kiên tâm
Nhà lãnh đạo kiên tâm luôn duy trì và lan toả năng lượng tích cực

Bài kiểm tra bản lĩnh của nhà lãnh đạo

Trong một sự kiện trực tuyến do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Deloitte Việt Nam đồng tổ chức mới đây, toả ra từ bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục Sky-line và bà Nguyễn Ngọc Mỹ, thành viên HĐQT Tập đoàn Alphanam, là một tinh thần rất lạc quan cho dù hoạt động kinh doanh của họ, đặc biệt là các hoạt động ở Đà Nẵng, vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Chẳng phải vì sự kiện mang tên “Kiên tâm – Yếu tố cần giúp lãnh đạo doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng Covid-19”, cũng chẳng phải vì là nhân vật chính trong sự kiện, những doanh nhân này có được sự lạc quan nhờ bám sát các điều kiện: Chủ động chuẩn bị phương án đối phó với khủng hoảng và truyền được sự kiên tâm đến với toàn bộ nhân sự công ty.

Dịch Covid-19 xảy ra, các chuyến bay quốc tế bị dừng/huỷ đã ảnh hưởng rất lớn đối với mảng du lịch khách sạn của Alphanam khi tỷ lệ khách quốc tế thường chiếm tới 90%. Hai tháng mở cửa trở lại sau đợt dịch thứ nhất trước khi đợt dịch thứ hai diễn ra là một phép thử rất lớn với các khách sạn mang thương hiệu quốc tế của doanh nghiệp này khi phải đón một tập khách hàng hoàn toàn mới.

Alphanam nhanh chóng thay đổi để đón khách sau đợt dịch thứ nhất. Tuy nhiên, bà Mỹ cho biết luôn nhắc nhở đội ngũ phải đảm bảo hai mục tiêu quan trọng là giữ gìn các giá trị lâu dài mà thương hiệu đã xây dựng từ những ngày đầu, và lấy ngắn nuôi dài để có tiền mặt duy trì hoạt động của khách sạn, trả lương cho nhân viên.

Nhờ hoạt động trong nhiều lĩnh vực nên khi du lịch khách sạn bị ảnh hưởng, các mảng khác vẫn duy trì ổn định và hỗ trợ được cả tập đoàn. Alphanam tận dụng giai đoạn này để đầu tư nâng cấp trang thiết bị, tuyển dụng và phát triển con người.

Nữ lãnh đạo trẻ của Alphanam cho biết, từ tháng 3/2020 đến nay đã tham dự rất nhiều cuộc họp với các cán bộ nhân viên của công ty để đưa họ vào tâm thế “không có gì kết thúc vào ngày mai, cách sống sót là cùng nhau thay đổi, ai không thay đổi được sẽ tụt về phía sau”.

“Đọc báo không phải để bi quan về số lượng ca nhiễm, số nơi bị cách ly mà đọc báo để nắm bắt và phân tích những thay đổi trong hành vi ứng xử của khách hàng qua thời gian. Nắm bắt được thị trường, khách hàng và nhu cầu của khách hàng là nguyên tắc không bao giờ thay đổi trong kinh doanh. Alphanam đưa những điều này vào các cuộc họp để tìm cách ứng biến”, bà Mỹ cho biết.

Người kế nghiệp của Alphanam cho rằng, Covid-19 là thời điểm để bà kiểm tra và thử thách sự chuẩn bị trong hàng chục năm qua, để kiên tâm hơn trong khủng hoảng, và là câu chuyện dùng để huấn luyện thế hệ sau này về cách thức sống sót trong một thế giới VUCA đầy bất ổn (thế giới VUCA: Volatility - biến động, Uncertainty - không chắc chắn, Complexity - phức tạp và Ambiguity - mơ hồ). 

Khủng hoảng sẽ không bao giờ kết thúc, một cú sốc lớn hơn nhiều có thể xuất hiện khi khủng hoảng này qua đi.

