Leader talk
Xây quốc gia thịnh vượng: Hành trình cảm hứng không điểm dừng
Nền tảng thể chế vững mạnh, tinh thần dân tộc mãnh liệt, và năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia vượt trội là những động lực cơ bản Việt Nam cần dốc lòng xây dựng và phát huy để tạo nên sức mạnh phi thường đưa đất nước tiến nhanh trên hành trình đi đến phồn vinh.
Từ sau Đại Hội Đảng XII vào tháng giêng năm 2016, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng về cả nỗ lực và tầm nhìn. Sự tự tin vào khả năng Việt Nam có thể tạo nên kỳ tích phát triển trong các thập kỷ tới ngày càng được nâng cao trong xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và lớp trẻ.
Ngày 2/9/2045, trong bản Tuyên ngôn Độc lập của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” Những lời hào hùng đầy khí phách dân tộc này đã thôi thúc các thế hệ người Việt Nam không tiếc máu xương trong suốt ba thập kỷ, làm nên những chiến thắng phi thường và đem lại nền độc lập thống nhất vững bền cho đất nước từ năm 1975.
Thấm đẫm tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9/2045, thế hệ người Việt Nam hôm này có thể khẳng định: “Một dân tộc đã chấp nhận muôn vàn hy sinh mất mát để giành lại nền độc lập tự do trong suốt hàng ngàn năm lịch sử của mình, một dân tộc đã quả cảm cải cách để bước lên hàng đầu trong dòng chảy thời đại trong mấy thập kỷ đổi mới vừa qua, dân tộc đó phải được phồn vinh! Dân tộc đó phải được hùng cường!”
Chúng ta cũng sẽ có ba thập kỷ để làm nên những kỳ tích làm kinh ngạc thế giới và đưa Việt Nam đến phồn vinh, hùng cường vào năm 2045. Và kỳ lạ thay, 2045 cũng chính là năm chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Ba động lực chủ đạo cho Việt Nam đi đến tương lai thịnh vượng là nền tảng thể chế vững mạnh, khát vọng dân tộc mãnh liệt, và năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia vượt trội.
Xây dựng nền tảng thế chế có tính tiên quyết. Một thể chế vững mạnh thôi thúc tất cả, từ cán bộ nhà nước đến người dân, từ doanh nhân đến người lao động dốc hết sức mình theo đuổi ham muốn mình lựa chọn – ích nước, lợi nhà, với niềm tin được tưởng thưởng xứng đáng cả về vật chất và tinh thần.
Một thể chế vững mạnh, đặc trưng bởi một bộ máy công quyền ưu tú cũng giúp vạch ra một tầm nhìn khai sáng trên hành trình đưa dân tộc đi đến phồn vinh và tạo nên sức mạnh phối thuộc - tổng lực trong toàn xã hội. Chính nền tảng thể chế vững mạnh này sé giúp loại bỏ rất nhiều những hành vi làm tổn hại công cuộc phát triển, đặc biệt là tham nhũng, gian dối, và chụp giật.
Khát vọng dân tộc mãnh liệt, đặc biệt trong đội ngũ doanh nhân - những người đứng mũi chịu sào trong kiến tạo nên của cải cho xã hội, có vai trò cực kỳ quan trọng. Khát vọng dân tộc, nếu được thấm nhuần tinh thần khai sáng và ý chí học hỏi sẽ trở thành nguồn năng lượng nội sinh tiềm tàng và sống động cho toàn bộ công cuộc phát triển.
Năng lực đổi mới sáng tạo giúp cho một quốc gia làm chủ và phát huy được sức mạnh thần kỳ của tri thức nhân loại và tinh hoa thời đại. Một quốc gia không thể làm nên kỳ tích phát triển nếu không có năng lực đổi mới sáng tạo vượt trội. Định đề này càng mang một ý nghĩa sống còn khi nhân loại đang tiến những bước vũ bão vào kỷ nguyên số với những đổi thay bước ngoặt trong ba thập kỷ tới.
Xây dựng một xã hội phồn vinh - thịnh vượng là một hành trình đi lên không có điểm dừng. Nó đòi hỏi không chỉ lao động và tri thức mà cả cảm hứng và ý thức sứ mệnh. Điều cần nhấn mạnh là, dù ở chặng nào của hành trình này, một dân tộc cũng dễ mắc phải những cạm bẫy làm mình mất đi khả năng vượt để rồi loay hoay trong vị thế hiện tại cả nhiều thế kỷ.
