World Bank: Ba lưu ý để mở cửa hiệu quả sau giãn cách

Hoài An - 17:39, 13/10/2021

TheLEADERTrong cập nhật mới nhất, World Bank nhấn mạnh các yếu tố ưu tiên trong giai đoạn phục hồi hậu cách ly xã hội kéo dài là gỡ bỏ những nút thắt về logistics, khuyến khích dịch chuyển lao động.

Với số lượng ca nhiễm Covid-19 mới bắt đầu giảm, Hà Nội và một số địa phương đã nới lỏng những hạn chế nghiêm ngặt. Điều này giúp cho mức độ đi lại, chỉ số sản xuất công nghiệp, và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bắt đầu hồi phục, mặc dù vẫn ở mức thấp hơn so với cách đây một năm.

Như có thể thấy qua kinh nghiệm các nước khác trên thế giới, quá trình khôi phục các hoạt động kinh tế sau một giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài có thể phải đối mặt với một số trở ngại.

Nối lại các hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp dịch vụ có thể gặp phải vấn đề thiếu hụt lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng. Theo đó, World Bank nhấn mạnh rằng gỡ bỏ những nút thắt về logistics, tiếp tục thực hiện xét nghiệm và tiêm vaccine, và khuyến khích dịch chuyển lao động cần được ưu tiên.

Các cấp có thẩm quyền nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Thứ nhất, giảm sự cứng nhắc về thủ tục trong thực hiện ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển sẽ giúp hỗ trợ tổng cầu.

Thứ hai, mở rộng hơn nữa hỗ trợ cho người lao động cả ở khu vực chính thức và phi chính thức, cũng như các hộ gia đình sẽ giúp họ vượt qua khó khăn có thể xảy ra khi quay lại làm việc.

Thứ ba, cũng cần tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa, đặc biệt trong ngành dịch vụ du lịch, ăn uống và lưu trú.

Dự báo tăng trưởng GDP 2021 ở mức 2%

GDP quý III/2021 giảm 6,2% so cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý.

Với mức suy giảm sâu này, và phụ thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý cuối, World Bank ước tính GDP Việt Nam 2021 sẽ tăng trưởng với tốc độ 2,0 – 2,5%, thấp hơn đáng kể so với con số dự báo 4,8% công bố hồi tháng 8, và so với nhiều tổ chức khác.

Đơn cử, Ngân hàng Phát triển châu Á trong bản cập nhật cuối tháng 9 dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 3,8%, giảm so với ngưỡng 6,7% đưa ra trước đó.

Đầu tháng 9, HSBC cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam, đưa về mức 5,1%. 

World Bank nhận định thời gian gần đây, tình hình thị trường lao động xấu đi đáng kể, thể hiện tác động kinh tế bất lợi của đợt cách ly xã hội kéo dài tại các trung tâm kinh tế lớn. Diễn biến xấu đi này cũng cho thấy những khó khăn kinh tế mà nhiều hộ gia đình có thể đang phải gánh chịu.

Trong tháng 9, cán cân thương mại hàng hóa đã cải thiện do tăng trưởng nhập khẩu chậm lại. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng tháng thứ ba liên tiếp, thể hiện các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế.

Lạm phát vẫn ở mức thấp trong bối cảnh nhu cầu trong nước còn yếu, trong khi tiền đồng tiếp tục tăng giá danh nghĩa trên thị trường chính thức trong nước.

Tăng trưởng tín dụng giảm tốc do cầu tín dụng suy yếu vì các hoạt động kinh tế chững lại, nhưng vẫn tương đương với các mức trước đại dịch nhờ ngân hàng tiếp tục cung cấp vốn vay ưu đãi và cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch.