Xây niềm tự hào

Raymond B. Tribdino (*) - 08:00, 22/01/2023

TheLEADERHình ảnh những chiếc xe ô tô VinFast mang trên mình chữ V đầy tự hào lăn bánh trên đường phố Hoa Kỳ sẽ khởi đầu cho một hành trình đi xa hơn, nhanh hơn và chắc chắn hơn của những giấc mơ mang tên Việt Nam.

Xây niềm tự hào
Lễ xuất khẩu xe ô tô điện VinFast

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Sáng sớm ngày 25/11/2022 là thời khắc lịch sử khi con tàu chở 999 chiếc ô tô VF8 thuộc lô hàng đầu tiên trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast toàn cầu dời Hải Phòng tiến sang Mỹ - thị trường cạnh tranh bậc nhất thế giới. Hình ảnh hàng nghìn chiếc ô tô xếp hàng dài đợi lên tàu vốn đã quen thuộc ở Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc được lan truyền với tốc độ chóng mặt trong niềm tự hào của hàng triệu người dân Việt Nam và sự thán phục của giới truyền thông quốc tế.

Sự kiện đánh dấu bước tiến đặc biệt của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam khi lần đầu tiên xuất khẩu những sản phẩm công nghệ cao do Việt Nam làm chủ và sản xuất. Để làm nên sự tự hào đó là một hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ cùng với tầm nhìn và chiến lược của những người Việt mang trong mình giấc mơ lớn.

Tháng 9/2022, tôi cùng nhiều nhà báo và người có tầm ảnh hưởng quốc tế được mời tham dự Vingroup Elite Vietnam Tour, một chương trình thể hiện sự nỗ lực của VinFast để củng cố thêm niềm tin của công chúng toàn cầu về thương hiệu đầu tiên ghi danh Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Không dành quá nhiều lời để thuyết phục chúng tôi về tính khả thi của những chiếc xe điện VF8 và VF9 cùng tiềm năng cạnh tranh với Tesla, Ford, Chevrolet, BMW, Audi hay bất kỳ thương hiệu xe điện lâu đời nào khác, họ cho chúng tôi lái thử các mẫu xe điện trong một không gian được chuẩn bị chu đáo và kiểm soát nghiêm ngặt tại khu nghỉ dưỡng Vinpearl Nha Trang.

Nhưng Vingroup Elite Vietnam Tour không chỉ được tổ chức cho buổi lái thử xe điện. Trên thực tế, chúng tôi chỉ dành khoảng bốn tiếng trong tổng số năm ngày có mặt tại Việt Nam để trải nghiệm xe điện VinFast.

Phần lớn thời gian được dành để tham quan các dự án bất động sản của Vingroup; trò chuyện với giảng viên và sinh viên tại trường đại học VinUni; tìm hiểu quy trình sản xuất xe điện ở xưởng sản xuất khung, xưởng ép nhựa, xưởng sơn và xưởng lắp ráp, cùng với đó là các trạm đổi/sạc pin. Sau đó, chúng tôi được trò chuyện với lãnh đạo cấp cao của tập đoàn và hiểu về hệ sinh thái toàn diện đã làm nên VinFast ngày hôm nay.

Chúng tôi có nhiều thời gian để thảo luận về những gì diễn ra đằng sau “binh đoàn” 1.200 robot trong xưởng lắp ráp, thời gian nghiền 10 giây tại xưởng ép nhựa, dung sai 0,01 micron với các tấm ép, quá trình hàn tự động của hơn 1.000 mảnh bảng điều khiển và lắp ráp 6.000 bộ phận để tạo ra 38 ô tô mỗi giờ với công suất 250.000 xe mỗi năm.

Tiếp đó là cuộc trò chuyện tại nhà máy lắp ráp pin, nơi VinFast ứng dụng công nghệ hiện đại nhất khi lắp ráp đồng thời nhiều mẫu xe trên cùng một dây chuyền thay vì dùng các dây chuyền lắp ráp riêng lẻ. Trên thực tế, thứ duy nhất không được sản xuất trong nhà máy có quy mô 365 ha là những con chip, ghế ngồi, đầu nối điện và lốp xe.

