'Việt Nam sẽ nhanh chóng làm chủ công nghệ điện mặt trời'

Quỳnh Như - 11:00, 27/09/2018

TheLEADERTheo đánh giá của ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Bamboo Capital Group chỉ trong một thời gian ngắn nữa, Việt Nam sẽ có một đội ngũ làm chủ được công nghệ năng lượng mặt trời và vươn ra thế giới.

Năng lượng mặt trời đang là một chủ đề được nhà đầu tư và dư luận quan tâm đặc biệt thời gian gần đây khi liên tục xuất hiện các thông tin về những dự án triệu đô được cấp phép và động thổ dọc duyên hải miền Trung và cả miền Tây.

Xung quanh câu chuyện về lĩnh vực đầu tư đầy tiềm năng này, TheLEDER đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Minh Tuấn, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Bamboo Capital Group (BCG).

BCG đang là một trong những nhà đầu tư năng động bậc nhất trong lĩnh vực năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Công ty CP Năng lượng BCG Băng Dương – thành viên trực thuộc BCG vừa động thổ nhà máy năng lượng mặt trời BCG Băng Dương tại huyện Thạnh Hoá, Long An, dự án có tổng vốn đầu tư 42 triệu USD, công suất 40,6MW, xây dựng trên diện tích 50,2ha.

'Việt Nam sẽ nhanh chóng làm chủ công nghệ điện mặt trời'
Ông Phạm Minh Tuấn, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Bamboo Capital Group

Sắp tới, BCG sẽ tiếp tục động thổ 2 nhà máy điện mặt trời khác trên địa bàn huyện này, với công suất lần lượt là 100MW, 50MW và 50MW, tổng mức đầu tư 4 dự án vào khoảng 300 triệu USD. Ngoài Long An, BCG còn đầu tư phát triển nhà máy năng lượng mặt trời ở Quảng Nam. Các nhà máy của BCG có công suất trung bình từ 40MW – 200MW.

Ông nhận định gì về lĩnh vực năng lượng tái tại ở Việt Nam, nhất là năng lượng mặt trời?

Ông Phạm Minh Tuấn: Năng lượng tái tạo đang là ưu tiên hàng đầu không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam, do mối quan tâm tới chất lượng sống và môi trường sống.

Trên thế giới, các Chính phủ đều có những nỗ lực khác nhau nhằm tránh biến đổi khí hậu và các cam kết thuộc về cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong đó doanh nghiệp có trách nhiệm đề ra các chiến lược phát triển hoặc sử dụng công nghệ xanh - sạch, đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường.

Việt Nam cũng theo xu hướng chung đó, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển theo hướng xanh và sạch. Đặc biệt, Nghị định 11 năm 2017 và Thông tư 16 đã tạo được hành lang pháp lý thuận lợi cần thiết cho các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo. Hành động này có ý nghĩa quan trọng, giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.

Trong thời gian tới ở Việt Nam, theo tôi, sẽ có một làn sóng đầu tư mạnh hơn nữa vào lĩnh vực công nghệ sạch như điện mặt trời và điện gió. Các chính sách ưu đãi của nhà nước và giá cả công nghệ giảm xuống khiến sự hấp dẫn của lĩnh vực này với các doanh nghiệp là rất lớn.

Sự phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội tốt như cung cấp thêm nhiều công ăn việc làm, đáp ứng được nhu cầu bức thiết về năng lượng trong nước vì lĩnh vực này phát triển khá nhanh, có thêm ngành công nghiệp phụ trợ trong tương lai.

Hiện tại, ở các dự án năng lượng mặt trời chỉ mỗi chủ đầu tư là doanh nghiệp Việt, còn về thi công – thiết kế - môi trường đều thuê từ nước ngoài, có phải các công ty Việt Nam chưa đủ năng lực để đảm nhiệm được vai trò đó?

Ông Phạm Minh Tuấn: Thật ra là có, Việt Nam đang có một số doanh nghiệp thi công những dự án nhỏ rất tốt như lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Tuy nhiên, năng lực của các công ty Việt Nam chỉ đáp ứng được công suất khoảng 5 - 10MW, còn như lên quy mô công nghiệp từ 30 - 40MW thì không thể.