Trong khi các nước nghèo mắc vào cạm bẫy thu nhập thấp do thiếu những điều kiện nền tảng cho phát triển, từ hạ tầng đến ổn định vĩ mô, từ nguồn nhân lực đến sự vận hành lành mạnh của nền kinh tế thị trường; cạm bẫy mức thu nhập trung bình giữ các nước đã vượt qua nghèo khó không thể đi tiếp tới phồn vình vì ba động lực nêu ở trên – thể chế, ý chí dân tộc, và năng lực đổi mới sáng tạo, không đủ mạnh. Đây cũng chính là nguy cơ mà Việt nam phải hết sức chú tâm trong chặng đường ba mươi năm phía trước.
Cần lưu ý thêm rằng, thu nhập cao cũng là một cạm bẫy. Nhiều nước khi đạt đến mức độ phát triển này đã coi nhẹ nỗ lực nâng cấp cả ba động lực căn bản kiến tạo sự thịnh vượng nói trên. Vì vậy, nỗ lực xây dựng sức mạnh nội sinh trên cả ba động lực nền tảng thể chế, khát vọng dân tộc, và năng lực đổi mới sáng tạo sẽ không chỉ có tính sống còn cho Việt Nam trong thoát bẫy thu nhập trung bình trong ba thập kỷ tới mà cả cho chặng đường dài trong nửa sau của thể kỷ 21.
Trong hành trình xây dựng một quốc gia thịnh vượng, giới doanh nghiệp, doanh nhân đóng vai trò hết sức quan trọng. Có thể nói, doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh khá nhanh trong ba thập kỷ đổi mới vừa qua nhờ hội nhập nhanh với thế giới, nắm bắt cơ hội nhạy bén, và tận khai thác lợi thế cạnh tranh của đất nước, đặc biệt là vị trí chiến lược, nguồn nhân lực dồi dào, và xu thế đổi mạnh mẽ của đất nước.
Tuy nhiên, nỗ lực nâng cấp lên đẳng cấp thế giới của doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế do còn coi nhẹ yếu tố thông tuệ. Trong khi thông minh là thế mạnh của doanh người Việt Nam, nó thường bị thiên lệch về hướng nắm bắt cơ hội ngắn hạn, mở rộng nhanh chóng nhưng không có chiều sâu, đạt được kết quả về lượng nhưng còn hạn chế về chất.
Ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của thông tuệ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam sắc bén hơn trong lựa chọn chiến lược, thấu hiểu hơn những thách thức cốt tử phải vượt qua và mạnh mẽ hơn trong nỗ lực xây dựng nền tảng hệ sinh thái cho công cuộc phát triển lâu dài. Khai thác lợi thế thông minh và ý thức nâng tầm thông tuệ sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp đã có nhiều thành công lớn tránh được nguy cơ ngủ quên trên chiến thắng do mất đi khả năng lắng nghe lời ngay thẳng để tự xem lại mình và ý thức kiến tạo giá trị mới.
Điều đáng chú ý là, các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp đã có những thành công xuất sắc, vẫn chưa ý thức cải biến minh thành một chỉnh thể xuất sắc, chói sáng về tầm nhìn tương lai và những bước đi quả cảm và thông tuệ làm thôi thúc lòng người.
Cần cân bằng bốn trụ cột của cải cách
Tiến bộ của Việt Nam trong ba năm qua là ấn tượng, không chỉ ở chỉ số kinh tế mà cả ở nỗ lực học hỏi, đổi mới ở cấp doanh nghiệp và địa phương. Tuy nhiên, công cuộc đổi mới, về cơ bản, dường như mới chỉ mạnh thêm trong mô hình cũ chứ chưa tạo ra sự bứt phá để đưa công cuộc phát triển của Việt Nam thực sự cất cánh để đi vào quỹ đạo tăng trưởng cao hơn cả về chất và lượng, chưa tạo được lực đẩy cho doanh nghiệp cùng đi lên. Cản trở lớn nhất cho nỗ lực cải cách cần thiết cho sự bứt phá này nằm ở cả chiến lược cải cách và thiết kế thực thi chiến lược.
Trong chiến lược cải cách, Đảng và Chính phủ cần chú trọng nâng tầm chiến lược trong nhận thức trên cả ba trọng tâm lớn của cải cách khi chúng ta chuyển từ Đổi mới 1 (1986 - 2015) sang Đổi mới 2 (2016 - 2045).
