'Trường học thiên nhiên' tươi đẹp cho xu hướng sống xanh

Kim Yến - 11:22, 23/03/2019

TheLEADERĐam mê nông nghiệp hữu cơ và tâm huyết muốn làm gì đó cho quê hương mình, Lê Phạm Thiên Hằng và một số bạn trẻ tại An Farm Hội An gần như ngày đêm sống với cỏ cây, thao thức với từng nụ hoa, mắt lá ở đây để tạo nên một cuộc sống xanh organic.

'Trường học thiên nhiên' tươi đẹp cho xu hướng sống xanh
Một góc trang trại nông nghiệp hữu cơ An Famr Hội An.

Một buổi sáng mùa Xuân, chúng tôi đến thăm trang trại hữu cơ của Lê Phạm Thiên Hằng và bạn bè ở ngoại ô, cách trung tâm Hội An khoảng 3km. Con đường nhỏ dẫn chúng tôi đến một thiên đường xanh tươi, tràn ngập hoa trái. Các sản vật địa phương được chế biến thô để giữ nguyên hương vị tươi nồng vô cùng tốt cho sức khoẻ.

Sức sống ngập tràn trong những luống nghệ trắng vừa ra củ, dàn chanh leo lúc lỉu toả bóng xuống vườn cải xanh, những luống hoa mười giờ đủ sắc… Chúng tôi cùng các bạn nhỏ địa phương và các vị khách du lịch từ khắp mọi miền thế giới được trải nghiệm với thiên nhiên tươi tắn cùng những hoạt động thật thú vị như nhổ cỏ, tưới hoa, vừa được xay bột làm bánh cuốn, vừa tham gia vào quá trình chế biến các cây cỏ địa phương thành phương thuốc chữa bệnh tự nhiên đầy hiệu quả… 

An Farm quả đã trở thành một “trường học thiên nhiên” tươi đẹp cho tất cả những ai khao khát cuộc sống xanh organic.

'Trường học thiên nhiên' tươi đẹp cho xu hướng sống xanh organic
Lê Phạm Thiên Hằng, chủ nhân An Farm Hội An.

Chỉ còn tình yêu thương với cỏ cây

Khu vườn thuần Việt rộng 7.000m2 này được tạo dựng bởi những bạn trẻ địa phương có những thế mạnh khác nhau. Đó là Lê Phạm Thiên Hằng, thạc sĩ chuyên ngành công nghệ thực phẩm và đồ uống, dinh dưỡng; Trần Văn Thời, kỹ sư nông lâm nghiệp, sinh học, từng trải qua 5 năm giám đốc nông trường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; Lê Tấn Huy, cử nhân kinh tế có nhiều kinh nghiệm marketing. 

Ba bạn trẻ đã quyết định từ bỏ mức lương cao và công việc ổn định để trở về quê hương, khởi nghiệp với An Farm Hội An. Họ huy động 2,4 tỷ đồng đầu tư trang trại rau quả sạch với các loại rau húng, quế, tía tô, dền, gừng, sả, nghệ, astisô... 

Từng trồng trọt, Thiên Hằng biết cà chua trồng trong nhà màng và cà chua ngoài trời hương vị khác nhau hoàn toàn. Chị muốn hướng tới chất lượng chứ không phải sản lượng.

“Ăn một cọng ngò, cải cây ở đây cũng thơm và ngọt hơn nhiều. Giá xà lách ở đây có giá 50 ngàn/kg, các loại cây khác 30 ngàn/kg. Chúng tôi đã tham gia phiên chợ organic ở Đà Nẵng, Hội An, khách hàng mỗi tuần ai muốn mua phải đặt trước… Nhưng giá đó so với công sức thực tế chúng tôi bỏ ra thì chưa đủ. Mùi nguyên thuỷ cần nắng gió và thời gian đủ để tổng hợp từ tự nhiên mới mạnh hơn. Còn kiểu canh tác trồng nhiều bằng hoá chất cây lớn rất nhanh, nhưng thực chất là sản phẩm bị rỗng, cuối cùng mình chỉ ăn toàn những chất bón cho cây như phốt pho, nitơ, kali, đạm…”

Xuất phát là dân học công nghệ thực phẩm, Thiên Hằng hiểu cách dùng thực phẩm tự nhiên tốt hơn dùng thuốc. Mười mấy năm trong vai trò quản lý thực phẩm tại Đà Nẵng, từng nhìn thấy những câu chuyện đau lòng về hoá chất trong thực phẩm như việc lạm dụng thuốc trừ sâu trong rau, phân ure trong cá… điều đó cứ ám ảnh chị. 