Cũng kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, phải tương tác với con người, bà Phương cho biết khi đợt dịch thứ hai xảy ra, dù chưa có yêu cầu giãn cách xã hội, bà cũng đã thay mặt Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng yêu cầu chính quyền thành phố cho các trường học đóng cửa để rà soát dịch bệnh. Yếu tố an toàn của học sinh và đội ngũ nhân sự được bà đặt lên hàng đầu. Bà cũng nhanh chóng phối hợp với các bệnh viện, thực hiện nghiêm ngặt quy trình chống dịch.

Bà Phương nhận thấy, cần phải duy trì hoạt động của đội ngũ giáo viên khi học sinh không đến trường, để vừa đảm bảo thu nhập cho giáo viên, vừa đảm bảo việc học của học sinh không bị ngắt quãng. Sky-line nhanh chóng chuyển đổi mô hình sang các kênh trực tuyến, đào tạo các cán bộ và giáo viên. Đặc biệt, đơn vị này nhanh chóng chọn lựa 74 người trẻ tham gia chương trình đào tạo lãnh đạo kế cận.

“Học sinh không đến trường nhưng đội ngũ lãnh đạo của Sky-line phải làm việc gấp 2-3 lần so với bình thường để nhanh chóng xây dựng quy trình, đào tạo đội ngũ ứng dụng công nghệ và lên hết mọi kịch bản cho thời gian tới. Cú sốc Covid giúp chúng tôi chuẩn bị và sẵn sàng, cho chúng tôi biết được mình có thể chịu đòn đến đâu và cũng giúp hình thành sự ấm áp sẻ chia giữa tổ chức và người lao động”, Chủ tịch Sky-line nói.

5 từ khoá để trở thành những nhà lãnh đạo kiên tâm

Ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cũng nhận định, khủng hoảng là bài kiểm tra hoàn hảo cho bản lĩnh của nhà lãnh đạo. 

Nhà lãnh đạo giỏi là người xử lý được khủng hoảng ngay sau khi khủng hoảng xảy ra. Nhà lãnh đạo kiên tâm là người sẽ quản lý được khủng hoảng thậm chí từ trước khi nó xảy ra. Để là một nhà lãnh đạo kiên tâm, ông Hoàng chỉ ra 5 yếu tố quan trọng.

Thứ nhất là lì đòn, lãnh đạo muốn sinh tồn trước hết phải biết chịu đòn, không đầu hàng và phải duy trì được ba thứ.

Một là đội ngũ nhân tài bởi nếu tiền tài là máu thịt thì nhân tài là nguyên khí của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đang khủng hoảng và phải vật lộn để sinh tồn, sẽ có lúc những lãnh đạo kiên tâm giật mình tự hỏi liệu đã đồng cảm, đồng hành và chia sẻ đủ với nhân viên hay chưa.

Hai là duy trì tổ chức. Doanh nghiệp cần ưu tiên phòng thủ thật chắc, giữ hệ sinh thái bằng cách bảo vệ các yếu tố then chốt như khách hàng, nhân viên,…

Ông Hoàng cho biết, trong một khảo sát gần đây của Deloitte, cứ 10 nhà lãnh đạo được hỏi thì 6 người ưu tiên phòng thủ chắc. Nhà lãnh đạo kiên tâm sẽ “giật mình thức dậy trong đêm”, trăn trở rằng, nếu muốn duy trì tổ chức thì phải làm gì để doanh nghiệp sống sót, nhân viên có việc làm.

Nhưng một điều không kém phần quan trọng được ông Hoàng nhấn mạnh, khi giật mình thức dậy trong đêm và trăn trở, lãnh đạo cũng cần học cách ngủ lại thật nhanh. Lãnh đạo cần luôn tỉnh táo trong việc đưa ra quyết định và thậm chí là tếu táo để truyền tinh thần lạc quan cho nhân viên.

Thứ hai, lãnh đạo cần linh động, chấp nhận rằng bất ổn là thứ duy nhất chắc chắn ổn định, bởi không linh động sẽ bị “đông lạnh”. Trước hết, cần nắm bay thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, thay đổi trong trật tự xã hội và trong thói quen của người tiêu dùng. Sẽ có những thay đổi tạm thời nhưng cũng có những thay đổi mang tính vĩnh viễn.