Về tư duy, Đổi mới 1 chú trọng “thức dậy” để hiểu rõ qui luật và thoát khỏi đói nghèo trong khi Đổi mới 2 đòi hỏi sự “trỗi dây” để nắm bắt nhạy bén và triệt để các xu thế thời đại để kiến tạo tương lai thịnh vượng. Về cơ chế, Đổi mới 1 thúc đẩy “cởi trói” và “phá rào” trong khi Đổi mới 2 đặt ra yêu cầu xây dựng nền tảng thế chế cho một xã hội hiện đại phồn vinh. Về hành động, Đổi mới 1 khích lệ “hội nhập” và “thích ứng” trong khi Đổi mới 2 xác lập quyết tâm đưa đất nước đến một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.
Trong thiết kế thực thi chiến lược, Đảng và Chính phủ cần nhận thức rõ cả bốn trụ cột của công cuộc phát triển gồm thị trường, con người, thể chế và văn hóa. Đổi mới 1 đã tạo nên những bước tiến rất lớn về thị trường và con người. Tuy nhiên, hai trụ cột “thể chế”, và “văn hóa” còn chưa có bước tiến xứng tầm, thậm chí có mặt sa sút nghiêm trọng, thể hiện ở việc tham nhũng trầm trọng, tệ nạn mua quan bán chức, và sự mất mát lòng tin vào cộng đồng.
Doanh nghiệp chưa hết lòng hết sức, phải tranh thủ chính quyền để kiếm cơ hội chứ chưa có sự thôi thúc đi lên trong khi hệ thống Chính quyền đáng ra phải là người yểm trợ, là hậu phương cho doanh nghiệp chiến đấu. Một thể chế tốt cần góp ý khi doanh nhân bắt đầu có những bước đi sai lệch, cần thúc đẩy và giữ vai trò tập hợp thay vì cai quản, gây khó khăn. Doanh nghiệp và Chính quyền cần như con ong và cây hoa gắn bó với nhau, tạo nên một hệ sinh thái thay vì truy đuổi lẫn nhau tạo nên sự sợ hãi, mất tin cậy.
Đổi mới 2 cần có tạo sức đột phá lớn trong hai trụ cột trọng yếu này, trong đó xây dựng bộ máy công quyền ưu tú là ưu tiên hàng đầu. Nếu coi nhẹ cải cách trên hai trụ cột trọng yếu này, thì các nỗ lực cải cách về “thị trường” và “con người” có mạnh mẽ đến đâu cũng không thể đưa công cuộc phát triển của Việt Nam đạt được những thành quả xứng tầm.
Không chú ý vào thể chế và văn hoá thì con người có giỏi thêm, thị trường có mở rộng thêm với nhiều hiệp định thương mại tự do cũng không đẩy lên được nữa. Bốn trụ cột phải đồng bộ, phải nâng cấp về văn hoá để tạo nên tình đồng bào, đồng chí, sự gắn bó của hệ sinh thái.
Năm nguyên tắc lớn quyết định tầm vóc của cải cách
Thứ nhất, sự minh bạch cần được coi là bước đầu tiên, làm nền tảng cho mọi nỗ lực cải cách. Bật đèn sáng lên, cái xấu sẽ giảm đi căn bản, cái tốt sẽ có thể chung sức với Chính phủ loại bỏ cái xấu. Muốn hiệu quả thì phải tạo môi trường sạch sẽ, nuôi lớn các tráng sỹ để những thế lực xấu xa suy yếu và tiêu biến một cách tự nhiên theo thời gian.
Thứ hai, luôn tìm mọi cách khai thác công nghệ thông minh để giải tất cả các bài toán gặp phải, đặc biệt là các bài toán khó. Công nghệ thông tin cần được xem là công cụ đắc lực để minh bạch hoá mọi thông tin, tạo cơ chế giám sát mà người thực thi là toàn xã hội.
Cần lưu ý, công nghệ cần được dùng nhiều nhưng ý chí chính trị mới là điều quan trọng vì chừng nào vẫn còn một ánh sáng lờ mờ là chắc chắn chừng đó còn có người vụ lợi.
