Từ vụ cháy chung cư Carina Plaza: Không để nỗi sợ hãi dần nguôi ngoai mà... quên

Quỳnh Như - 10:00, 04/04/2018

TheLEADERKhi nỗi sợ hãi của 'vụ việc Carina Plaza' dần nguôi ngoai, dần đi vào dĩ vãng, thì liệu những cam kết và hành động của các bên có liên quan có được thực thi nghiêm túc, thường xuyên và liên tục? Liệu các cư dân đô thị, chung cư sẽ có nhận thức và hành động phù hợp cho cuộc sống đô thị kiểu mới?

Từ vụ cháy chung cư Carina Plaza: Không để nỗi sợ hãi dần nguôi ngoai mà... quên
Đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Trưởng phòng chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP. HCM đang trở lời phỏng vấn các báo đài. Ảnh: Q.N

Cơ quan quản lý vẫn ...lúng túng

Trong lúc những người có mặt tại hội thảo "Giải pháp an toàn khi cháy nổ ở chung cư" do báo Thanh Niên tổ chức sáng 3/4, chờ đợi Sở Xây dựng và Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP. HCM giải trình về trách nhiệm của mình trong "vụ việc Carina Plaza", thì họ lại chỉ nhận được những lời nói lòng vòng, tránh né nhắc tới vấn đề mọi người muốn biết.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng thì nói từ 5 chủ thể liên quan đến một chung cư là chủ đầu tư, đơn vị vận hành, ban quản trị, dân cư, quản lý nhà nước về chung cư; đến việc các cơ quan nhà nước phải tuyên truyền tập huấn cho người dân, tăng cường chế tài cho các chủ đầu tư, kiểm tra – hậu kiểm – xử lý kiên quyết….

Sau đó, ông tiếp tục trình bày: hiện tại cả thành phố có hơn 1.200 chung cư, trong đó có 174 chung cư đang cần cải tạo – sửa chữa gấp. Ngoài ra, thành phố đã phát hiện có 7 chung cư chưa có nghiệm thu về hệ thống phòng cháy chữa cháy đã bàn giao nhà cho cư dân; có 101 chung cư bị dân cư phản ứng về hệ thống PCCC, chưa cấp giấy chủ quyền, tranh chấp…

Còn đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Trưởng phòng Chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC thì đưa ra lý giải rằng sở dĩ, dạo gần đây xảy ra nhiều vụ cháy ở chung cư, trách nhiệm chính cũng thuộc về người dân và sau đó là các chủ đầu tư.

"Người dân không hề chấp hành các biện pháp phòng cháy chữa cháy. Ví dụ ở 'vụ việc Carina Plaza', cầu thang bộ đáng lẽ phải được đóng lại để ngăn khí độc thì nó lại mở toang hoác, khiến cầu thang thoát nạn thành cầu thang tử nạn", đại tá Huỳnh Ngọc Quang trần thuật.

Ông Quang cũng chia sẻ thêm, từ năm 2016, Cảnh sát PCCC luôn có những cuộc kiểm tra định kỳ, chuyên ngành, chuyên đề, đột xuất hàng năm. Vì thế, trách nhiệm của các chủ đầu tư, ban quản lý và dân cư cũng phải kiểm tra thường xuyên.

Thông tin khác, cơ quan PCCC đã 22 lần kiểm tra chung cư Carina Plaza, 4 lần xử lý vi phạm hành chính, phạt 7 lỗi. Trong đó có 3 lỗi hệ thống phòng cháy, 3 lỗi hệ thống thoát nạn. Lần kiểm tra gần nhất là tháng 12/2017. Từng có tin đồn, một vài cán bộ của cơ quan này bị đình chỉ công tác vì liên đới trách nhiệm về PCCC trong vụ cháy Carina Plaza.

Còn vì sao cảnh sát PCCC không có chế tài đủ quyết liệt để khiến chủ đầu tư Carina giải quyết dứt điểm những lỗi vi phạm đó, khiến vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra, thì không thấy ai đề cập đến.

Khi có phóng viên hỏi đại tá Huỳnh Ngọc Quang: vậy chuyện ụ nước trước chung cư không hoạt động là như thế nào? Vị đại tá này cho rằng, ụ nước có hai loại: loại thuộc hệ thống nhà nước thì thuộc về trách nhiệm của cơ quan cấp nước, còn nếu phía trong thì thuộc về hệ thống nước của chung cư Carina. Tóm lại là Cảnh sát PCCC đã làm hết chức trách của mình trong vụ Carina, lỗi trong vụ việc này hoàn toàn thuộc về ý thức kém của người dân và chủ đầu tư.

Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza: Thay đổi thực sự hay chỉ là đưa ra biện pháp ứng phó?

