Trọng điểm đầu tư bất động sản 2021

Quỳnh Chi - 17:59, 07/01/2021

TheLEADERÔng Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, triển vọng nằm nhiều ở lĩnh vực công nghiệp, hậu cần và văn phòng hạng A tại Hà Nội và TP.HCM.

Trọng điểm đầu tư bất động sản 2021
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội

Trong khi các nhà đầu tư và phát triển bất động sản nước ngoài đang tiếp tục quá trình gia nhập thị trường Việt Nam thì các nhà đầu tư chưa hiện hữu tại thị trường này vẫn đang đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng. 

Việt Nam ghi nhận sự phát triển đáng chú ý tại một số lĩnh vực bao gồm thương mại điện tử - ngành giúp thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp và hậu cần. Dù lĩnh vực khách sạn đang gặp thách thức ở thời điểm hiện tại, song các nhà đầu tư vẫn tìm cách tiếp cận, lập kế hoạch và tạo tiền đề cho các bước đi tiếp theo với kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi trong thời gian tới.

Lợi thế tại Việt Nam là tiềm năng thị trường, tuy trong mỗi trường hợp đầu tư còn phụ thuộc vào lĩnh vực và vị trí. Hầu hết nhà đầu tư quan tâm đến Hà Nội và TP.HCM. Cũng có không ít nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại các địa điểm khác như Hải Phòng. Họ cũng khá quan tâm đến cơ hội đầu tư dành cho bất động sản công nghiệp trên phạm vi cả nước. 

Các nhà đầu tư bất động sản đến từ các thị trường trưởng thành tại châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản và Hàn Quốc đang nhìn thấy nhiều cơ hội ở Việt Nam hơn so với thị trường trong nước dù đang gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó, thách thức nổi bật là việc tiếp cận mặt bằng và quỹ đất với mức giá hợp lý.

Ông Matthew cho rằng, do khó khăn chính nằm ở khả năng tiếp cận đất đai ở mức giá hợp lý, các nhà đầu tư nước ngoài khó có thể cạnh tranh được với các nhà đầu tư và phát triển Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần lưu tâm tới các khó khăn liên quan tới quá trình đấu giá đất minh bạch và tiếp cận đất đai.

Với nhóm doanh nghiệp trong nước, đang có một số nhà phát triển bất động sản chủ yếu tập trung vào bất động sản nhà ở, trong khi một số nhà đầu tư chuyên biệt tập trung vào lĩnh vực năng động như hậu cần, công nghiệp. 

Trong quá khứ, các nhà đầu tư chuyên biệt từng tập trung vào thị trường căn hộ hoặc nghỉ dưỡng. Với sự chuyển hướng này, các nhà đầu tư chứng tỏ được ưu điểm cập nhật, nắm bắt được xu hướng và đa dạng hóa cơ hội kinh doanh. 

Chi phí hậu cần, kho vận tại Việt Nam vẫn còn cao so với các khu vực khác. Khi các dự án cơ sở hạ tầng mới được phát triển, như xây dựng thêm các sân bay mới ở phía Nam, tuyến đường bộ mới, các tuyến vận chuyển mới và các cảng mới, chi phí sẽ giảm xuống. 

Xu hướng này một phần còn do nhu cầu của người tiêu dùng trong nước thúc đẩy. Ngày càng nhiều người Việt tham gia vào hoạt động mua sắm thương mại điện tử và lui tới các cửa hàng. Điều này đòi hỏi nhiều hơn về hạ tầng giao thông, không gian lưu trữ, kho chứa hàng, vận chuyển và hậu cần. Đây sẽ là một trong những lĩnh vực đầu tư trọng điểm trong năm nay.

Với nhóm các nhà đầu tư cá nhân, bất động sản luôn là một trong những kênh đầu tư ưathích nên luôn có một lượng lớn nhà đầu tư mới gia nhập thị trường với kỳ vọng về các khoản lợi nhuận ngắn hạn. 

Nguồn cung hạn chế trong lĩnh vực bất động sản nhà ở trong năm 2020 nên có thể các cơ hội đầu tư sẽ khá chóng vánh và đi kèm rủi ro. Vì vậy, ông Matthew cho rằng, nhà đầu tư cần ưu tiên có một chiến lược đầu tư dài hạn với các bước tìm hiểu và nghiên cứu cẩn thận để xác định các vị trí đầu tư phù hợp. Quá trình này sẽ được hỗ trợ tốt hơn nếu có sự xuất hiện của các công trình xây dựng có chất lượng, cơ sở hạ tầng tốt và các tuyến đường sắt đô thị (metro). 