Cơ duyên đến với organic bắt đầu từ rất nhiều thứ như tình yêu của chị với những nông sản của xứ Quảng, hay biết được xu hướng dùng thực phẩm chữa bệnh đang là xu hướng thế giới.

Trong top 100 sản phẩm tự nhiên dùng để chữa bệnh, Việt Nam có đến 70%, như khoai lang, mè, gừng, đậu phụng.

Ở Quảng Nam, bên là biển, bên là núi, khí hậu nắng quanh năm, rất nhiều thảo dược quý như nghệ đen, gừng, xả, húng quế, dâu tằm, đặc biệt là gấc, còn được gọi là “Quả của thiên đường”, hàm lượng chống lão hoá cao gấp 3 lần cà chua, cà rốt. Người Nhật làm cả một nhà máy ở Việt Nam chỉ để chế biến dầu gấc mang về Nhật, mà người Việt lại không biết dùng.

'Trường học thiên nhiên' tươi đẹp cho xu hướng sống xanh organic
Sản phẩm chế biến của An Farm.

Hằng kể lại, cách đây ba năm, chị đã lang thang khắp các trang trại ở Đà Lạt để tìm ra người trồng hữu cơ, như anh Nguyễn Thắng, chủ trang trại hữu cơ thực sự đầu tiên ở Việt Nam cùng làm với chuyên gia người Nhật. 

"Anh ấy chính là người truyền cảm hứng cho tôi. Nhưng tôi muốn làm mô hình organic để hướng tới cộng đồng nhiều hơn. Truyền tải đến học sinh, người nông dân rằng mô hình này mọi người hoàn toàn có thể làm được. Em trai tôi là Lê Tấn Huy cũng nghỉ ngân hàng về làm kinh doanh và tiếp thị cho An Farm".

Chị nói thêm, "ba người đã nghỉ việc cũ, mỗi đứa chấp nhận sống ở mức tối thiểu, tới giờ vẫn chưa ai có lương. Có cái vườn là đủ ăn đủ sống rồi. Cho đến giờ mới bắt đầu thu được từ mảng giáo dục, làm tour cho khách du lịch, bán sản phẩm đóng gói…. Số lượng nhiều cũng đủ chi phí. An Farm đã có mười mấy sản phẩm rồi nên cũng không khó sống lắm."

Là người hiện thực hoá mô hình từ đầu đến cuối, chị hiểu nông nghiệp muốn sống được phải kết hợp với du lịch, trong khi Hội An có lợi thế về khách du lịch. Có điều, chị không ngờ học sinh của các trường đến đây rất đông. Giờ thì năm cửa hàng sạch ở Hội An đều có sản phẩm của An Farm. Ngoài ra, còn có mặt ở cả Hà Nội, Sài Gòn… toàn là nhờ bạn bè yêu organic.

Khi hỏi Hằng những thử thách lớn nhất trong canh tác organic là gì? Đã từng có lúc nào chị nản chí chưa? Hằng chia sẻ: “Cũng có lúc tinh thần xuống dữ lắm, nhất là mùa mưa như vừa rồi, trận mưa kéo dài làm ngập hết cả vườn, cây cối hư hại hết, nếu kéo dài cả tháng thì thật tồi tệ. May trời thương, mình bán được sản phẩm. Thử thách lớn nhất với người làm organic là thời tiết, sâu bệnh. Mình làm du lịch nên vườn còn phải luôn luôn đẹp, phải quan sát để làm thật nhanh. Mỗi ngày phải nghĩ làm sao đủ để nuôi quân, vận hành trôi chảy mọi khâu từ trồng trọt đến du lịch. Nhưng dù khó tôi vẫn giữ tinh thần lạc quan".

