TS. Phan Hữu Thắng: Bốn 'thất bại' lớn nhất trong thu hút FDI tại Việt Nam

An Chi - 10:00, 11/09/2017

TheLEADERThảm họa môi trường biển Formosa, sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn hạn chế, khu vực FDI vẫn áp đảo, mất cân đối trong tỷ lệ các nhà đầu tư chiến lược tại Việt Nam chính là bốn thất bại lớn nhất trong tiến trình ba thập kỷ thu hút FDI vào Việt Nam.

TS. Phan Hữu Thắng: Bốn 'thất bại' lớn nhất trong thu hút FDI tại Việt Nam
TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài. Ảnh: Tuổi Trẻ

Bộ Kế hoạch và đầu tư đang tiến hành các hoạt động đánh giá kết quả 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi và thách thức mới đòi hỏi phải có những điều chỉnh nhất định về quản trị đối với hoạt động thu hút và sử dụng FDI để phát triển kinh tế một cách bền vững. 

Nhân sự kiện này, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Hữu Thắng xung quanh câu chuyện được - mất từ thu hút FDI trong suốt ba thập kỷ qua.

Ông nhận định như thế nào về kết quả 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam?

TS. Phan Hữu Thắng: Nhìn lại chặng đường phát triển của Việt Nam trong hơn 40 năm qua (kể từ năm 1975), từ một nền kinh tế còn non yếu sau chiến tranh mới thấy hết được những đóng góp to lớn của mọi nguồn lực mà nhà nước đã huy động cho phát triển kinh tế, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của FDI.

Đến nay, với sự đóng góp trực tiếp và gián tiếp (ảnh hưởng lan tỏa) của FDI, những yếu kém, sa sút của một nền kinh tế sau chiến tranh, hầu như đã được khắc phục hoàn toàn. FDI đã bổ sung một nguồn vốn ngoại to lớn (chiếm bình quân đến 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm) với chất lượng cao về công nghệ, kinh nghiệm quản lý.

Nguồn vốn này đã giúp Việt Nam chuyển đổi thành công một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa với năng lực sản xuất cao hơn, tạo ra được nhiều ngành nghề và sản phẩm công nghiệp mới, nhiều khu công nghiệp quy mô lớn, hiện đại ra đời, tạo ra công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động. 

Riêng 7 tháng đầu năm 2017, vốn FDI vào Việt Nam đạt 9,05 tỷ USD vượt 5,8% so cùng kỳ 2016, vốn đăng ký đạt trên 21,93 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng trưởng cao, thu nộp ngân sách ổn định, tiếp tục tạo thêm việc làm…

Theo ông, đâu là những thất bại trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam suốt 3 thập kỷ qua?

TS. Phan Hữu Thắng: Thất bại đầu tiên phải kể đến là thảm họa môi trường biển Formosa. Đây có thể coi là thất bại lớn nhất của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và quản lý FDI. Mặc dù, hiện chúng ta đã khắc phục được bước đầu sự cố này nhưng những hậu quả để lại vẫn còn rất lớn.

Để xảy ra thảm họa môi trường này, trách nghiệp lớn nhất thuộc về cơ quan quản lý giám sát của nhà nước. Câu hỏi đặt ra là tại sao công nghệ thiết bị như vậy mà chúng ta vẫn cho nhập khẩu mà không có giám sát chặt chẽ để xảy ra sự việc như vậy. 

Trong khi đó, đây không phải bài học đầu tiên. Trước đó, vụ việc Vedan xả nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải cũng gây tác động môi trường rất khủng khiếp.

Thất bại thứ hai là sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Điều này thể hiện ở tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu là rất ít. Việc sản xuất những sản phẩm điện tử công nghệ cao như của Sam Sung... hiện đều vắng bóng các doanh nghiệp trong nước. Mặc dù, chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã đặt ra cách đây 2O năm, tuy nhiên, vẫn chưa thể đi vào thực tiễn.

Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ hai phía. Xét trên khía cạnh chủ quan là do khối các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đã có các nhiệm vụ cụ thể, sự cấp thiết của họ trong việc liên kết với các công ty nước ngoài không được đặt cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân mong muốn liên kết với nước ngoài nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu của họ về quy mô vốn, khoa học công nghệ, trình độ quản lý.

Về nguyên nhân khách quan, các nhà đầu tư nước ngoài khi sang Việt Nam đều biết rằng nếu sử dụng được các nhà đầu tư trong nước thì họ sẽ giảm được chi phí. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm cung ứng toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh, mức độ công nghệ nhất định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này họ đã có sẵn hệ thống cung ứng toàn cầu. Do đó, khi sang Việt Nam, họ đưa các công nghiệp phụ trợ đi theo và chỉ nhằm vào nguồn lao động giá rẻ trong nước.

Chúng ta đang để tình trạng 100% vốn nước ngoài quá cao. Hiện có đến 82% số lượng dự án của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong tổng số các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, theo số liệu đến 20/7/2017.