Chuyến đi này thực sự giúp chúng tôi hiểu rõ tư duy và văn hóa của cả tập đoàn, chứ không chỉ riêng công ty chế tạo ô tô hay chính chiếc xe đó.

Nhưng tại sao không tập trung vào buổi lái thử xe?

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch đương nhiệm Vingroup, Chủ tịch VinFast khiêm tốn chia sẻ trong buổi gặp gỡ: “Ngoài Việt Nam thì chúng tôi vẫn còn là một thương hiệu vô danh. Ngay cả ở đây, ngay từ đầu, chúng tôi cũng đã phải thuyết phục người Việt về sự ra đời của VinFast. Chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Chúng tôi tham gia Triển lãm Paris Motor Show 2022 trước hết nhằm chứng minh cho thị trường Việt Nam và thực sự chúng tôi đã làm rất tốt việc quảng bá hình ảnh của những chiếc xe VinFast trên trường quốc tế. Những chiếc xe hoàn thiện và lăn bánh là kết quả của tất cả những nỗ lực nhưng thứ chúng tôi nghĩ đến trước khi tiến hành sản xuất chắc chắn là chất lượng và tính vượt trội”.

Xây niềm tự hào
Bà Lê Thị Thu Thủy - Phó chủ tịch Vingroup, Chủ tịch VinFast trong một sự kiện của VinFast.

VinFast với tuổi đời ba năm có thể được coi là một công ty khởi nghiệp. Tính độc đáo trong quá trình vận hành đặc biệt thấy được qua tốc độ mà họ hiện thực hóa ý tưởng.

Tuy nhiên, đối với VinFast, điều quan trọng là những con người đằng sau một chuỗi những nỗ lực không ngừng nghỉ từ ý tưởng, chế tạo cho đến thử nghiệm để mang lại những trải nghiệm xuất sắc ngay từ những điểm chạm đầu tiên. Tất nhiên, không thể tránh khỏi một vài vấn đề phát sinh trong quá trình đó nhưng khi chiến lược đã được thiết lập, kế hoạch đã được triển khai và cỗ máy đã vào guồng thì không gì có thể cản bước.

Rõ ràng, niềm tin vào thương hiệu được xây dựng nhờ vào triết lý của người lãnh đạo và văn hóa của doanh nghiệp. Nhiều bài học mà các công ty khởi nghiệp và doanh nhân trẻ có thể học hỏi từ hành trình của VinFast chỉ từ những bước đi chập chững ban đầu đến thương hiệu xuất khẩu xe ô tô điện có thể đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính nhất nhì thế giới - California ở khu vực Bắc Mỹ; Đức, Pháp và Hà Lan ở châu Âu.

Tầm nhìn cách tân

Quan sát nhanh bằng mắt thường thì có thể thấy cách VinFast làm ra các dòng xe của mình cũng chỉ là lấy một bộ khung rồi lắp động cơ vào, tải lên phần mềm và gắn pin, rồi bơm căng bốn lốp xe, thế là xong.

Nhưng trên thực tế, mọi thứ phức tạp và đặc biệt hơn rất nhiều. Ước mơ sản xuất ô tô và xe máy cho người Việt của doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam xuất phát từ ý tưởng xây dựng hệ sinh thái toàn diện về nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bán lẻ cho người dân sinh sống trên đất nước hình chữ S. Vingroup đã xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện, cửa hàng bán lẻ... Phương tiện đi lại chính là mảnh ghép hoàn hảo và cũng là sợi dây gắn chặt hệ sinh thái này.

Khi ý tưởng đã được thực hiện, công ty lại hướng đến một tương lai thậm chí còn hoàn thiện hơn, trong đó, tính bền vững được đặt ở vị trí lõi và họ bắt đầu nghĩ đến các phương tiện chạy bằng điện.

