Vì sao Sacombank không chia cổ tức 7 năm liên tiếp?

Trần Anh - 11:23, 09/05/2023

TheLEADERDù có lợi nhuận, ngân hàng vẫn chưa thực hiện việc chia cổ tức do thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với một ngân hàng đang trong diện phải tái cơ cấu.

Năm ngoái, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Sacombank đạt 3.741 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận lũy kế tính tới cuối năm 2022 đạt 12.672 tỷ đồng. Tuy nhiên về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Sacombank dự kiến trích 5% lợi nhuận sau thuế cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% sau trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ cho quỹ dự phòng tài chính, 7% cho quỹ khen thưởng và 7% cho quỹ phúc lợi. Đây là năm thứ 7, ngân hàng vẫn chưa thể chia cổ tức cho các cổ đông.

Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra, một cổ đông Sacombank đặt câu hỏi vì sao lợi nhuận tăng cao nhưng ngân hàng không chia cổ tức. Ban lãnh đạo Sacombank cho biết, hoạt động kinh doanh của ngân hàng này từ năm 2017 đến nay liên tục có lợi nhuận. Nhờ đó mới có con số lợi nhuận lũy kế đến 2022 là hơn 12.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngân hàng vẫn chưa thực hiện việc chia cổ tức do phải thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với một ngân hàng đang trong diện phải tái cơ cấu.

Về quá trình tái cơ cấu, Sacombank hiện đã cơ bản xử lý nợ xấu, còn khoản duy nhất cổ phần của ông Trầm Bê và người có liên quan. Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép bán đấu giá, khi bán xong khoản này mới khôi phục lại vốn.

Hiện nay ban lãnh đạo Sacombank đang nỗ lực để sớm hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngân hàng theo phê duyệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Sau đó sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chia cổ tức cho cổ đông. Khi chưa chia, mọi khoản lợi nhuận vẫn còn nguyên đó chứ không hề biến mất.

Ngoài trường hợp đặc biệt của Sacombank, trên thực tế ngành ngân hàng nhiều năm qua cũng không chia cổ tức bằng tiền mặt do yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm Ngân hàng Nhà nước đều ban hành chỉ thị yêu cầu các ngân hàng giảm chỉ tiêu lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền mặt để tạo điều kiện hạ thêm lãi suất cho vay. 

Thay vào đó, các ngân hàng chọn phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, nhằm giúp tăng thêm vốn điều lệ, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, thông qua đó có thêm dư địa để tăng trưởng tín dụng. Và cũng có nhiều nhà băng chọn phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận, để đảm bảo hoạt động kinh doanh.

Phải sang đến đầu năm 2023 này, một số ngân hàng mới được trả cố tức bằng tiền mặt. Theo đó, các ngân hàng không trong diện tái cơ cấu đã trình ĐHCĐ kế hoạch trả cổ tức tiền mặt khá cao như VIB (35%), TPBank (25%), VPBank (30%), ACB (10%)…

Với Sacombank, ban lãnh đạo nhà băng này cũng xác định 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu, sang năm cổ đông sẽ không phải nghe chất vấn về việc chia cổ tức. Thực tế, ban lãnh đạo ngân hàng đã trình phương án chia cổ tức để tăng vốn điều lệ và đang chờ phê duyệt của NHNN. 

Cụ thể, Sacombank sẽ dùng 100% lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức cho cổ đông. NHNN cũng khuyến khích Sacombank chia cổ tức để tăng năng lực tài chính sau khi trích 8.000 tỉ đồng lợi nhuận cho trái phiếu Công ty Quản lý tài sản (VAMC).