Nhìn thiên đường xanh này ít ai biết trước đây chỉ là một đồi cát đi vào bỏng chân vì không một bóng cây. Việc đầu tiên là bón phân hữu cơ, tưới nước suốt một tháng để phục hồi hệ sinh thái. Nguyên tắc trồng là thay vì nhà kính, nhà màng đắt tiền, chị “giăng màn” bằng chanh dây, cắt lá tỉa cành cho cây trồng phía dưới đủ nắng để phát triển. Nghệ trồng tự nhiên độ phân nhánh rất nhiều, liên tục sinh sôi, dù cây nhỏ, củ không to lắm. Giống nghệ này được lấy từ huyện Trà My, nhiều người xứ Quảng cũng không biết.

"Ban đầu, vườn có mấy chục con bò. Phân bò được trộn cây cỏ ủ thành phân hữu cơ, cày xới trồng đậu để cố định đạm cho đất. Sau 6 tháng hệ sinh thái khoẻ dần, đời sống vi sinh vật bắt đầu phục hồi. Có mùa thất thu, mình phải chấp nhận bỏ hết vì rau bị sâu ăn, bị ngập úng… nhưng chúng tôi khắc phục rất nhanh bằng cách làm luống cao. Sau hai, ba năm đất tốt hơn sẽ giảm bệnh, chứ chẳng có loại thuốc thần kỳ nào. Giờ thì có rất nhiều côn trùng có ích tới, chim chóc, ếch nhái đầy vườn. Vườn phải có hồ nước để điều hoà không khí. Chuối già Nam Mỹ khi cao lên mùa hè vườn sẽ rất mát", Hằng chia sẻ.

'Trường học thiên nhiên' tươi đẹp cho xu hướng sống xanh organic 1
Trần Văn Thời đang cùng du khách và các bé làm cỏ cho hoa

Nói về Thời, người đồng hành với mình trên con đường gầy dựng lối sống organic, chị tỏ ra đầy yêu mến. “Làm luống cao lên để nước có thể rút nhanh là kỹ thuật của bạn Thời. Việc ở trang trại toàn bộ do bạn Thời quản lý, tôi thì lo sản xuất, nguyên tắc là không ai can thiệp vào việc của nhau để mọi việc đi nhanh. Vì người không làm thì không thể hiểu được việc mình đang làm.

Thời quản lý toàn bộ nông trường. Quan trọng là tình yêu của bạn ấy với cây cối. Chăm cây như con mình vậy. Cây chanh dây bạn cột, chăm, cắt tỉa hàng ngày, không phải để tự nhiên vậy là nó ra quả đâu, có dấu hiệu gì phải khắc phục ngay. Khó của hữu cơ là mình gần như bị tước hết vũ khí vậy, phải tự yêu thương cây, cùng cây chống chọi với thời tiết, rồi trồng gừng để chống sâu bệnh cho cây nhờ có tính kháng sinh tự nhiên.

Nguyên tắc của organic là không cày sâu. Nếu bạn phá ngôi nhà của vi sinh vật thì đất không thể tốt được. Càng ít đụng chạm đến đất càng tốt, kể cả cỏ nếu nhỏ thì để y vậy thôi, cỏ cao hơn cây mới nhổ”.

Hiện mỗi ngày An Farm Hội An cung cấp hàng trăm ký rau, quả với giá cao hơn thông thường 1,5 - 2 lần. “Nhu cầu sử dụng rau, quả sạch trên thị trường Hội An, Đà Nẵng rất lớn, nhất là du khách nước ngoài không ngại chi phí cao hơn nhưng sản phẩm phải đảm bảo chất lượng. Chúng tôi cân nhắc giá bán hài hòa giữa chi phí bỏ ra và mặt bằng chung của thị trường”, Lê Tấn Huy nói.

Phát triển theo mô hình “Farm for future” vì sức khoẻ cộng đồng

Bên cạnh khu vườn là một không gian ấm cúng được tạo dựng bằng tre, nứa có diện tích hơn 150m2, bàn ghế cũng bằng tre, nứa. Khách Tây và khách ta ngồi xen lẫn chan hoà, thưởng thức các sản phẩm chế biến từ rau, quả hữu cơ như trà thảo mộc, nước chanh dây, nước astisô, gừng ngâm mật ong, nghệ ngâm mật ong, mứt quất, mứt gừng, mứt dâu tằm….

An Farm đã ký hợp đồng với 2 công ty du lịch khá lớn gồm Exo Travel và Dana Local Tours để kết nối du khách đến tham quan, mua sắm, thưởng thức các sản phẩm từ trồng rau, quả hữu cơ tại chỗ. Kết quả bước đầu rất khả quan, doanh thu khá lớn tạo động lực để tăng quy mô, chất lượng dịch vụ, thu hút du khách trong và ngoài nước.