“Vingroup luôn có tầm nhìn về một tương lai tốt đẹp hơn. Những chiếc xe điện chúng tôi thiết kế và tạo ra chỉ là một phần của tầm nhìn đó”, bà Thủy chia sẻ.

Nhanh mà chắc

Kể từ khi khởi công nhà máy tại huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) vào tháng 9/2017, VinFast thu hút ánh nhìn của cả ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam với sự lo lắng và hoài nghi. Làm sao một “gã” chỉ với chút ít nếu không muốn nói là chẳng có chút kinh nghiệm nào trong việc sản xuất ô tô lại có thể mang xe ra trình làng. Thế nhưng, sự nghi ngờ đã chuyển sang bất ngờ khi chiếc xe hơi đầu tiên của VinFast được lăn bánh chỉ sau 21 tháng trong khi thông thường các hãng mất tới 3-5 năm để làm được điều đó.

Khi VinFast làm được điều tưởng chừng không thể, sự hoài nghi chuyển hướng sang doanh thu bán hàng và dịch vụ hậu mãi. Thực sự là đã có một số vấn đề phát sinh với những chiếc xe đầu tiên nhưng VinFast đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó thông qua việc đào tạo về dịch vụ bảo hành, triệu hồi những xe bị lỗi và có biện pháp khắc phục gần như ngay lập tức.

Đây thực sự là một bài học sâu sắc cho các công ty khởi nghiệp. Trong thị trường vô số những ý tưởng mới lạ đang muốn nhanh chóng tiếp cận người dùng, việc phát triển nhanh cần đi đôi với thận trọng. Tư duy “nhanh mà chắc”, “làm đúng ngay từ đầu” sẽ là chìa khóa thành công.

Nhà quản trị giỏi biết dùng người giỏi hơn mình

Các nhà sáng lập thường e ngại những người giỏi hơn mình vì sợ mất vị thế trong tổ chức. Tuy nhiên, VinFast tin rằng, ở mọi cấp độ, việc tận dụng người tài cũng như những người có ý thức và thái độ tốt trong công việc là một trong những chìa khoá cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Trước khi được bổ nhiệm làm CEO VinFast toàn cầu, bà Thủy đồng thời trên cương vị Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã có nhiều năm kinh nghiệm đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ, đầu tư tài chính và quan hệ quốc tế.

Đổi lại, chính sách tuyển dụng của riêng bà Thuỷ đối với các lãnh đạo cấp cao không chỉ nằm ở khả năng mang đến làn gió mới cho doanh nghiệp mà còn phải hành động một cách quyết đoán. Sức mạnh tổng hợp của những con người xuất sắc như vậy mới có thể đưa VinFast trở thành một thương hiệu xe điện toàn cầu.

“Học hỏi từ những người có kinh nghiệm hơn không chỉ mang tính giáo dục mà còn giúp tạo ra nhiều giá trị”, nữ lãnh đạo nói.

Xây niềm tự hào 1
VinFast VF8

Biến chỉ trích và hoài nghi thành cơ hội

Một vấn đề mà cả hệ sinh thái VinFast phải đối mặt từ những ngày đầu là hàng loạt chỉ trích và hoài nghi về giấc mơ quá đỗi to lớn so với năng lực của một “tay chơi mới”.

Trả lời truyền thông quốc tế trong buổi gặp mặt, bà Thủy cho biết, sự hoài nghi đó là điều dễ hiểu. Với lãnh đạo VinFast, tất cả những lời chỉ trích, cho dù tồi tệ nhất, đều là ý kiến có tính xây dựng và bất kỳ sự hoài nghi nào cũng đều là cơ hội để doanh nghiệp trở nên tốt hơn.

Vì vậy, khi đối diện với sự nghi ngờ từ chính người Việt thì VinFast lại càng có động lực để hiện diện trên trường quốc tế. Thông qua những gì đã trình làng tại các sự kiện lớn như Paris Motor Show và Los Angeles Auto Show, VinFast đã chứng minh cho họ thấy về một thương hiệu Việt Nam mang đẳng cấp thế giới. Kết quả là gì? Hoài nghi chuyển thành sự săn đón khi thống kê cho thấy VinFast sở hữu dòng xe bán chạy nhất Việt Nam vào năm ngoái.