Xu thế áp đảo của các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài một mặt, hạn chế việc tiếp thu, học hỏi công nghệ nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước. Hệ quả là mỗi công nhân của Việt Nam trong công ty nước ngoài chỉ biết một khâu trong quá trình sản xuất. Đến 35 tuổi, họ bị những doanh nghiệp này chấm dứt hợp đồng lao động để tuyển những công nhân mới nhanh nhẹn hơn và trả lương thấp hơn… Cuối cùng, người công nhân lại quay lại với ruộng đồng vì không được đào tạo về nghề, không biết làm gì khác.

Mặt khác, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài không có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt khiến chúng ta khó phát hiện sai phạm và giám sát hoạt động của doanh nghiệp một cách hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến thiếu sót trong quản lý.

Thất bại thứ ba là xu thế áp đảo của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về thị trường, sản phẩm, xuất khẩu ngày càng mạnh. Kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của Viện Kinh tế và chính sách (VEPR), dấu hiệu phụ thuộc vào khu vực FDI trong hoạt động xuất khẩu ngày càng rõ rệt. Nếu như năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng xuất khẩu thì còn số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và 72,4% trong nửa đầu năm 2017. Kết quả là khu vực sản xuất trong nước ngày càng trở nên yếu thế hơn trong quá trình hội nhập quốc tế đang mở rộng.

Nền kinh tế của Việt Nam đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước gần như không tăng trưởng mạnh và chưa thực sự được hưởng lợi từ quá trình hội nhập kinh tế, cũng như những chính sách kinh tế mới của Chính phủ… 

Sự phụ thuộc quá lớn vào FDI là vấn đề rất đáng lo ngại đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Bởi, sự tăng trưởng kinh tế không xuất phát từ những yếu tố nội tại, một ngày nào đó khi vốn ngoại quay đầu, sẽ rất khó có thể hường trước những hệ lụy sẽ xảy ra. Nếu điều này không khắc phục được điều này thì mục tiêu của Việt Nam về xây dựng một nền kinh tế tư cường sẽ rất khó khăn.

Thất bại thứ tư là sự mất cân đối trong tỷ lệ các nhà đầu tư chiến lược tại Việt Nam. Giữa các nền kinh tế lớn hiện nay tại Việt Nam đang thiếu vắng các nhà đầu tư châu Âu (trong TOP 10 các đối tác nước ngoài có lượng vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam tính đến 20/7/2017). Điều này đang tiềm ẩn các nguy cơ, tác động khó dự báo đối với việc xây dựng nền kinh tế, đồng thời ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng trong thời gian tới.

Sau những thất bại đó, theo ông trong thời gian tới Việt Nam cần có những giải pháp gì để thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI một cách hiệu quả?

TS. Phan Hữu Thắng: Tổng kết 30 năm thu hút và sử dụng FDI tại Việt Nam, việc nhìn lại các thành công và thất bại để xác định các bước đi tiếp đối với FDI trong giai đoạn tới là cần thiết. Đất nước lại đang đứng trước những thuận lợi, thách thức mới, đòi hỏi phải có những điều chỉnh nhất định về quản trị đối với hoạt động thu hút và sử dụng FDI để phát triển một nền kinh tế vững mạnh, tự cường trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển nhất định, các doanh nghiệp trong nước có số lượng khá đông đảo, nhiều doanh nghiệp có tên tuổi, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt được người tiêu dùng tin tưởng… Do đó, đến giai đoạn này, chúng ta phải thực sự lựa chọn dự án, lựa chọn đối tác đầu tư có năng lực, nguồn vốn chất lương cao, đúng tiêu chuẩn về môi trường... không thể để các đối tác đầu tư yếu kém vào Việt Nam. Đồng thời, ưu tiên các đối tác từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Về sự áp đảo của khối doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, giai đoạn trước, chúng ta thực hiện chính sách đó nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay sau 30 năm, rõ ràng chúng ta phải nhìn nhận lại. Việt Nam cần tính tới bài toán thay đổi phương thức đầu tư, hợp tác để đạt được những mục tiêu quan trọng đặt ra khi thu hút đầu tư nước ngoài.

Ví dụ, những gì doanh nghiệp Việt Nam đã có thể làm được, dù rằng chất lượng chưa bằng quốc tế nhưng trước mắt, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn nên để cho họ làm. Những lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam đã và đang làm tốt thì không nên kêu gọi thêm các nhà đầu tư nước ngoài hoặc theo hướng hợp tác liên danh để hạn chế để các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần xây dựng quy hoạch các dự án đầu tư trên cơ sở thực tiễn địa phương và quy hoạch phát triển kinh tế chung của cả nước. Đồng thời, nâng cao trình độ của các cơ quan quản lý, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm lựa chọn được các dự án FDI có chất lượng tốt đầu tư vào Việt Nam trong tương lai.

Xin chân thành cảm ơn ông!