Về nguyên tắc thứ ba, mọi trở lực nếu tồn tại dai dẳng chắc chắn có người được lợi rất nhiều từ nó. Loại bỏ trở lực cần tính đến nhóm lợi ích này trên ba phương diện: không thể (cơ chế minh bạch - chặt chẽ), không dám (trừng phạt rất nặng), và không muốn (lợi ích từ nỗ lực chân chính lớn hơn lợi ích từ vụ lợi cá nhân).
Thứ tư, cần dựa vào dân và nguồn lực xã hội trong mọi nỗ lực cải cách, vượt qua khó khăn. Câu chuyện Thánh Gióng của Việt Nam có ba hàm ý chiến lược rất đặc sắc mà cha ông chúng ta đã gửi gắm lại cho các thế hệ sau. Một là, đứng trước những thách thức sống còn, phải dựa vào dân. Hai là, cần tin vào sức mạnh phi thường sẽ xuất hiện từ trong dân khi đất nước thực sự cần đến. Ba là, để làm nên một kỳ tích, phải có sức mạnh cộng hưởng của toàn dân. Chỉ khi người dân nô nức ủng hộ và kỳ vọng vào sức mạnh phi thường của con em mình, Việt Nam mới có thể làm kỳ tích.
Và nguyên tắc cuối cùng, cần căng mắt đại bàng của trí tuệ để tham khảo kinh nghiệm hay nhất của thế giới trong mọi lĩnh vực là cách đi ngắn nhất trong hành trinh phát triển. Các nền kinh tế thần kỳ châu Á đều đặc biệt coi trọng nguyên tắc này trong chặng đường đi lên của mình.
Theo nguyên tắc này, khi gặp một bài toàn khó hay một thách đố trong công cuộc phát triển, từ cải cách giáo dục đến xây tàu điện ngầm, từ chống tham nhũng đến xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, lãnh đạo đất nước cần đặt ra ba câu hỏi căn bản trước khi đi đến quyết định hành động: (i) kinh nghiệm hay nhất của thế giới trong giải bài toán này là gì? (ii) Công nghệ thông tin có thể giúp gì trong vượt qua thách đố này; và (iii) Thế giới đang và sẽ xuất hiện những xu thế và cơ hội nào để giúp việc giải bài toán này dễ dàng và căn bản hơn các cách tiếp cận truyền thống.
Bảy đề xuất cụ thể
Thứ nhất, tất cả các ngành kinh tế và cụm ngành cùng các địa phương và vùng cần xây dựng chiến lược phát triển hướng đến 2030 và 2045. Đứng đầu mỗi nhóm chiến lược cần có đại diện Chính quyền, doanh nghiệp hàng đầu, và chuyên gia có kinh nghiệm.
Thứ hai, Chính phủ khi tiến hành các chương trình lớn như cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển thành phố thông minh, đổi mới giáo dục, nên tham khảo kỹ các báo cáo phân tích chiến lược của chuyên gia thay vì hoàn toàn dựa vào các báo cáo nội bộ từ bộ ngành.
Thứ ba, nỗ lực cải cách sâu rộng nên bắt đầu từ việc giải quyết triệt để các bài toán khó và nổi cộm nhất. Chẳng hạn, giám sát hỗ trợ các dự án đầu tư công hoặc việc thanh tra các doanh nghiệp. Sử dụng sâu rộng chính phủ điện tử theo nguyên tắc minh bạch tối đa, làm rõ người chịu trách nhiệm, và để toàn dân giám sát thì mọi việc sẽ đơn giản đi rất nhiều. Mọi hoạt động đều có hồ sơ số và hiển thị bằng biểu đồ để lãnh đạo luôn được cập nhật.
Theo cách này, Văn Phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng và Văn Phòng Quốc hội có thể biết hàng ngày các dự án đầu tư công tiến triển ra sao, doanh nghiệp nào được ai thanh tra, mất bao nhiêu lâu, kết quả thế nào. Trên cơ sở thông tin thông suốt này, địa phương và bộ ngành có vấn đề, chẳng hạn như tiến độ giải ngân chậm hoặc quá nhiều doanh nghiệp bị thanh tra, sẽ phải giải trình hàng quý và nêu rõ phương hướng khắc phục trong quý tiếp theo.