'Trường học thiên nhiên' tươi đẹp cho xu hướng sống xanh organic 2
Trồng chanh leo làm mát cho cây

Kết hợp trồng trọt và chế biến sản phẩm sau thu hoạch và du lịch sinh thái theo hướng hữu cơ bền vững và thân thiện với môi trường, trang trại của Lê Phạm Thiên Hằng đã trở thành nơi học tập cộng đồng cho nông dân, học sinh, sinh viên trong vùng về trồng trọt hữu cơ, dinh dưỡng và lối sống khoẻ mạnh.

Đam mê nông nghiệp hữu cơ và tâm huyết muốn làm gì đó cho quê hương mình, Hằng gần như ngày đêm sống với cỏ cây, thao thức với từng nụ hoa, mắt lá. Chị chia sẻ: “Cuộc sống thật sự là một hành trình hạnh phúc. Chúng tôi chỉ mong mỗi ngày được chăm chút cho cây cỏ, làm cho khu vườn đẹp hơn, nhiều sức sống hơn, được gặp gỡ và chia sẻ với những người bạn tâm giao về organic. 

Nghệ trắng ở An Farm dùng để làm mặt nạ dưỡng da rất tốt vì có tính medicine rất cao, giúp trị mụn, liền sẹo, chống thâm nám, làm da trở nên mịn màng trắng hồng mà không ăn nắng. Nghệ đen mật ong giúp nhiều khách hàng chữa đau dạ dày, đại tràng, viêm họng, viên xoang, viêm khớp… dùng khoảng nửa hũ đã đỡ hẳn. Mong muốn lớn nhất mà team mình muốn làm là giúp người dân dùng thực phẩm tự nhiên để chữa bệnh, giảm bớt việc dùng thuốc, vốn có nhiều tác dụng phụ đối với cơ thể nhất là gan và thận sẽ bị tồn dư nhiều hoá chất độc hại”.

An Farm còn có trà và các loại mứt tết với quy trình sản xuất sạch, không hoá chất. Nếm trái chanh dây ngọt và thơm lừng vừa hái trên dàn, tôi cảm nhận rõ hương vị khác biệt hẳn so với chanh dây thông thường vốn là loại trái cây mình yêu thích. Trà thảo mộc, dầu gấc… ở đây cũng có hoạt chất chống lão hoá rất tốt. Nguyên tắc khi thiếu vitamin A là thiếu vitamin D luôn, khiến giảm hệ miễn dịch. Người nước ngoài dùng dầu gấc rất nhiều để chặn quá trình lão hoá và chống bức xạ. Dầu gấc dùng để chiên xáo hay cho vào thức ăn sau khi nấu mầu sắc rất đẹp.

Nghệ rất tốt cho sức khoẻ, nhưng trẻ con không ăn được, Hằng đã nghĩ cách chế biến thành dầu nghệ để trẻ có thể dùng cho chữa viêm họng, viêm ruột. Được sấy khô bằng máy sấy năng lượng mặt trời nên dầu nghệ giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên cùng các hoạt tính sinh học.

Chị chia sẻ: “Tôi học về dinh dưỡng, nên hiểu hơn ai hết sản phẩm dùng càng tươi thì hoạt tính càng nhiều. Nên quá trình chế biến theo kiểu thô, ít tinh chế, nhằm giữ được các vỏ lụa của nghệ để giữ enzyme tốt trong sản phẩm giúp tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng khi sử dụng. Tuyệt đối không dùng bất cứ hoá chất nào, kể cả túi hút ẩm. Khách cũng thích các mặt hàng có hạn sử dụng ngắn, nên mình làm vừa đủ, bán vừa đủ thôi. Nghệ rất tốt nhưng khó ăn, nên tôi làm mứt nghệ, dầu nghệ, vừa ngon vừa đẹp da, bao bì nhãn mác cũng phải đẹp. Đội ngũ thiết kế toàn cây nhà lá vườn thôi”.

