Vì sao RCEP chưa thể ‘cán đích’?

Đức Huy - 09:36, 24/05/2019

TheLEADERChênh lệch lớn trình độ phát triển dẫn tới mâu thuẫn trong ưu đãi thuế quan được nhận định là nguyên nhân khiến đàm phán RCEP kéo dài.

Vì sao RCEP chưa thể ‘cán đích’?
RCEP được kỳ vọng sẽ hoàn thành đàm phán trong năm nay.

Được khởi xướng vào tháng 11/2012, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) khởi động đàm phán vào năm 2013 nhằm mục đích thiết lập nền tảng hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa 10 nước ASEAN với các đối tác, bao gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

Nếu được ký kết, RCEP dự kiến sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ dân, chiếm tới 30% GDP toàn cầu.

Mức độ bao phủ của RCEP lớn hơn khá nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phiên bản mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tại hội thảo “RCEP: Tình hình đàm phán và những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm”, bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến nay, hiệp định này đã trải qua 25 phiên đàm phán chính thức, nhiều phiên giữa kỳ, 13 phiên đàm phán cấp Bộ trưởng và 2 hội nghị cấp cao.

Theo dự kiến, RCEP sẽ kết thúc đàm phán trong năm nay.

Hiện Hiệp định đã kết thúc đàm phán 6 nội dung, bao gồm hợp tác kinh tế kỹ thuật; doanh nghiệp vừa và nhỏ; các biện pháp vệ sinh kiểm dịch; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp; mua sắm của chính phủ; thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại.

Tính đến nay, tiến trình đàm phán đã kéo dài 6 năm và RCEP không ít lần lỡ hẹn do những bất đồng chưa được giải quyết.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết hầu hết hiệp định thương mại (FTA) Việt Nam tham gia có 2 quá trình, bao gồm đàm phán mang tính mô hình, đưa ra mục tiêu, tham số về thuế quan và đàm phán chi tiết.

Theo ông, RCEP hiện chưa đưa ra được mô hình chung mà mới chỉ thống nhất các tham số giả định, biểu hiện nỗ lực cố gắng đạt được.

Quá trình đàm phán thứ hai – đàm phán chi tiết mang tính chủ đạo, mang lại tính linh hoạt dù còn nhiều khó khăn.

“Khi đàm phán từng lĩnh vực thì sẽ cân đối trong lĩnh vực đó còn trong giai đoạn cuối, phải cân bằng lợi ích ở phạm vi rộng hơn”, ông Tuấn Anh phân tích.

RCEP bao trùm lên một khu vực rộng lớn nhưng đi kèm với đó là thách thức do sự chênh lệch trình độ đáng kể.

Đại diện Bộ Tài chính lấy ví dụ Việt Nam, nhận định sự bổ trợ trong cơ cấu xuất nhập khẩu với một số đối tác như New Zealand, từ đó dẫn đến cam kết thuế quan cao. Tuy nhiên, một số nền kinh tế khác trong RCEP lại là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, có lợi thế mạnh giống Việt Nam.

Điều này đòi hỏi sự xem xét, cân bằng lợi ích không chỉ trong một thời điểm.

Không chỉ vậy, RCEP còn bao trùm lên 3 quốc gia đang được xếp loại kém phát triển và mặc dù có những ưu đãi, đối xử đặc biệt, sự chênh lệch lớn trình độ phát triển vẫn kéo theo những thách thức lớn.

Kết quả là có những nhóm nước giành ưu đãi thuế cho tất cả nhưng cũng có những nước chỉ giành ưu đãi cho một số đối tác cụ thể, tạo ra khó khăn và chưa thể giải quyết mâu thuẫn.

“Đây là lý do căn bản các cuộc đàm phán kéo dài”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tuy vậy, không ít kỳ vọng được đặt vào hiệp định thương mại này khi việc hài hòa các quy định tạo ra chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt ưu đãi.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo cấp cao RCEP tháng 11/2018 cho biết đàm phán RCEP năm 2018 đã đạt được tiến bộ đáng kể, hướng tới giai đoạn đàm phán cuối cùng. 

"Các bên tiếp tục quá trình đàm phán để kết thúc đàm phán trong năm 2019 với một hiệp định RCEP tiến bộ, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia". 

Định hướng các nguyên tắc đàm phán RCEP cũng kỳ vọng Hiệp định sẽ có mức độ cam kết sâu rộng hơn với những tiến bộ đáng kể hơn so với các FTA ASEAN+ hiện hành, trong khi ghi nhận sự phát triển khác nhau của các bên tham gia.