Thứ tư, Thủ tướng tham khảo kinh nghiệm cải cách chính phủ của Singapore năm 1981. Theo cách này, Thủ tướng đề nghị chuyên gia cùng đại diện Bộ ngành làm Báo cáo phân tích điểm mạnh yếu của cơ cấu tổ chức của chính phủ hiện nay, tham khảo tối đa kinh nghiệm quốc tế, và đề xuất mô hình chính phủ lý tưởng mà Việt Nam có thể tham khảo nhằm tạo nên sức mạnh tổng lực.
Thứ năm, Chính phủ nên đặt hàng làm các báo cáo đánh giá các quan hệ đối tác kinh tế chiến lược, đặc biệt là Việt Nam - Singapore, Việt Nam - Hoa kỳ, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc và Việt Nam - Trung quốc để nhận thức thật sâu sắc hiện trạng, tiềm năng, các kinh nghiệm hay, tấm gương tốt, và các khuyến nghị cần thực hiện để nâng tầm các quan hệ này. Với các báo cáo này, Việt Nam có thể làm các đối tác lớn kinh ngạc về tầm nhìn và nỗ lực học hỏi của mình.
Thứ sáu, Chính phủ phối hợp với dân tạo nên mạng lưới trạm quan trắc rộng khắp trên cả nước nhằm giảm sát chất lượng không khí và nguồn nước. Coi đây là tài sản lớn của quốc gia và mong toàn dân cùng Chính phủ hết sức giám sát giữ gìn. Thông tin này được công khai theo từng giờ và mọi người dân có thể dùng điện thoại di động để theo dõi.
Thứ bảy, Chúng ta cần huy động sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn cho công cuộc phát triển. Đặc biệt các nguồn lực vô giá từ di sản quá khứ, chẳng hạn các bài hát cách mạng, cần được khơi dậy, khai thác. Kinh nghiệm của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy bài “Tự Nguyện” của nhạc sỹ Trần Quốc Khánh có thể cải sửa thành Bài ca Doanh nhân. Với cách đi này, mỗi nhạc sỹ thời kỳ chiến tranh sẽ vẫn cùng đóng góp và đồng hành với thế hệ tương lai trong hành trình đưa đất nước đến phồn vinh, hùng cường.
Thay lời kết
Việt Nam đang đứng trước những vận hội vô giá cho công cuộc phát triển. Hành trinh đi đến phồn vinh đang đứng trước những thuận lợi chưa từng có. Tuy nhiên, để đi tới một tầm nhìn khát vọng, vấn đề đầu tiên và có tính nền tảng không phải là nắm bắt cơ hội mà là nhận diện rõ các thách thức cốt tử và có được quyết tâm và phương cách chiến lược để vượt qua. Nặng về cơ hội, coi nhẹ thách thức sẽ dễ sa vào lạc quan thái quá và có thể gặp khó khăn không thể vượt qua trong chặng đường dài đầy chông gai phía trước.
Thấu hiểu sâu sắc bốn trụ cột, năm nguyên tắc, và bảy kiến nghị trình bày trong bài viết này giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện và cụ thể cho các thiết kế chiến lược mà Việt Nam cần chú trọng trong hành trình đi đến phồn vinh rất vẻ vang phía trước của mình.
Bài viết đã được đăng tải trên đặc san DOANH NHÂN VIỆT: VÌ MỘT VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG. Để đặt mua, xin liên hệ Toà soạn TheLEADER.vn
Hà Nội: Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ - Điện thoại: 024 3244 4359
TP. HCM: 102D Lê Thị Riêng (Lầu 6), phường Bến Thành, Quận 1 - Điện thoại: 08867 08817
Dân tộc nhiều doanh nhân, quốc gia càng thịnh vượng
Kinh doanh "đình trệ", Pomina gấp đôi lỗ lũy kế
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh hay lựa chọn đạo đức?
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?
Là đối tác chiến lược toàn diện: Thương mại Việt Nam - Malaysia có cất cánh?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nền giáo dục hạnh phúc tạo ra cộng đồng hạnh phúc
Trọng tâm của giáo dục đang thay đổi, theo Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, hướng tới phát triển con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cộng đồng.
Gen Z: Làn gió mới của thị trường bất động sản và cách hoá giải thách thức quản trị
Thấu hiểu con người và tâm tư của nhân sự trẻ để tạo môi trường giúp họ phát huy tối đa tiềm năng là chìa khóa giúp doanh nghiệp vươn xa.
Bộ quy tắc đạo đức mới quyết định tương lai môi giới bất động sản
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản vừa được công bố đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng ngành môi giới chuyên nghiệp, bền vững.