Thay đổi chính mình và thay đổi cộng đồng

Theo Hằng, "khi trồng hữu cơ, mỗi loại cây không trồng quá nhiều và chỉ trồng các loại cây địa phương. Ví dụ như trồng dàn đậu, chanh dây là vừa tạo bóng mát cho cây phía dưới. Nhờ hiểu được giá trị organic nên chúng tôi ngày càng đam mê tìm tòi, như cà chua có sâu bệnh cũng trị bằng kiểu khác. Để chống vườn bên cạnh lây lan dịch bệnh, mình trồng nghệ xen để làm vành đai bảo vệ cho cây. Nghệ, xả, lá lốt rất thơm, vừa làm trà, vừa dùng chống sâu bệnh. 

Cách sống, cách kinh doanh thuận hoà với tự nhiên thôi, không cưỡng lại tự nhiên được. Mùa hè ở đây rất mát, nhờ chanh dây leo lên, đu đủ toả bóng, còn nếu không đi bỏng chân, chịu gì nổi. Thay vì dưới cây đu đủ đất trống cỏ sẽ mọc, mình trồng hoa vừa đẹp, vừa thu hút côn trùng có ích tới. Đó là câu chuyện mình chia sẻ cho nông dân”.

'Trường học thiên nhiên' tươi đẹp cho xu hướng sống xanh organic 3
Chị Thiên Hằng và anh Trần Văn Thời, sáng lập An Farm

Khi nhắc đến việc thay đổi tư duy người nông dân quanh vùng vốn quen với canh tác hoá học, Hằng cho biết: “Mình cứ làm, ra chanh dây thấy ngọt hơn, họ bắt đầu thay đổi. Giờ nông dân ở đây bắt đầu trồng rau oganic tại nhà để ăn. Mình không cần nói nhiều, sự minh chứng thuyết phục hơn. Người nông dân chỉ cần một máy sấy năng lượng mặt trời giá tầm 2-3 triệu là đủ phơi và chế biến sản phẩm rồi, mưa bất chợt cũng không sợ, hương vị thơm ngon lại không bị bụi bẩn…

Tôi thấy hạnh phúc hơn nhiều so với những ngày đi làm thuê, dù lúc ấy tiền nhiều hơn. Nhiều tháng chấp nhận không lương nhưng đam mê lắm, suốt ngày từ sáng tới đêm ở vườn, chẳng đi đâu cả. Vui là khi dần dần người dân quanh vùng cũng làm nông theo kiểu của chúng tôi, dần thay đổi, bỏ phân hoá học, dùng bánh dầu và các loại phân chuồng phân xanh có sẵn mà giá thì rất rẻ… Chuối, đu đủ, nghệ đen, nghệ trắng, nghệ vàng… đều ra được sản phẩm. 

Đó là cách chúng tôi giúp nông dân giải bài toán “Được mùa mất giá”. Mình làm ra sản phẩm thì đâu còn sợ. Hàng xóm rất hỗ trợ, mùa mưa nước ngập họ cho mình mượn đường để các em học sinh có thể đến tham quan vườn hàng ngày. Hôm qua là ba đoàn đến đây, có đoàn cả trăm người, nhưng vườn vẫn giữ được. 

Ban đầu mỗi lần các bé đến tham quan phải chăm lại mất sức ghê lắm, nhưng lần sau các em có thái độ khác liền, biết nâng niu từng cánh hoa, ngọn cỏ. Vì các em được làm vườn với người nước ngoài, được giáo dục kỹ càng về tình yêu với thiên nhiên. 

Có em nói với cha mẹ rằng ở đây giống như thiên đường vậy, vừa đẹp, vừa có đồ ăn ngon, nước uống cũng ngon. Nên tuần nào em cũng bắt ba mẹ chở đến đây để được làm vườn, học làm bánh, học tưới cây. Giống như cây cối để tự nhiên sẽ lớn mạnh, các em càng được ra nắng gió lại càng khoẻ.

Luống đậu này là của một người nước ngoài đến trồng, vừa là cây lagim, vừa tốt cho đất. Thời gian này Canada lạnh không trồng trọt được, ông đã tới vườn ở Hội An để được làm nông nghiệp hữu cơ. Tôi muốn các bạn nhỏ tiếp xúc với người nước ngoài nhiều hơn qua trồng trọt, để tìm hiểu về văn hoá…sau này các em dạn dĩ hơn. Mong muốn truyền tải để bạn nhỏ yêu cây cối là thoả lòng rồi”.