30 năm FDI tại Việt Nam: Bài học đắt giá từ sự cố Formosa
Thu Phương
Thứ tư, 23/08/2017 - 07:30
"Formosa là thất bại nhất của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặt ra nhiều bài học yêu cầu chúng ta buộc phải sửa đổi để có thể đi tiếp thành công hơn", TS. Phan Hữu Thắng nhìn nhận.
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ này đang chuẩn bị cho việc tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Dự kiến, báo cáo tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài sẽ kế thừa kết quả nghiên cứu từ báo cáo tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài; đồng thời khảo sát và đánh giá thực trạng đầu tư nước ngoài trong 5 năm (2012-2017) trên cơ sở đánh giá tình hình thu hút và quản lý FDI của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia.
Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành vào năm 1987. Trải qua 30 năm thực hiện, những đóng góp của khu vực này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là điều không thể phủ nhận.
Thống kê cho thấy, năm 2016, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, chủ lực là các mặt hàng chế biến, chế tạo, có giá trị gia tăng cao. Khu vực FDI không những bù đắp được việc nhập siêu của doanh nghiệp trong nước mà còn tạo ra xuất siêu gần 3 tỷ USD, đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP.
Riêng 7 tháng đầu năm 2017, vốn FDI thực hiện đạt 9,05 tỷ USD vượt 5,8% so cùng kỳ 2016; vốn đăng ký đạt trên 21,93 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều dự án có quy mô lớn được đầu tư vào Việt Nam. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI ngày càng tăng trưởng cao, thu nộp ngân sách ổn định, tiếp tục tạo thêm việc làm cho người lao động.
Theo nhiều chuyên gia đánh giá, quy mô vốn FDI vào Việt Nam ngày càng lớn, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài ngày càng tăng cao. Đầu tư nước ngoài đã trở thành một khu vực phát triển năng động, đóng góp tích cực vào các thành tựu tăng trưởng kinh tế trong nước và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, khu vực đầu tư nước ngoài cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, thảm họa môi trường biển ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế do Tập đoàn Formosa gây ra là sự kiện nổi bật của FDI năm 2016, làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế.
Việc phân tích, đánh giá tình hình đầu tư nước ngoài 30 năm qua trước những bài học cụ thể được nhiều chuyên gia nhận định là việc làm hết sức cần thiết ở thời điểm hiện tại để xác định hướng đi mới đúng đắn hơn trong thời gian tới.
Bài học từ Formosa
Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, thảm họa môi trường biển Formosa đã tác động vô cùng lớn đến môi trường sinh thái 4 tỉnh miền trung. Tuy rằng, chúng ta đã khắc phục được bước đầu sự cố này nhưng những hậu quả để lại vẫn còn rất lớn.
"Formosa có thể coi là thất bại nhất của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và quản lý FDI. Để xảy ra thảm họa môi trường này, trách nghiệp lớn thuộc về cơ quan quản lý giám sát của Nhà nước. Câu hỏi đặt ra là tại sao công nghệ thiết bị như vậy mà chúng ta vẫn cho nhập khẩu mà không có giám sát chặt chẽ để xảy ra sự việc như vậy".
Trong khi đó, đây không phải bài học đầu tiên. Trước đó, vụ việc Vedan xả nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải cũng gây tác động môi trường rất khủng khiếp, ông Thắng nhấn mạnh.
Về vấn đề này, theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, thu hút vốn FDI là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam phải lựa chọn, xác định những lĩnh vực nào có nguy cơ hủy hoại môi trường, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội... Từ đó, giải quyết bài toán đầu tư cho phát triển bền vững một cách đúng đắn.
Chỉ ra những bài học từ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài qua vụ việc của Formosa, theo TS. Phan Hữu Thắng, bên cạnh trách nghiệm giám sát của các cơ quan quản lý còn do cơ chế chính sách thu hút vốn FDI của Việt Nam hiện còn tồn tại nhiều bất cập.
Theo đó, sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn quá ít. Hiện có đến 82% số lượng dự án của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong tổng số các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, theo số liệu đến 20/7/2017.
Xu thế áp đảo của các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài một mặt, hạn chế việc tiếp thu, học hỏi công nghệ nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước. Trong khi mục tiêu của Việt Nam là thu hút công nghệ nhưng hiện nay FDI lại là 100% nước ngoài thì làm sao chúng ta tiếp thu được công nghệ?
Mặt khác, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến thiếu sót trong quản lý. Các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài không có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam khiến chúng ta khó phát hiện sai phạm và giám sát hoạt động của doanh nghiệp một cách hiệu quả.
"Giai đoạn trước, Việt Nam thực hiện chính sách đó nhằm khuyến khích dầu tư nước ngoài, tuy nhiên, hiện nay, sau 30 năm, rõ ràng phải nhìn nhận lại. Chúng ta cần tính tới bài toán thay đổi phương thức đầu tư, hợp tác để đạt được những mục tiêu quan trọng đặt ra khi thu hút đầu tư nước ngoài", ông Thắng nhận định.
Bên cạnh đó, theo ông Phan Hữu Thắng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tự nhìn nhận lại công tác quản lý cũng như hệ thống chính sách chưa hoàn thiện của mình. Qua đó, đầu tư kiểm tra, rà soát lạt tất cả các dự án đã triển khai. Đồng thời, nghiên cứu kỹ hồ sơ của các dự án mới, cân đối trong việc phê duyệt dự án, nhà thầu nhằm lựa chọn được các dự án FDI có chất lượng tốt đầu tư vào Việt Nam. Đây là một thách thức không nhỏ của Việt Nam trong lĩnh vực thu hút FDI thời gian tới.
Nguồn vốn FDI vẫn có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay cũng như các năm tới, như vai trò luân chuyển của nó giữa các quốc gia từ trước tới nay.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thông qua việc áp dụng các cơ chế đặc thù, tập trung huy động nguồn lực trong nước và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Lựa chọn thuê môi trường rừng làm du lịch phù hợp với các dự án có quy mô lưu trú nhỏ, tập trung khai thác các hoạt động trải nghiệm trong rừng với vốn đầu tư không quá lớn.
Quản trị số sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là "linh hồn" của nền kinh tế số Việt Nam, giúp đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.