Cũng có một số doanh nghiệp nội chủ động đấu thầu nhưng nhiều cấu phần trong dự án vẫn đòi hỏi phải thuê chuyên gia nước ngoài nhất là thiết kế. Những việc đó cần nhiều kinh nghiệm mà ở Việt Nam, lĩnh vực năng lượng mặt trời vẫn còn tương đối mới. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có đội ngũ chuyên viên thiết kế - xây lắp cần thiết.

Tuy nhiên, với sự đầu tư ồ ạt của các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng mặt trời như hiện tại, tương lai, hệ thống công nghệ phụ trợ cũng sẽ phát triển theo, đội ngũ nhân viên và kỹ thuật sẽ phải phát triển từ từ. Cái này có thể nhìn từ bài học của Thái Lan, sau đó, chúng ta có thể chủ động về mặt công nghệ. Tôi tin rằng, trong thời gian ngắn, Việt Nam sẽ có một đội ngũ làm chủ được công nghệ, vươn ra thế giới.

Vậy hiện tại, doanh nghiệp đến từ nước nào đang trúng thầu được nhiều dự án điện mặt trời ở Việt Nam, công nghệ - kỹ thuật đến từ quốc gia nào là tốt nhất hiện nay?

Ông Phạm Minh Tuấn: Tôi không có số liệu thống kê cụ thể, tuy nhiên, dưới góc độ của một doanh nghiệp, tôi nghĩ: nước nào không quan trọng, quan trọng là chất lượng của công ty đối tác của mình. Công ty đó có tiềm lực về công nghệ và kỹ thuật hay không? Nếu mình nói Đức tốt hơn Trung Quốc hay Nhật Bản, điều đó chưa chắc đúng.

Chất lượng của mỗi công ty tùy thuộc vào năng lực kinh nghiệm và lực lượng nhân sự của họ. Chính vì vậy, việc lựa chọn chất lượng đối tác quan trọng hơn nhìn đối tác đến từ nước nào.

Theo ông, đến khi nào các công ty ở Việt Nam có thể tự chủ được công nghệ trong lĩnh vực năng lượng mặt trời?

Ông Phạm Minh Tuấn: Tôi nghĩ sẽ rất là nhanh thôi. Trước kia, người Thái không có đội ngũ thiết kế - giám sát – xây dựng về năng lượng mặt trời nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi Chính phủ Thái đưa ra chính sách khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời, nước này đã xây dựng được một ngành công nghệ phụ trợ tốt, có đội ngũ nhân sự chất lượng.

Bây giờ, người Thái đến Việt Nam rất nhiều và họ cũng chiếm phần tỉ trọng lớn trong những dự án điện mặt trời đang phát triển ở Việt Nam.

Công nghệ năng lượng mặt trời thật ra không phải là cái gì đó quá phức tạp cần thời gian dài để học tập, vì đây chỉ là công nghệ ứng dụng, không phải công nghệ cơ bản. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ học nhanh, không nhất thiết qua quá trình chuyển giao, mà có thể tự học khi xây dựng – lắp đặt cùng các chuyên gia nước ngoài. Chỉ cần sau 1 dự án, chúng ta có thể biết được cách xây dựng đội ngũ lắp đặt thành công một dự án là như thế nào.

Cũng giống như các ngành khác, nhanh hay chậm là tuỳ thuộc vào việc doanh nghiệp đó có muốn phát triển và tự chủ về công nghệ hay không. Ví dụ, BCG muốn phát triển và tự chủ về mặt công nghệ thì phải đầu tư vào đội ngũ con người, đồng thời phải thuê các chuyên gia giỏi nhất về làm việc.

Ông cảm thấy tốc độ phát triển của Việt Nam ở lĩnh vực này đang nhanh hay chậm?

