World Bank dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8%

Trần Anh - 15:43, 11/12/2018

TheLEADERTrong trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm lại theo xu hướng chung toàn cầu và được dự đoán ở mức 6,6% trong năm 2019 và 6,5% năm 2020.

Tại hội thảo “Điểm lại, cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” của World Bank (WB), ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam tiếp tục thể hiện là nền kinh tế mở lớn nhất thế giới.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Sebastian Eckradt thuộc World Bank cho biết, nền kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay có tốc độ tăng trưởng cao, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. 9 tháng đầu năm nay, GDP tăng ấn tượng trên 7% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong 9 tháng kể từ năm 2011.

Nền kinh tế phát triển đồng đều, khởi sắc tất cả các mặt, từ nông nghiệp, công nghiệp cho tới xây dựng, dù có suy giảm 1 chút về sản lượng khai khoáng. Nhờ sức cầu trong nước rất tốt, ngành dịch vụ tiếp tục phát triển lành mạnh, đóng góp 60% tăng trưởng tại Việt Nam

World Bank: Kinh tế Việt Nam có tốc độ vươn lên nhanh như đội tuyển bóng đá đang thể hiện
Nguồn: Báo cáo của World Bank

Dòng tiền đầu tư ở mức tốt, chủ yếu trên cơ sở chính từ nền kinh tế tư nhân. Trong khi đó, đầu tư công vẫn đang xu hướng suy giảm so với trước đây.

Tăng trưởng cao nhưng các biện pháp ổn định nền kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì, thể hiện có lạm phát ổn định. Lạm phát toàn phần có nhích lên một chút do giá thực phẩm tăng nhưng nhìn chung, lạm phát cơ bản vẫn rất ổn định, không cho thấy rủi ro về trượt giá.

Nợ công được duy trì ổn định. Chính phủ tiếp tục quan tâm, chú trọng, kiềm chế được bội chi ngân sách, thu ngân sách rất tốt, đặc biệt là thu ngoài thuế (chủ yếu từ cổ phần hóa), huy động nguồn lực giúp giải quyết khó khăn về chi tiêu. Tỷ lệ nợ công/GDP đã giảm xuống lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ, rất ổn định trong năm nay, khoảng 61,5%, qua đó tạo thêm dư địa để có những cái cân đối hơn. Ở khu vực ngân hàng, tăng trưởng tín dụng khoảng 16%.

Nhờ kinh tế tăng trưởng tốt đồng đều, năng suất lao động của Việt Nam cũng tăng trưởng ở mức trên 6%. Lao động có xu hướng chuyển dịch từ nông nghiệp sang các khu vực có năng suất cao hơn như công nghiệp và dịch vụ, giúp đẩy mạnh tốc độ tăng lương và phân chia của cải đồng đều hơn.

Cán cân thương mại là điểm sáng trong năm nay khi tăng trưởng rất tốt, xuất khẩu có khi nhận giảm nhưng nhập khẩu còn giảm nhiều hơn. Thống kê cho thấy Việt Nam vượt trội so với mặt bằng chung trên thế giới và mở rộng được thị phần của mình so với các quốc gia ASEAN khác.

Từ tháng 7 năm nay, tỷ giá VND/USD đã tăng trở lại, nhưng nhờ dự trữ ngoại hối ở mức cao, có thể trong quý 3 và quý 4, NHNN sẽ có một số hoạt động can thiệp, dùng dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá, giảm áp lực trong bối cảnh tỷ giá biến động rất mạnh trên thế giới hiện nay.

Với một loạt điểm tích cực, ông Sebastian rất lạc quan khi đánh giá về tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Chuyên gia World Bank dự báo, nền kinh tế có thể tăng trưởng 6,8% trong năm nay, thậm chí là cao hơn. Lạm phát vẫn sẽ được kiểm soát tốt, mục tiêu giảm nợ công ổn định.

Mặc dù vậy, trong trung hạn, tăng trưởng sẽ chậm lại theo xu hướng chung toàn cầu. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại thế giới, với tỉ lệ thương mại trên GDP đạt hơn 200%.

Thời gian vừa qua, nền kinh tế thế giới chứng kiến nhiều biến động. Chỉ số PMI giảm xuống dưới 50%, cho thấy các đơn đặt hàng xuất khẩu đang đi xuống. Những bất định vĩ mô tăng lên, liên quan đến căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, kéo theo làn sóng bảo hộ thương mại.

Đầu tiên, Mỹ chỉ bảo hộ rất giới hạn trong các sản phẩm thép và nhôm từ Trung Quốc, nhưng hiện nay số lượng mặt hàng bảo hộ đã lên tới 200 tỷ USD hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ, tương đương 1/2 kim ngạch song phương giữa 2 quốc gia này. Trung Quốc hiện cũng đã có biện pháp trả đũa.

Dù căng thẳng thương mại chưa tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam, thậm chí có 1 số điểm tích cực, khi Việt Nam có thể hưởng lợi từ chuyển hướng thương mại, thay thế hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ, song các chuyên gia nhấn mạnh, những yếu tốt bất định tăng lên sẽ ảnh hưởng tới thương mại, đầu tư toàn cầu. Việt Nam cũng đã chứng kiến một số nguồn vốn bắt đầu rút ra khỏi thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, tốc độ cải cách trong nước vẫn đang diễn ra khá chậm. Hoạt động cải cách doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư công, xây dựng thị trường vốn nếu không đảm bảo đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng trưởng.

Mặc dù đưa ra một số điểm tiêu cực, song nhìn chung, các chuyên gia từ phía WB vẫn đánh giá, tình hình kinh tế tại Việt Nam đang phát triển rất thuận lợi. Việc các nhà quản lý chính sách cần làm là tiếp tục ổn định vĩ mô, chuẩn bị các phương án dự phòng cho những cú sốc trong tương lai.

“Dù sao vẫn thấy đang là tốc độ vươn lên của 1 con rồng, không kém những gì đội tuyển bóng đá Việt Nam đã thể hiện thời gian qua”, giám đốc World Bank Việt Nam nhận định.