Việt Nam thuộc nhóm nước dễ gặp phần mềm độc hại nhất châu Á

Đức Anh - 14:33, 06/09/2017

TheLEADERTheo Báo cáo tình hình an ninh toàn cầu mới nhất của Microsoft, các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á dễ gặp phải các vấn đề về phần mềm độc hại và các mối đe doạ trực tuyến nhất.

Việt Nam thuộc nhóm nước dễ gặp phần mềm độc hại nhất châu Á
Theo Microsoft, những kẻ tấn công vào hệ thống máy tính lấy cắp số liệu về thu nhập, tuổi trung bình của người dùng máy tính.

Báo cáo chỉ ra rằng, Bangladesh, Pakistan, Campuchia, Indonesia và Mông Cổ là những nước có nguy cơ cao nhất gặp phải phần mềm độc hại, trong khi Hồng Kông, Singapore, Australia, New Zealand và Nhật Bản ít có nguy cơ hơn. Theo bản báo cáo này, Nhật Bản hiện là nước có an toàn an ninh mạng tốt nhất trên thế giới.

Tại Bangladesh, Pakistan, Campuchia và Indoensia, cứ bốn máy tính chạy các sản phẩm bảo mật của Microsoft thì có một máy gặp vấn đề về phần mềm độc hại trong 3 tháng đầu năm 2017.

Xếp hạng tỷ lệ gặp phải phần mềm độc hại (từ cao xuống thấp)

Myanmar, Nepal, Thái Lan và Việt Nam có tỷ lệ trên 20% gặp vấn đề với phần mềm độc hại trong quý đầu tiên - tăng gấp đôi so với trung bình toàn cầu (9%).

Các cuộc tấn công chính như WannaCry và NotPetya tập trung chủ yếu ở châu Âu và hầu hết các thị trường châu Á đều không bị ảnh hưởng nặng nề bởi các mối đe dọa này.

Theo Microsoft, những kẻ tấn công vào hệ thống máy tính lấy cắp số liệu về thu nhập, tuổi trung bình của người dùng máy tính và các phương thức thanh toán sẵn có và các vấn đề bảo mật cá nhân khác.

Ông Keshav Dhakad - Trợ lý tổng hợp của Microsoft châu Á cho biết: "Trong thời đại số như hiện nay, an ninh mạng phải là vấn đề cần giải quyết đầu tiên. Bằng cách đó, chúng ta có thể xây dựng lòng tin vào công nghệ và cho phép việc chuyển đổi kỹ thuật số đạt được tiềm năng tối đa cũng như thực hiện được những tham vọng to lớn dựa vào công nghệ".

Ngoài ra, Microsoft cũng khuyến cáo các cách nhằm giảm thiểu sự xâm nhập của các phần mềm độc hại:

1. Không làm việc tại các điểm truy cập Wi-Fi công cộng bởi kẻ tấn công có thể nghe trộm, chụp lại mật khẩu cũng như đăng nhập và truy cập dữ liệu cá nhân.

2. Thường xuyên cập nhật hệ điều hành và các chương trình phần mềm khác.

3. Giáo dục cho người dùng về lý do tại sao họ nên tránh mật khẩu đơn giản và thực hiện các phương pháp xác thực đa yếu tố.

4. Thực thi chính sách bảo mật kiểm soát việc truy cập vào dữ liệu nhạy cảm và giới hạn quyền truy cập mạng của công ty đối với người dùng.