Ứng dụng gọi xe FastGo lên tiếng trong vụ Vinasun kiện Grab

Việt Hưng - 15:03, 19/11/2018

TheLEADERLấy dẫn chứng về giá cước, các thức ghi nhận doanh thu, FastGo cho rằng Grab trực tiếp cung cấp dịch vụ cho khách hàng và coi các đối tác lái xe là người cung cấp dịch vụ thuê cho Grab.

Công ty cổ phần FastGo, đơn vị cung cấp ứng dụng gọi xe công nghệ- FastGo, mới đây đã có công văn gửi Hội đồng xét xử vụ kiện giữa Vinasun và Grab, TAND TP.HCM nhằm cung cấp, làm rõ thông tin về hoạt động của các công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải hiện nay.

Theo nhìn nhận của công ty này, các mô hình như Uber/Grab về bản chất là “mô hình kinh tế cho thuê ngắn hặn” (gig/rental economy) hoặc tên gọi khác là “mô hình kinh tế theo yêu cầu” (on-demand economy). Khái niệm "nền kinh tế chia sẻ" (sharing economy) mà Uber/Grab sử dụng không phản ánh chính các mô hình kinh tế của các công ty này.

Theo FastGo, việc ứng dụng công nghệ để triển khai các mô hình kinh doanh không được xem là một công ty công nghệ thuần tuý, mà được xem là kinh doanh trong lĩnh vực đó, theo một trong 2 loại hình chủ yếu: Kinh doanh trực tiếp Môi giới kinh doanh.

Kinh doanh trực tiếp là mô hình cung cấp dịch vụ trực tiếp tới khách hàng và chịu trách nhiệm về dịch vụ mình cung cấp. Môi giới kinh doanh là mô hình đóng vai trò trung gian kết nối khách hàng với nhà cung cấp dịch vụ, chịu một phần trách nhiệm trong việc đảm bảo giao dịch mà không trực tiếp chịu trách nhiệm về việc cung cấp dịch vụ.

Đại diện của FastGo cho rằng, căn cứ trên thực tế hoạt động của Grab, thì đây không phải là mô hình công ty công nghệ thuần tuý, cũng không phải hoàn toàn mang tính chất môi giới kinh doanh như các ứng dụng gọi xe khác.

Lấy dẫn chứng về giá cước, FastGo nhận định, chính Grab là đơn vị quyết định giá cước chuyến đi theo thời điểm (mô hình Surge Price) dựa trên các thuật toán mà có thời điểm giá cước có thể tăng cao 3-5 lần so với thông thường, giá cước này các tài xế hoàn toàn không biết trước mà chỉ hiển thị cho khách hàng khi đặt xe.

"Nếu đơn thuần chỉ là trung gian môi giới thì giá cước phải do bên bán (là tài xế) quyết định theo nguyên lý thị trường, vì vậy với cách tính giá cước này Grab không đơn thuần là trung gian môi giới.

Trường hợp này là Grab bán dịch vụ vận chuyển cho khách hàng trước và hưởng doanh thu về công ty, sau đó thuê tài xế để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, trả cho tài xế một phần phí khoảng 70% phí thu được của khách hàng", văn bản của FastGo viết.

Đối chiếu với FastGo, giá cước do tài xế quyết định theo một thoả thuận và thống nhất ban đầu với FastGo và chỉ một giá duy nhất theo quãng đường, ngoài ra hành khách có thể thưởng thêm cho tài xế theo ý muốn tuỳ theo nhu cầu và chất lượng phục vụ, FastGo không kinh doanh trực tiếp và hưởng lợi từ doanh số do việc cung cấp dịch vụ mang lại.

Hay như hoạt động thanh toán, phía FastGo cho biết, theo công bố của Grab thì gần 50% số cuốc khách được thanh toán bằng thẻ ngân hàng, số tiền này sẽ về Công ty Grab trước khi thanh toán lại cho đối tác tài xế sau khi trừ chiết khấu.

Nếu đơn thuần chỉ là trung gian môi giới thì tiền phải được chuyển thẳng từ thẻ của khách hàng sang Ví điện tử hoặc tài khoản Ngân hàng của đối tác tài xế. Thế nhưng, trong trường hợp hiện tại, toàn bộ doanh thu từ khách hàng được ghi nhận là doanh thu của Grab, sau đó Grab thanh toán lại cho tài xế theo chính sách do Grab tự quyết định với đối tác, vì vậy Grab không đơn thuần là trung gian môi giới.

Bên cạnh đó, phía FastGo cũng đưa ra dẫn chứng về hệ thống điều hành cuốc khách của Grab là chỉ định các lái xe phục vụ yêu cầu gọi xe của khách hàng.

Trong trường hợp không nhận khách với một tỷ lệ nhất định, tài khoản của đối tác lái xe sẽ bị khoá và không được hoạt động. Khi khách hàng có bất kỳ phản hồi nào về đối tác lái xe (dù phản hồi đó đúng hay sai), Grab sẽ đơn phương khoá tài khoản của đối tác lái xe mà không có bất kỳ sự thương thảo hay xác minh nào.

Như vậy là Grab trực tiếp cung cấp dịch vụ cho khách hàng và hoàn toàn đứng ra bảo vệ khách hàng, coi các đối tác lái xe là người cung cấp dịch vụ thuê cho Grab.

"Là một đơn vị cung cấp giải pháp trong lĩnh vực vận tải mong muốn kết nối, cung cấp công nghệ cho tất cả các hãng taxi truyền thống và xe cá nhân, thông qua vụ việc của Vinasun kiện Grab đã giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề pháp lý trong hoạt động kinh doanh vận tải, giúp chúng tôi điều chỉnh các hoạt động để phù hợp với các quy định pháp luật hiện nay. Vì vậy, chúng tôi mong muốn thông qua sự việc này, các cơ quan quản lý nhà nước có các quyết định và điều chỉnh các nghị định phù hợp, để các doanh nghiệp yên tâm hoạt động theo các quy định của pháp luật Việt Nam", đại diện FastGo cho biết thêm.