Không ngại để người tài ra đi

VinFast đã không che giấu sự thật rằng trước bà Thuỷ thì vị trí CEO liên tục đổi chủ – tất cả đều là người nước ngoài. Họ là những người dày dạn kinh nghiệm và đã góp phần rất lớn vào sự phát triển của công ty.

Giữa tháng 6/2022, bốn nhân sự cấp cao của VinFast đã thôi việc tại công ty. Hai trong số giám đốc đã từ chức vì lý do cá nhân. Trước đó, CEO VinFast toàn cầu Michael Lohscheller cũng xin từ nhiệm và trở về châu Âu sau năm tháng cầm cương vì lý do cá nhân. Điều này dường như cũng chẳng tạo cú sốc bất ngờ gì với VinFast.

Điều chỉnh nhân sự là thông lệ quản trị phổ biến trên thế giới, VinFast cũng không ngoại lệ. Những người đã rời đi, dù vì lý do gì, đều đã đóng góp cho VinFast và đều nhận được tri ân xứng đáng từ công ty.

“Khi đến lúc phải buông tay, nhân sự sẽ ra đi trong vinh dự. Với tất cả doanh nghiệp, không riêng gì VinFast, sự thay đổi là điều bắt buộc trên hành trình không ngừng tiến về phía trước”, bà Thủy bày tỏ.

Kết thúc là sự khởi đầu

Đây có vẻ không phải là một lời khuyên tốt, nhưng đó là một thông lệ tại Vingroup để hướng đến đổi mới thay vì chỉ để tồn tại.

Từ năm 2019, Vingroup lần lượt rút khỏi các mảng bán lẻ, nông nghiệp, hàng không, điện thoại và tivi, mặc dù từng đặt ra nhiều tham vọng, để tập trung cho ưu tiên cốt lõi là sản xuất ô tô.

Đầu năm 2022, VinFast thông báo ngừng sản xuất các mẫu ô tô sử dụng động cơ đốt trong, chạy bằng xăng như VinFast Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0 đang phân phối tại Việt Nam. Công ty tập trung vào chiến lược thuần điện, tập trung phát triển dải sản phẩm xe điện thông minh, thân thiện với môi trường và thúc đẩy cuộc cách mạng xe điện toàn cầu.

“Việc rút lui khỏi một lĩnh vực để chuyển sang phát triển lĩnh vực tiếp theo không hề là một sự bỏ cuộc” nữ lãnh đạo Vingroup nói.

Kết thúc buổi trò chuyện với CEO VinFast toàn cầu cũng là lúc kết thúc chuyến đi 5 ngày đến Việt Nam. Khi được hỏi về tâm thế đối diện với thất bại khi đang bước vào cuộc chiến cam go mà một tay chơi mới như VinFast sẽ phải đối mặt tại những thị trường nổi tiếng khắt khe vẫn còn nhiều hoài nghi, bà Thủy không ngần ngại trả lời: “Nếu biết cách tận dụng, thất bại sẽ là cơ hội. Chúng tôi không sợ thất bại, chúng tôi sẵn sàng đón nhận thất bại để trở nên tốt hơn”.

(*) Raymond B. Tribdino là nhà báo người Philippines. Ông từng là cây viết cho: BusinessWorld mảng nông nghiệp, địa chính trị, giao thông và năng lượng; Philippine Daily Inquirer về ô tô và công nghệ; CleanTechnica mảng xe điện và năng lượng. Từng làm phát thanh viên từ năm 2006, hiện ông cũng đang làm host của hai chương trình trực tuyến tại Philippines mang tên “Tech Sabado” và “Today is Tuesday”.

Bên cạnh báo chí, ông cũng từng hoạt động ở một số lĩnh vực khác như làm Giám đốc Sales và marketing của Nissan Philippines, khởi nghiệp với dự án inteGREAT; giảng viên tại trường Đại học Phụ nữ Philippines…