Dưới tác động của Covid-19, thị trường đã có thể thấy nhiều nhà đầu cơ đất và bất động sản nghỉ dưỡng ở miền Trung Việt Nam gặp không ít khó khăn và rơi vào tình huống đợi chờ thị trường phục hồi hoàn toàn.

Các nhà đầu tư cá nhân vẫn chọn điểm đến chính là Hà Nội và TP.HCM, mặc dù đang có những cơ hội tốt xuất hiện ở các thành phố thứ cấp. 

Đối với những nhà đầu tư cá nhân tập trung vào các khoản dài hạn, có thể có nhiều cơ hội hơn với mô hình “branded residence” (các căn hộ và biệt thự có thương hiệu, được chú trọng thiết kế và quản lý bởi một thương hiệu nổi tiếng). Mô hình này còn có sự hiện diện của các thương hiệu khách sạn quốc tế và điều này rất khác so với thị trường condotel. Savills kỳ vọng sẽ có thêm nhiều sản phẩm thuộc mô hình này xuất hiện trong tương lai.

Trong lĩnh vực đầu tư nghỉ dưỡng, thị trường đã và đang có một số dự án nghỉ dưỡng lớn, phức hợp có bao gồm sòng bạc, công viên giải trí, và các điểm tham quan bổ sung. Dù việc phát triển các dự án như vậy sẽ gặp khó khăn trong hoạt động vận hành, đã có một số các dự án được lên kế hoạch và đi vào triển khai. 

Thị trường sẽ đón nhận thêm các khu nghỉ dưỡng độc lập và theo hướng truyền thống. Việc phát triển một dự án lớn đặc biệt phụ thuộc nhiều vào địa điểm, chiến lược, cũng như khả năng đầu tư và xây dựng của nhà phát triển. 

Đã có một dự án ở miền Trung Việt Nam, dù đi vào hoạt động trong thời điểm Covid, nhưng có đầy triển vọng trở thành một địa điểm nổi bật và điển hình cho mô hình khu vực nghỉ dưỡng phức hợp dần trở nên phổ biến trong thời gian tới. 

Kể từ năm 2020, các loại khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam dần trở nên đa dạng hơn, đặc biệt tại miền Bắc với nhiều khu nghỉ dưỡng trên núi. Các địa điểm du lịch cách thành phố khoảng một hoặc hai tiếng lái xe đang trở nên phổ biến do người dân đang hạn chế đi quá xa hoặc sử dụng máy bay cho các kỳ nghỉ. 

Thành phố Sapa đang là điểm đến lý tưởng, nhộn nhịn trong suốt sáu tháng vừa qua khi các khách sạn và khu nghỉ dưỡng mở cửa để đáp ứng nhu cầu của du khách. Hoạt động sôi nổi của thị trường nghỉ dưỡng gần đây đều chủ yếu dựa vào lượng du lịch trong nước và sự chuyển hướng của du khách sang khám phá các địa điểm nội địa. 

Những địa điểm du lịch phổ biến nhất không chỉ có Đà Nẵng và Nha Trang, mà còn là khu vực có sông núi như Sapa, Yên Tử, Ba Vì và Ninh Bình.

Trong lĩnh vực bán lẻ, dù gặp phải nhiều khó khăn trong năm vừa qua song nhiều nhà phát triển bán lẻ vẫn đang lập kế hoạch cho thời gian tới với mục tiêu đảm bảo khâu thiết kế, vận hành và quản lý đạt chất lượng cao. Nhu cầu mặt bằng bán lẻ đang hướng nhiều hơn đến các hoạt động trải nghiệm như giải trí, giáo dục hay thể thao. 

Các dự án bán lẻ thường nặng về khâu quản lý nên chủ đầu tư cần có chiến lược rõ ràng về mục tiêu khách thuê và xác định loại mặt bằng muốn cung cấp. Cơ hội cho thị trường này vẫn luôn có, song đòi hỏi các chủ đầu tư cần am hiểu về lĩnh vực để thực sự thành công.