TS. Lê Xuân Nghĩa: Cho phá sản ngân hàng lúc này là không thích hợp!

Khánh Mai - 15:37, 09/11/2017

TheLEADERVấn đề cho phá sản ngân hàng không những gây tranh cãi giữa các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng mà còn dấy lên sự hoang mang trong dư luận.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Cho phá sản ngân hàng lúc này là không thích hợp!
TS. Lê Xuân Nghĩa. Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn

Đưa vấn đề phá sản ngân hàng vào thời điểm này là không thích hợp. Bởi hiện ở nước ta hệ thống tài chính chưa phát triển, thị trường chứng khoán còn nhỏ bé, tâm lý lạm phát trong dân chúng còn rất mạnh, bất ổn về tình hình tài chính trong nước và quốc tế trong những năm gần đây cũng đã làm cho người còn có những lo ngại. Thậm chí trong dân còn có tung tin đồn đổi tiền…

Coi chừng người dân đổ tiền mua đô la, vàng

Dân chúng hiện gửi tiền với số lượng rất lớn và đặc biệt lâu nay Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích dùng số tiền đó để đầu tư, nếu không đầu tư thì gửi tiết kiệm. Đấy là nguồn vốn hoạt động của cả một hệ thống cộng đồng doanh nghiệp. 

Khảo sát thực tế, tôi thấy rằng trong những lúc tiền nhàn rỗi chưa biết đầu tư vào đâu thì có những người gửi vào ngân hàng lên tới 110 tỷ đồng, còn số lượng người gửi tiền tiết kiệm trong khoảng 70-80 tỷ đồng cũng rất đông. Vậy mà khi gửi tiền vào ngân hàng chỉ được bảo hiểm tiền gửi trả 75 triệu đồng nếu ngân hàng đó phá sản hoàn toàn.

Thị trường tài chính (bao gồm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm) của Việt Nam đang rất èo uột. Hiện thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm chỉ chiếm 4%, trong khi đó tổng tài sản của toàn ngân hàng chiếm tới 96% tổng tài sản của toàn bộ thị trường tài chính. 

Một tình hình tài chính kém phát triển như vậy thì dân chúng biết để tiền của họ vào đâu: chứng khoán thì đầy rủi ro và không phải ai cũng có kiến thức trong lĩnh vực này. Bất động sản cũng vậy, không phải ai cũng đầu tư vào được. 

Như vậy người dân không đưa tiền vào ngân hàng thì người ta đưa đi đâu? Cái dễ dàng nhất là người dân sẽ đi mua vàng và mua ngoại tệ về cất trong két. 

Trong khi đó chúng ta đang trong tình trạng khan hiếm vốn và nếu đặt người dân trong tình trạng hoang mang lo lắng, thì nguy cơ đẩy vốn vào những xó xỉnh mà không thể phát huy hiệu quả được sẽ rất cao.

Đối với ngân hàng thì lòng tin đóng vai trò quan trọng số 1

Trong trường hợp thời điểm này bắt buộc phải thông qua vấn đề cho phá sản ngân hàng thì cũng phải có những quy định chẳng hạn như: Trong trường hợp cần thiết Chính phủ sẽ được quyết định bảo hiểm toàn bộ tiền gửi… Đồng thời cũng phải làm việc này hết sức thận trọng. Đối với ngân hàng thì lòng tin đóng vai trò quan trọng số 1. Nói gì thì nói, liên quan đến tiền bạc thì lòng tin là yếu tố quan trọng nhất. Mất lòng tin là không thể vực nổi lại được.

Chẳng hạn như vào năm 2008, một số nước châu Âu đã chuyển từ bảo hiểm một phần sang bảo hiểm toàn bộ. Tức là quyền của Chính phủ, của Ngân hàng Trung ương là phải làm sao để đảm bảo an toàn tuyệt đối lòng tin cho dân chúng. 

Tuy nhiên, tuỳ vào từng nền kinh tế mà có những kịch bản khác nhau khi cho phá sản ngân hàng, chứ không thể áp dụng máy móc kinh nghiệm quốc tế được. 

Ngay cả áp dụng máy móc kinh nghiệm quốc tế thì mức độ bảo hiểm tiền gửi của nhiều nước trên thế giới cũng đang ở mức rất cao và trong những trường hợp cần thiết thì Chính phủ phải bảo hiểm 100% cho tiền gửi của người dân.