Ông Trương Đăng Khoa, đại diện cư dân Carina Plaza. Ảnh: Q.N

Tuy nhiên, ông Trương Đăng Khoa, đại diện cư dân Carina Plaza, người đã mất 3 thành viên trong tổng số 17 người sống ở đây không hài lòng với việc Sở Xây dựng và Cảnh sát PCCC đổ hết trách nhiệm lên đầu người dân: "Các vị không cần đổ thừa trách nhiệm cho ai hết! Để vụ hỏa hoạn xảy ra chính là trách nhiệm của quản lý nhà nước. Chẳng lẽ một chung cư chưa được kiểm nghiệm PCCC, chủ đầu tư đã cho người dân vào ở, mà chính quyền địa phương không biết?".

Trước sự chất vấn của ông Trương Đăng Khoa, ông Nguyễn Thanh Hải tiếp tục trả lời không đi vào vấn đề chính: "Không thể đuổi người dân ra được. Tất nhiên Nhà nước sẽ có trách nhiệm xử lý như thế nào. Các cơ quan chuyên môn sẽ đến kiểm tra rồi đưa ra các giải pháp".

Nhưng ông Nguyễn Thanh Hải không nói rõ là Sở sẽ dùng biện pháp chế tài cụ thể nào với các chủ xây dựng các chung cư vi phạm đó. 

Nhiều ý kiến người dân tham dự cuộc họp đã bày tỏ những bức xúc rằng, tại sao đến lúc này mà các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan vẫn không dám nhìn thẳng vào vấn đề, nhận thức sâu sắc vấn đề? Và khi đó họ mới quản lý hiệu quả hơn trong tương lai!

Doanh nghiệp bất động sản sốt sắng vào cuộc

Trong khi đó, các chủ đầu tư bất động sản đã khá sốt sắng trong việc đưa ra các phương pháp ứng phó sau "vụ việc Carina Plaza".

Ngoài việc chạy chương trình makerting "Căn hộ thông minh 4.0 – Vàng không sợ lửa", LDG Group vừa bỏ ra 10 tỷ đồng để thuê công ty công nghệ viết một hệ thống phần mềm tự động phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy. Phần mềm này có 13 chức năng, một trong những chức năng quan trọng là phát hiện và cảnh báo ngay lập tức khi có các nguy cơ cháy nổ xảy ra như rò điện, chập điện, đốm lửa nhỏ rơi rớt bất thường…

Công ty CP Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh đã bỏ ra 3 tỷ đồng mua bình phòng cháy chữa cháy để trang bị thêm cho các khu vực quan trọng trong chung cư như hành lang, tầng hầm; đồng thời tặng mỗi hộ dân cư/khách hàng mua nhà, một bình chữa cháy.

Ông Trần Quốc Dũng – Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh cho biết thêm: "Trong các công trình chung cư sắp xây dựng của Hưng Thịnh, bên cạnh lắp đặt các công cụ cũng như sử dụng các kỹ thuật bắt buộc trong hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy định của Nhà nước, công ty sẽ bổ sung những giải pháp cứu hộ, cứu nạn, thoát hiểm… như các công ty Nhật Bản đang làm".

Trước những chuyển động này của các doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng đây là điều tất nhiên phải làm: "Sự việc phải xảy ra do tác động từ hai phía. Với khách hàng chắc chắn sẽ ưu tiên những chung cư có hệ thống PCCC thông minh và hiện đại, có thể bảo đảm an toàn cho bản thân họ khi sự cố xảy ra. Ngược lại, muốn bán được hàng, các nhà đầu tư bất động sản cũng buộc phải chú tâm hơn về hệ thống PCCC".

PCCC trong chung cư nói riêng và ở đô thị nói chung đang trở nên nóng hơn bao giờ hết khi mà các vụ việc cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và vật chất vẫn tăng. Người dân đang rất mong chờ sự vào cuộc quyết liệt của các bên có liên quan để đảm bảo sự an toàn của cuộc sống và trật tự xã hội. Đặc biệt là trong công tác quản lý đô thị, quản lý dân cư và trật tự xã hội từ câu chuyện của Carina đã bộc lộ rõ những bất cập, những lỗ hổng chết người; trong khi đó vai trò của chính quyền tại chỗ dường như còn quá "mờ nhạt" thậm trí là "thiếu vắng".

Nhưng điều người dân cũng còn lo hơn nữa là liệu rằng sau thời gian, khi nỗi sợ hãi của 'vụ việc Carina Plaza' dần nguôi ngoai, dần đi vào dĩ vãng, thì liệu những cam kết và hành động của các bên có liên quan có được thực thi nghiêm túc, thường xuyên và liên tục? Liệu các cư dân đô thị, chung cư cũng sẽ có nhận thức và hành động phù hợp cho cuộc sống đô thị kiểu mới?