Vẫn còn địa phương chưa "mở" như tinh thần Nghị quyết 128

Nhật Hạ - 18:23, 04/11/2021

TheLEADER"Vẫn còn một số địa phương tổ chức các biện pháp chống dịch cao hơn quy định trong Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế, đã khiến nhiều doanh nghiệp nơi vào tình trạng thiếu lao động", theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương

Hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 đang dần hồi phục sau đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 vừa qua. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng qua, ngành công nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề.

Việc kiểm soát dịch Covid-19 tại nhiều địa phương, trong đó có TP.HCM và các tỉnh phía Nam trong tháng 10 đã có chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, từng bước phục hồi kinh tế trong trạng thái ‘bình thường mới’ theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời ‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19’.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương tổ chức các biện pháp chống dịch cao hơn quy định trong Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế, đã khiến nhiều doanh nghiệp nơi vào tình trạng thiếu lao động. Một số nơi thì chậm ban hành các hướng dẫn mới, cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phục hồi sản xuất.

Đồng thời, việc xử lý, tháo gỡ, khôi phục sản xuất tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị đình trệ quá lâu, đã và đang tác động tiêu cực đến phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế đất nước, Bộ Công thương phản ánh trong báo cáo mới đây.

Do đó, để sản xuất công nghiệp sớm ‘khỏe mạnh’ trở lại, Bộ Công thương cho rằng, cần sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong việc triển khai Nghị định 128, bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc, tránh tình trạng “cát cứ”, không thống nhất... gây khó khăn cho việc phục hồi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và lao động cho sản xuất.

“Từ tháng 11, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất được địa phương triển khai đồng bộ, thì sản xuất công nghiệp trong 2 tháng cuối năm sẽ có sự tăng trưởng rõ ràng hơn”, theo Bộ Công thương.

Nguyên vật liệu và lao động cùng ‘thông’, sản xuất công nghiệp sớm ‘khỏe mạnh’
Ngành công nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề trong 10 tháng đầu năm 2021.

Sự phục hồi của ngành công nghiệp thể hiện ở chỉ số IIP tháng 10 tăng 6,9% so với tháng 9. Cụ thể, ngành khai khoáng ghi nhận tăng 9%; chế biến, chế tạo tăng 6,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,7%.

Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,3%, cao hơn tốc độ tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2020.

Tiêu biểu, chỉ số IIP 10 tháng của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước, như sản xuất kim loại tăng 25,1%, sản xuất xe có động cơ tăng 12,5%, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,5%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như thép cán tăng 37,3%, sắt thép thô tăng 11,4%, đồng hồ thông minh tăng 23,7%, linh kiện điện thoại tăng 38,8%, ô tô tăng 12,4%, khí hóa lỏng LPG tăng 14,1%,; xăng dầu các loại tăng 15,5%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, như khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,3%, công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 11,9%, sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 8,8%, sản xuất đồ uống giảm 5,8%, sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 5,4%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 1,1%.

Sản xuất công nghiệp tại 2 thành phố lớn nhất

Tại TP.HCM, hiện hơn 1.300 công ty, nhà máy trong các khu chế xuất, khu công nghiệp đã mở cửa trở lại và đạt hơn 92%, với hơn 230.000 công nhân, người lao động trở lại làm việc, đạt khoảng 70%.

Chỉ số IIP tháng 10 của TP.HCM tăng 23,6% so với tháng 9. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,5%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 25,4%, sản xuất và phân phối điện tăng 0,9%... Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 cũng tăng 19,7%.

Tuy nhiên, tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số IPP trên địa bàn TP.HCM vẫn giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, Sở Công thương TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, kết nối đến từng ngành nghề với các gói hỗ trợ ưu đãi để doanh nghiệp lựa chọn theo nhu cầu; tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu đầu tư công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ để cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tại Hà Nội, chỉ số IIP tháng 10 ước tính tăng 10,2% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số này tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện các cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại Hà Nội đều triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhiều đơn vị đạt công suất 80-90%. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn về chi phí nguyên vật liệu, nhân công… Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hầu hết các doanh nghiệp không đạt kế hoạch sản xuất năm 2021 và chỉ đạt khoảng 95% giá trị sản xuất năm 2020.

Để phục hồi sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp mới đây đã đề xuất UBND TP. Hà Nội tiếp tục miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, kết nối tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cho phép doanh nghiệp chủ động hơn trong xây dựng giải pháp phòng dịch; có chính sách tạo điều kiện cho người lao động đi lại làm việc; tạo điều kiện lưu thông hàng hóa thông suốt để doanh nghiệp tăng tốc hoàn thành các đơn hàng còn tồn đọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, bảo đảm phòng chống dịch Covid-19.