Từ vụ Asanzo cấp thiết xây dựng quy định hàng hoá ‘Made in Vietnam’

Phương Anh - 09:47, 05/07/2019

TheLEADERTrường hợp của Asanzo vừa qua đang đặt ra bài toán cần có những hướng dẫn, quy định cụ thể về sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Từ vụ Asanzo cấp thiết xây dựng quy định hàng hoá ‘Made in Vietnam’
Các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác định đúng sai trong trường hợp Asanzo dán nhãn "Xuất xứ Việt Nam" khi lắp ráp tivi bằng phần lớn linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Liên quan đến trường hợp công ty Asanzo nhập khẩu cụm linh kiện tại Trung Quốc, có xuất xứ Trung Quốc, lắp lại thành sản phẩm và gắn nhãn mác, xuất xứ Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho biết hiện đang kiểm tra xử lý và báo cáo Chính phủ.

Tuy vậy, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây rằng hiện Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể thế nào là hàng hóa sản phẩm của Việt Nam, thế nào là hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, do nhiều sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã khẳng định được chất lượng cao, ổn định, đáng tin cậy nên có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Viet Nam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.

Có trường hợp thương nhân không cố tình gian lận, nhưng quan niệm của thương nhân về vấn đề này còn đơn giản, không nhận thức hết những ảnh hưởng to lớn đối với nền sản xuất quốc gia. 

Hơn nữa, Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Viet Nam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Viet Nam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

Việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43 ban hành năm 2017 của Chính phủ, theo đó bắt buộc mọi hàng hoá lưu hành tại Việt Nam đều phải dán nhãn.

Một số thông tin bắt buộc trên nhãn bao gồm tên nhà sản xuất, tên tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm lưu thông hàng hóa, xuất xứ hàng hoá.

Nghị định này cũng quy định các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lưu thông hàng hoá có trách nhiệm tự xác định thông tin để đưa lên nhãn hàng hoá.

Mặc dù tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quy định xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan, Việt Nam lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa.

Ông Hải lấy ví dụ về khu vực tự do thương mại ASEAN với yêu cầu hàng hóa phải đáp ứng tỷ lệ 40% được sản xuất trong ASEAN chứ không phải chỉ trong Việt Nam.

Điều này có nghĩa rằng một sản phẩm có thể có 10% Thái Lan, 10% Indonesia, 15% Malaysia và chỉ 5% Việt Nam vẫn nhận được chứng nhận nguồn gốc xuất xứ mẫu D lưu hành trong thị trường ASEAN.

Như vậy, Việt Nam vẫn chưa có một quy định rõ ràng về việc xác định tỷ lệ hàng hóa như thế nào thì được coi là hàng hóa xuất xứ Việt Nam hoặc hàng hóa của Việt Nam, ông Hải cho biết.

Trao đổi về trường hợp của Asanzo bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đánh giá đây không chỉ là vấn đề kinh doanh mà còn là ý thức và tinh thần dân tộc trong bối cảnh Việt Nam đang phát động phong trào ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

"Một doanh nghiệp nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện hàng Trung Quốc, sau đó dán nhãn “Made in Vietnam” thì chắc chắn đó là sự lừa dối khách hàng, sự không trung thực".

Ông Lộc cũng thừa nhận, mặc dù có quy định về xuất xứ, Việt Nam lại chưa có hướng dẫn, quy định, định nghĩa cụ thể nào về khái niệm “Made in Vietnam”.

Theo đó, “Made in Vietnam” được nhận định phải là quá trình lắp ráp cơ bản cuối cùng được thực hiện ở Việt Nam. Nếu thực hiện ở Trung Quốc, mang về Việt Nam dán nhãn vào thì không thể gọi là “Made in Vietnam”.

Ông Trần Thanh Hải cho biết Bộ Công Thương đang soạn thảo một văn bản quy định về việc thế nào hàng hoá sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước.

Văn bản này dự kiến ở cấp Thông tư, do Bộ Công Thương ban hành.

Khi có dự thảo chính thức, Bộ Công Thương sẽ công bố để xin ý kiến rộng rãi các Hiệp hội, doanh nghiệp người tiêu dùng để được sát thực với thực tế và ngăn chặn được tình trạng gian lận thương mại như vừa qua.