Việt Nam đã tiêm được 65% số vaccine nhập về

Nhật Hạ - 08:18, 12/08/2021

TheLEADERKhi số lượng vaccine về nhiều hơn, năng lực tiêm có thể đạt tối đa 2 triệu mũi một ngày trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết.

Việt Nam đã tiêm được 65% số vaccine nhập về
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại buổi họp báo chiều ngày 11/8. Ảnh: Nhật Bắc

Tại họp báo Chính phủ chiều 11/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đến nay Việt Nam đã tiêm được 11,4 triệu liều vaccine trong tổng số 18 triệu liều nhận được, chiếm khoảng 65%.

Cụ thể, TP.HCM được cấp hơn 4 triệu liều và hiện đã tiêm được gần 3,6 triệu. "Hôm nay và ngày mai, TP.HCM sẽ tiêm hết số vaccine được cấp và dự kiến tiếp tục triển khai tiêm vaccine khác như Sinopharm", ông Thuấn nói.

Đối với TP. Hà Nội, hiện thành phố được cấp hơn 2,9 triệu liều vaccine, đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều, chiếm trên 50%. Trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tăng tốc tiêm vaccine.

Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh lập kế hoạch cụ thể với lượng vaccine dự kiến phân bổ theo từng tháng, không để tồn kho vaccine. Tỉnh nào tiêm vaccine chậm thì sẽ bị điều chuyển cho tỉnh khác.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là “tiêm nhanh nhưng phải an toàn, bảo đảm tiêm mũi nào an toàn mũi ấy”. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị, đặc biệt là các dụng cụ, thuốc men cũng như xe lưu động, các cơ sở, đặc biệt là hồi sức, cấp cứu được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng.

“Tới đây, khi lượng vaccine về nhiều hơn, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng tốc công tác tiêm chủng, ngành y tế phối hợp với lực lượng quốc phòng, công an có thể tiêm tối đa 2 triệu mũi vaccine trong một ngày”, ông Thuấn cho biết.

Về điều trị F0 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, ông Thuấn cho biết, ngay từ sớm Bộ Y tế "đã bàn và chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra". Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, con người... được chuẩn bị để chủ động khi tình huống xấu hơn. Hiện có sự quá tải F0 ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Một số nơi vì quá lo lắng nên dù F0 chưa đến mức phải chuyển lên tầng 3 (hồi sức cấp cứu) cũng đã chuyển lên, gây quá tải. Trong khi các tầng dưới có thể điều trị tại bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến huyện, thị xã.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng công tác điều trị phải đảm bảo phân loại đúng tầng và chuyển lên tầng trên đúng thời điểm, để tránh quá tải không cần thiết và tránh nguy cơ tử vong.

Đến nay, 19 tỉnh thành phía Nam đã lập 141 bệnh viện dã chiến, nhiều trung tâm hồi sức cấp cứu. Trong đó, TP.HCM có 5 trung tâm hồi sức cấp cứu của bộ kết hợp với thành phố, bao gồm cả bệnh viện dã chiến, hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tương tự, bộ đã phân công Bệnh viện Phổi trung ương kết hợp với Bệnh viện K để có trung tâm hồi sức với quy mô 400 giường ở Đồng Nai. Ở Bình Dương, giao cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Vĩnh Long giao cho Bệnh viện Nhi… 

"Mỗi tỉnh, bộ đều cử các nhóm công tác, bao gồm các chuyên gia về phòng bệnh, truy vết, điều trị, hồi sức để hỗ trợ các tỉnh phòng chống dịch, thường xuyên gửi báo cáo về Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch", ông Thuấn cho biết.

10.000 liều thuốc Remdesivir nhập từ Ấn Độ đã được chuyển kịp thời cung cấp cho công tác điều trị tại TP.HCM và các tỉnh phía nam. Ngành y tế cũng huy động trên 11.000 cán bộ, sinh viên để hỗ trợ cho TP.HCM và các tỉnh phía nam phòng chống dịch.

Trước đó, ngày 10/8, tại cuộc họp báo về phòng chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, để bảo đảm đủ vaccine tiêm cho 70% dân số trên 18 tuổi của TP.HCM trong tháng 8 tới, Chính phủ đã bàn, mặc dù địa phương nào cũng mong có vaccine nhưng đều đồng tình nhường cho TP.HCM, một phần Đồng Nai, Bình Dương, Long An do những nơi này đang bị nhiễm rất nặng và sâu. Điều này thể hiện tinh thần tất cả hướng về TP.HCM.

Dự kiến đến cuối năm vaccine sẽ không thiếu, nhưng trong vài tuần tới, theo Bộ Y tế báo cáo, thì các lô vaccine đã được cam kết về rất ít. 

"Tinh thần là vaccine về đến đâu là ưu tiên tối đa cho TP.HCM", ông Đam cho biết. Như ngày 9/8, lô vaccine 590.000 liều Astra Zeneca về Việt Nam, Bộ Y tế đã phân bổ ngay cho TP HCM 530.000 liều.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 232.950, ghi nhận ở 62 tỉnh thành. TP.HCM ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước với 133.167, Bình Dương 33.748, Long An 12.255, Đồng Nai 10.168...

Trong đó, 85.154 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, 489 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU, 21 ca nguy kịch đang điều trị ECMO. 

Số bệnh nhân Covid-19 tử vong kể từ khi bùng dịch vào đầu năm 2020 đến nay là 4.487, trong đó riêng TP.HCM là 3.582 ca. Ngày 10/8 ghi nhận số ca tử vong kỷ lục trong ngày là 388 ca.

Ngày 11/8 ghi nhận 342 ca tử vong gồm 261 ca ở TP. HCM, 24 ca ở Cần Thơ, 22 ca ở Bình Dương, 11 ca ở Đồng Nai, 10 ca ở Đồng Tháp, 10 ca ở Long An, 2 ca ở Tiền Giang, 1 ca ở Đà Nẵng và 1 ca ở Bà Rịa - Vũng Tàu.