Ông Phạm Minh Tuấn: Thực ra, vấn đề phát triển nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Thứ nhất là về công nghệ, hiện tại, công nghệ hay giá cả đang thay đổi rất nhanh, điều đó vừa thuận lợi vừa khó khăn cho ngành năng lượng mặt trời. Thuận lợi là chi phí giảm, doanh nghiệp đầu tư dễ hơn và nhiều hơn; công nghệ ngày càng tiên tiến khiến việc vận dụng công nghệ dễ dàng hơn, nâng cao hiệu suất, đạt được hiệu quả đầu tư tốt hơn. Tuy nhiên khó khăn là vì công nghệ thay đổi nhanh quá nên vòng đời công nghệ rất ngắn, chỉ sau 1 đến 2 năm đã trở nên lạc hậu.

Thứ hai là thủ tục xin giấy phép ảnh hưởng nhiều đến sự nhanh và chậm của dự án. Hiện tại, lĩnh vực năng lượng mặt trời nói chung là hoàn toàn mới, với công tác xin giấy phép – làm các thủ tục, mọi người đều mới như nhau. Cần thời gian để có thể làm quen với cơ chế và các thủ tục mới, do đó, giai đoạn đầu, tốc độ đầu tư sẽ không thể nhanh, nhưng sau này khác.

Thứ ba là yếu tố tài chính: Đầu tư vào năng lượng mặt trời đòi hỏi nguồn vốn lớn như tất cả các dự án năng lượng khác, nguồn vốn lớn đấy phụ thuộc vào khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp, mối quan hệ với các ngân hàng và mức độ đánh giá rủi ro từ các ngân hàng như thế nào.

Ở Việt Nam, các chuyên gia nhìn nhận: hợp đồng mua bán điện hiện tại chưa tạo được niềm tin từ các ngân hàng quốc tế. Trong hợp đồng mua bán điện hiện tại của chúng ta có những rủi ro tiềm ẩn mà các ngân hàng nước ngoài không thể chấp nhận. Thế nên, công cuộc tiếp cận với nguồn vốn ngoại của doanh nghiệp Việt rất hạn chế.

Việc đẩy mạnh sự phát triển năng lượng mặt trời bằng vốn nước ngoài sẽ cần thời gian để các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy ít rủi ro hơn.

Vì sao, Bamboo Capital không chọn Ninh Thuận hoặc Bình Thuận, những tỉnh có điều kiện lý tưởng nhất để phát triển điện mặt trời mà lại chọn đầu tư lớn vào Long An?

Ông Phạm Minh Tuấn: Điều kiện cơ bản để phát triển điện mặt trời tốt chính là cường độ bức xạ ánh sáng, ởnhững tỉnh duyên hải miền Trung có lượng bức xạ rất lớn. Theo bản đồ đo bức xạ đó là những nơi rất tốt để phát triển điện mặt trời, để đạt được hiệu quả kinh tế cao, các nhà đầu tư nên tập trung vào đó.

Tuy nhiên, khi quá nhiều nhà đầu tư tập trung vào một chỗ sẽ gây ra sức ép lên cơ sở vật chất, hệ thống điện truyền tải và sẽ có những khó khăn nhất định.

Có 3 lý do khiến BCG chọn Long An để đầu tư thay vì các tỉnh khác. Long An là tỉnh có địa bàn chiến lược, cửa ngõ đi vào 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với TP. HCM. Long An hiện tại đang thiếu điện rất trầm trọng, cường độ bức xạ ánh sáng ở Long An có thể không quá tốt Ninh Thuận – Bình Thuận, nhưng mà cũng tốt.

Ông có thể tiết lộ một chút thông tin về các dự án điện mặt trời mà BCG sắp tiến hành ở Quảng Nam?

Ông Phạm Minh Tuấn: Hiện tại, BCG đang khảo sát nghiên cứu và nộp hồ sơ xin đầu tư các dự án điện mặt trời tại Quảng Nam. Mối quan tâm của BCG khi đầu tư vào đây là những dự án trên mặt hồ, tránh được yếu tố chiếm hữu đất quá nhiều. BCG sẽ xây một số nhà máy tại Quảng Nam, công suất nhà máy là loại lớn, có thể trên 100MW.

Chiến lược của BCG là trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam. BCG cam kết sẽ cung cấp 2GW điện mặt trời cho thị trường Việt Nam và có thể vươn ra thế giới khi đã làm chủ được công nghệ. Chiến lược của BCG là tự lực và phối hợp với các công ty nước ngoài thích hợp.

Xin cảm ơn ông!