Trong một khảo sát của Deloitte cách đây không lâu, 70% CEO toàn cầu được khảo sát tin rằng ưu tiên chiến lược nhất là phải gắn với thay đổi lâu dài trong hành vi người tiêu dùng.

Thứ ba là kịp thời. Theo lãnh đạo Deloitte, một lần kịp thời bằng một đời hoàn hảo. Trong giai đoạn này, lãnh đạo cần ưu tiên tốc độ trước sự hoàn hảo, nhanh giản dị tốt hơn chậm hoàn mỹ. Các thông điệp gửi tới khách hàng và nhà cung cấp cần ngắn gọn và thường xuyên. 

Lãnh đạo cũng cần nhanh chóng và dứt khoát trong việc ra quyết định. Có những khi, lãnh đạo phải ra đưa ra quyết định dù chưa có đủ thông tin vì quyết sớm có thể sai nhưng sai sớm thì sửa sớm, không quyết không sai nhưng lại “không có cửa”.

Ngoài ra, lãnh đạo cũng cần mau lẹ, khẩn trương và sáng tạo trong hành động. Muốn làm được thì doanh nghiệp không nên có quá nhiều cấp trung gian phê duyệt, cần thực hiện trao quyền.

Covid-19: Liều thuốc thử cho nhà lãnh đạo kiên tâm 1
Các nhà lãnh đạo tham dự tại sự kiện “Kiên tâm – Yếu tố cần giúp lãnh đạo doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng Covid-19”

Thứ tư là tìm cách khai thác cơ hội trong nguy nan. Covid-19 xảy ra đã làm chậm và thậm chí làm tắc nghẽn nhiều thứ, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp khơi thông những quá trình trước đây còn chậm như số hoá, quy trình, công nghệ… vì không có lựa chọn nào khác để tồn tại.

Đơn cử như việc trước đây nhân viên rất ngại họp trực tuyến, ngại dùng công nghệ,…nhưng khi Covid-19 diễn ra, ai cũng thành thạo ít nhất một công cụ họp trực tuyến, tham dự tối thiểu 2-3 cuộc họp mỗi tuần.

Đây là cơ hội để doanh nghiệp kiếm tìm các thị trường ngách bằng cách kết thân với các đồng đội, đồng minh. Theo ông Hoàng, trong cái khó dễ ló cái liều. Như Chủ tịch FPT Trương Gia Bình từng nhận định, khi một ngành truyền thống kết hợp với công nghệ hoặc ứng dụng sẽ tạo ra ngành mới cực kỳ độc đáo, chẳng hạn như xe ôm công nghệ, taxi công nghệ, hay mô hình e-leaning trị giá tới 250 tỷ USD trên toàn cầu.

Lãnh đạo cũng cần khai thác cơ hội và định vị chiến lược của doanh nghiệp, xác định xem phân khúc nào để tồn tại và phân khúc nào để tăng trưởng. Ông Hoàng cho rằng, trong nguy có cơ là có thật nhưng phải biết cách nắm bắt và khai thác cơ hội.

Cuối cùng, lãnh đạo doanh nghiệp cần kiến thiết cho tầm nhìn dài hạn. Lãnh đạo nào cũng muốn kiên tâm nhưng nhiều người lại muốn “cầm tiền” hơn. Ông Hoàng cho rằng đây là lúc các nhà lãnh đạo kiên tâm xem xét kỹ và giữ tầm nhìn dài hạn, đừng để các mục tiêu ngắn hạn làm giảm “thị lực” và tầm nhìn của doanh nghiệp.

Lãnh đạo Deloitte đề xuất bốn lĩnh vực mà các doanh nhân có thể xem xét kiến thiết. Thứ nhất là mô hình kinh doanh trở nên đột phá. Thứ hai là kiến thiết chiến lược kinh doanh với các yếu tố quan trọng như sản phẩm, địa bàn và hợp tác đa ngành. Thứ tư là kiến thiết về công nghệ và thứ năm là kiến thiết về tài chính.

