Ủy ban Kinh tế: Vừa tiếp tục hạ lãi suất, vừa kiểm soát chặt việc cấp tín dụng

Nhật Hạ - 18:17, 22/05/2023

TheLEADERBên cạnh giải pháp tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng, Ủy ban Kinh tế cho rằng cũng cần tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; kiểm soát chặt việc cấp tín dụng sử dụng vốn nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau.

Ủy ban Kinh tế: Vừa tiếp tục hạ lãi suất, vừa kiểm soát chặt việc cấp tín dụng
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Trang tin Quốc hội

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thứ XV, ngày 22/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm nay, bình quân mỗi quý còn lại năm nay phải tăng khoảng 7,5%.

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế là do tác động, ảnh hưởng nặng nề của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm, nhất là quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, có độ mở lớn nên chịu nhiều tác động từ diễn biến tình hình thế giới.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 cần thời gian để phục hồi; những hạn chế, bất cập, yếu kém về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất trong nước, thị trường tài chính – tiền tệ bộc lộ rõ hơn khi gặp khó khăn.

Những khó khăn trên thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và hầu như không huy động được vốn, dẫn tới bất động sản "đóng băng". Các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là sản xuất công nghiệp giảm, trên đà suy yếu. Nền kinh tế thực sự rất khó khăn, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.

Đồng thời, Ủy ban đánh giá sức khỏe doanh nghiệp đang giảm sút. Bốn tháng đầu năm có gần 79.000 doanh nghiệp đăng ký lập mới, quay trở lại thị trường. Bình quân mỗi tháng khoảng 19.700 doanh nghiệp lập mới, quay lại hoạt động.

Tuy nhiên, mỗi tháng cũng có 19.200 đơn vị rút lui khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho nước ngoài. Doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.

Dự báo từ nay đến cuối năm 2023 khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, ông Thanh cho rằng cần theo dõi sát diễn biến trong nước và thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời. Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế giá trị gia tăng nhưng bảo đảm cân đối ngân sách và bội chi ngân sách năm 2023 không vượt mức Quốc hội cho phép và linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Điều hành chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác với liều lượng hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng nhưng cần tính toán đến áp lực lạm phát đang gia tăng.

Chính phủ cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Đồng thời tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Thứ hai, cần đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành, nhất là Quy hoạch năng lượng. Khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Khẩn trương phân bổ giao vốn theo đúng kế hoạch, hạn chế tối đa chuyển nguồn qua các năm.

Cùng với đó, cần tăng cường vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Có giải pháp khắc phục tình trạng việc xây dựng dự toán thu ngân sách địa phương trong những năm tới sát với tình hình thực tế. Tăng cường đôn đốc, kịp thời nộp các khoản thu vào ngân sách nhà nước mà cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kết luận, kiến nghị; tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất đai, nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, các khoản thu từ thuế, phí, chống thất thu, ẩn, lậu, trốn thuế để bảo đảm cân đối ngân sách.

Thứ ba, cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời tiếp tục rà soát những vướng mắc, bất cập, chồng chéo các luật liên quan hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Ông Thanh đề nghị khẩn trương đề xuất giải pháp chính sách phù hợp đối với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, thuế các-bon sẽ áp dụng. Tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy; tiếp tục giải quyết dứt điểm vấn đề kiểm định xe cơ giới; xử lý những bất cập trong việc tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, tư vấn phát hành, hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người đến gửi tiền chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp, bán chéo bảo hiểm khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.

Cùng với đó, Chính phủ cần rà soát, sửa đổi cơ chế giá điện cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.