VNG có thể chào bán 12,5% cổ phần để niêm yết chứng khoán tại Mỹ

Việt Hưng - 15:02, 15/07/2022

TheLEADERNhằm chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, VNG đã thành lập một pháp nhân mới vào ngày 1/4/2022 tại Cayman Islands, nhận chuyển nhượng hơn 47% cổ phần công ty.

Theo nguồn tin từ DealStreetAsia, VNG đang tiến rất gần đến đợt niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ, thông qua việc chào bán 12,5% cổ phần vào cuối năm nay.

Để thực hiện việc niêm yết, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, VNG đề xuất thông qua việc miễn trừ chào mua công khai đối với giao dịch chuyển nhượng cổ phần của VNG Limited - một pháp nhân mới được thành lập vào ngày 1/4/2022 tại Cayman Islands.

Theo đó, VNG Limited sẽ nhận chuyển nhượng 16,9 triệu cổ phần, tương đương 47,359% tổng số cổ phần của VNG từ 13 cổ đông nước ngoài tại đây.

Động thái này được dự báo là nhằm mở đường cho một đợt niêm yết thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).

Cuối năm ngoái, Bloomberg từng đưa tin, cho biết VNG đang làm việc với các tổ chức tư vấn để thảo luận với các SPAC. Giao dịch có thể định giá VNG ở mức 2 tỷ - 3 tỷ USD.

Trước đó, từng có thông tin VNG lên kế hoạch niêm yết trên Nasdaq từ năm 2017 thông qua việc VNG đạt được biên bản ghi nhớ (MOU) với sàn Nasdaq về việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

VNG có thể chào bán 12,5% cổ phần chuẩn bị niêm yết chứng khoán Mỹ
VNG có thể chào bán 12,5% cổ phần chuẩn bị niêm yết chứng khoán Mỹ

Đến nay, VNG là công ty Internet và công nghệ hàng đầu Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng sở hữu ứng dụng nhắn tin gọi điện Zalo, ví điện tử ZaloPay và đầu tư vào một số công ty công nghệ khác như Tiki, Ecotruck, Got It, FPT Online...

Năm 2022, VNG đặt mục tiêu doanh thu 10.178 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến âm khoảng 993 tỷ đồng.

Phía VNG cho biết sẽ tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng hoá. Đặc biệt, công ty sẽ tập trung phát triển các mảng như: thanh toán, trí tuệ nhân tạo và Cloud để tham gia vào làn sóng công nghệ tiếp theo.

Từ đầu năm nay, VNG đã liên tục rót vốn cho các startup, doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước nhằm đa dạng danh mục đầu tư, cũng như mở rộng hệ sinh thái sản phẩm, ngành nghề trong bối cảnh thị trường đang có nhiều biến động.

Cụ thể, vào tháng 2/2022, phía VNG ghi nhận khoản đầu tư 22,5 triệu USD vào Funding Societies (hoạt động với tên gọi Modalku tại Indonesia). Funding Societies chuyên tài trợ vốn kỹ thuật số, và dịch vụ thanh toán B2B cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trên khắp Đông Nam Á.

Sau đó không lâu, VNG rót vốn vào Haegin - một công ty chuyên phát triển các game di động tại Hàn Quốc. Phía VNG mong muốn mở rộng phạm vi kinh doanh trên thị trường quốc tế, hướng tới trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực Metaverse.

Gần đây nhất, VNG cùng quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures đầu tư vào startup thương mại điện tử xuyên biên giới OpenCommerce Group.