“Dù rất nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, tôi vẫn nhìn thấy nhiều tấm gương đã và đang chèo chống đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp lớn tìm hướng đi mới cho doanh nghiệp, startup dù nguồn lực về vốn và con người hạn chế nhưng vẫn tìm ra con đường cho mình. Chỉ cần có các nhà lãnh đạo kiên tâm thì không lo Covid”, ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cũng đặc biệt lưu ý, điều quan trọng nhất với một nhà lãnh đạo kiên tâm là trong hoàn cảnh nào cũng nên cười tươi, đừng bao giờ đánh mất nụ cười.

Làm sao để cười trong khủng hoảng?

Theo dõi trang facebook cá nhân của bà Nguyễn Ngọc Mỹ, cảm xúc nhận được mỗi ngày thường rất tích cực, có những khi lắng đọng, lúc lại phấn khởi mà không hề có bất cứ dòng trạng thái hay bình luận tiêu cực nào, kể cả trong giai đoạn khủng hoảng do Covid-19. Bà luôn tìm kiếm những năng lượng tích cực và lan toả năng lượng này đến những người xung quanh.

“Có rất nhiều tin tức tiêu cực trên mạng xã hội khi Covid-19 xảy ra. Hãy ý thức bảo vệ năng lượng của bản thân trước khi truyền đạt năng lượng tích cực đến xã hội”, bà Mỹ nói.

Một số việc rất nhỏ và đơn giản mà lãnh đạo trẻ này vẫn làm là bỏ theo dõi những người/trang chia sẻ các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.

“Mọi người thường hỏi vì sao tôi hay chia sẻ những điều tích cực. Vì khi mở facebook ra tôi toàn đọc được những câu tích cực, sau đó tôi chia sẻ lại cho nhân viên. Các doanh nhân trẻ hãy chủ động đi tìm nụ cười, cái gì tiêu cực thì hãy tạm quên, dành thời gian cho gia đình, sở thích của bản thân, và lan toả năng lượng tích cực tới xã hội”, lãnh đạo Alphanam nói.

Ngoài ra, bà Mỹ cho rằng, khi doanh nghiệp đang chưa thể tự đứng lên thì hãy lùi lại một bước, nhìn xung quanh và tìm kiếm sự kết nối, đồng hành với các doanh nghiệp khác để cùng đứng lên và lan toả sức mạnh.

“Trong những lúc cùng sướng thì rất khó để kêu gọi mọi người lại và có sự đồng cảm, nhưng đây là lúc có thể cùng kêu khổ, cùng hỗ trợ nắm tay và kết nối”, bà Mỹ nói. 

Covid-19: Liều thuốc thử cho nhà lãnh đạo kiên tâm 2
Shark Nguyễn Thanh Việt

Trong khi đó, là người từng “gây bão” trên mạng xã hội với lời khuyên dành cho startup “khi khởi nghiệp phải nghĩ ngay đến thất bại”, ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Intracom cho rằng, làm gì cũng phải nghĩ đến yếu tố rủi ro. Ông quan điểm, rủi ro luôn chờ ở phía trước nên cười để lạc quan lúc đang đau khổ, và nếu đang thất bại cũng hãy cười vì tương lai tươi sáng đang chờ.

“Các doanh nghiệp không khác gì ngọn nến trước gió. Đã là doanh nhân thì đầu tiên phải có tinh thần lạc quan kèm theo yếu tố cảnh giác. Có một thứ bất biến là không có gì bất biến nên với tôi, mọi khó khăn chỉ là thử thách. Làm kinh doanh hay làm gì đi nữa, tất cả cũng như một trò chơi, cần phải vui, phải thú vị để vượt qua khó khăn”, ông Việt nói.

Vị cá mập chương trình Shark Tank cũng nhận định, để có tinh thần vượt qua khủng hoảng, phải có triết lý kinh doanh, xác định đi đường dài và đặt mục tiêu phụng sự tổ quốc lên trên lợi ích của doanh nghiệp và bản thân lãnh đạo vì đó mới là thứ trường tồn.