Xu hướng du lịch năm 2021

Quỳnh Chi - 10:56, 25/02/2021

TheLEADERNhững xu hướng đang hình thành cần được xem xét một cách cẩn trọng như là nền tảng cơ sở cho bất kì phương án sản phẩm – dịch vụ hay chiến dịch truyền thông tiếp thị nào được đưa ra trong giai đoạn tiếp theo nếu các doanh nghiệp du lịch muốn vực dậy và thấu hiểu khách du lịch trong tương lai.

Xu hướng du lịch năm 2021
Covid-19 khiến xu hướng du lịch thay đổi

Ngành du lịch trong năm 2020 bị ảnh hưởng bởi bốn tác động chính về vắc-xin, chính sách du lịch của các nước, kinh tế và môi trường. Covid-19 đã làm kéo dài ảnh hưởng của những tác động này lên ngành du lịch Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc tạo nên xu hướng du lịch Việt trong năm 2021. 

Dưới sự ảnh hưởng của bốn yếu tố này, báo cáo "Xu hướng du lịch Việt Nam năm 2021" của Outbox Consulting chỉ ra bốn nhóm về xu hướng du lịch, xu hướng lập kế hoạch và đặt dịch vụ, xu hướng công nghệ và xu hướng điểm đến.

Xu hướng du lịch

Du lịch theo hướng giãn cách xã hội để thích nghi với tình hình được nhận định sẽ là trào lưu năm 2021. Trước Covid-19, việc khám phá một thành phố đông đúc, lang thang qua các khu chợ nhộn nhịp, thưởng thức bữa tối tại quán rượu với người dân địa phương và tham quan các điểm du lịch hấp dẫn… là những trải nghiệm rất thú vị đối với du khách Việt. Tuy nhiên, những hạn chế trong mùa dịch đã khiến cho cách thức đi du lịch của du khách phải thay đổi.

Du khách theo xu hướng du lịch giãn cách xã hội sẽ lựa chọn các điểm đến vắng vẻ gần với nơi mình sinh sống để có thể tự sắp xếp chuyến đi nhưng vẫn đảm bảo được an toàn trước tình hình dịch bệnh.

Sự chuyển dịch này thúc đẩy những nhà cung cấp trong ngành cần có những kế hoạch tiếp cận và thiết kế những sản phẩm có khả năng đáp ứng được các nhu cầu du lịch của nhóm du khách này.

Du lịch theo nhóm nhỏ là cách các du khách đi theo tour thích ứng với bối cảnh hiện tại. Khác với năm 2019, một tour du lịch thông thường có đến 20 – 30 người, du lịch theo tour trong năm 2021 sẽ có quy mô nhỏ hơn nhằm hạn chế rủi ro lây lan của dịch bệnh. Việc đến các điểm đến nổi tiếng đông đúc đang ngày càng bị hạn chế, thay vào đó là các nhu cầu về việc đi du lịch nhưng vẫn đảm bảo an toàn về sức khoẻ.

Chính xu hướng này cũng thúc đẩy các đại lý du lịch cần phải sáng tạo hơn trong việc thiết kế các hành trình. Bên cạnh đó, các đại lý du lịch cũng có thể cân nhắc đến việc thay các điểm đến du lịch đông đúc bằng các địa điểm tham quan xa hơn và vắng vẻ hơn hoặc tổ chức các tour ngách như tour đi xe đạp, leo núi.

Sự xuất hiện của phân khúc khách có trách nhiệm hơn. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã góp phần hình thành nên một phân khúc khách du lịch mới – nhóm du khách có ý thức.

“Trách nhiệm” là từ được dùng để miêu tả nhóm du khách này. Đây là nhóm du khách mong muốn nhìn thế giới theo một cách khác, khao khát có được những trải nghiệm và ký ức độc đáo, nhưng không gây ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương và môi trường sống. An toàn là ưu tiên quan trọng nhất của nhóm du khách này ở thời điểm hiện tại trong việc đi du lịch.

Du lịch hướng đến sức khoẻ không còn mới trong ngành du lịch, tuy nhiên, việc tìm kiếm một chuyến đi nghỉ dưỡng phục hồi sức khoẻ sau khi đại dịch được kiểm soát sẽ là một xu hướng trong năm 2021.

Năm 2019, Việt Nam được xem là một điểm đến mới nổi cho xu hướng du lịch hướng tới chăm sóc sức khỏe tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này cộng với sự gia tăng về nhu cầu của du khách đối với xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe trong năm nay sẽ là cơ hội tốt cho thị trường du lịch hướng đến sức khoẻ của Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến an toàn về việc kiểm soát dịch bệnh.

Xu hướng lập kế hoạch và đặt dịch vụ

Trước Covid-19, du khách Việt thường lên kế hoạch đi du lịch và đặt dịch vụ từ rất lâu trước khi khởi hành, đặc biệt là các chuyến du lịch nước ngoài nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp về dịch bệnh, việc rút ngắn thời gian đặt phòng sẽ giảm thiểu được rủi ro do thay đổi chính sách du lịch hay hạn chế di chuyển.

Một báo cáo của Skyscanner năm 2020 chỉ ra, du khách có xu hướng đặt các dịch vụ lưu trú cuối cùng, vì họ nghĩ rằng khi huỷ dịch vụ khách sạn sẽ khó lấy lại tiền hơn so với các chuyến bay bị huỷ.

Nhằm phản ứng lại với xu hướng rút ngắn thời gian đặt dịch vụ của du khách, các doanh nghiệp trong ngành cũng thay đổi các điều khoản trong việc đặt dịch vụ một cách linh hoạt hơn. Với các quy tắc và quy định về du lịch thay đổi hằng ngày, cách duy nhất để du khách tự tin đặt vé là cho phép họ linh hoạt thay đổi đặt phòng khách sạn hoặc chuyến bay mà không phải trả thêm phí.

Trong thời điểm mọi việc đều bị gián đoạn và các chuyến đi đều không được chắc chắn, du khách rất cần một nguồn thông tin tin cậy để cập nhật liên tục tình hình dịch bệnh. Covid-19 đã góp phần làm nổi bật vai trò quan trọng của các đại lý du lịch, nếu như trước đây, các đại lý du lịch chỉ có vai trò bán tour và vé thì hiện nay, đại lý du lịch đóng vai trò là một nguồn cung cấp thông tin và kiến thức.

Các đại lý du lịch cần đáp ứng toàn bộ các nhu cầu từ đề xuất những ý tưởng đi du lịch, tìm kiếm giá vé máy bay rẻ nhất, cập nhật các tiêu chuẩn sức khoẻ và an toàn mới nhất hay thậm chí là trợ giúp hoàn/huỷ vé máy bay và phòng khách sạn.

Vì vậy, điểm đến, hãng hàng không, khách sạn và các công ty cho thuê xe hơi nên hợp tác chặt chẽ với các đại lý du lịch để đảm bảo họ có tất cả thông tin cần thiết để thu hút khách du lịch theo cách của họ và đối phó với những tình huống gián đoạn có thể xảy ra.

Xu hướng công nghệ trong du lịch

Dưới sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, tốc độ chuyển đổi số trong năm 2020 đã phát triển nhanh hơn bao giờ hết. Hình thức du lịch trực tuyến, khám phá các điểm đến trên thế giới bằng công nghệ thực tế ảo đã trở nên phổ biến hơn.

Xu hướng du lịch 2021 1
Khám phá các điểm đến bằng công nghệ thực tế ảo đã trở nên phổ biến

Airbnb đi tiên phong trong lĩnh vực này khi thực hiện những sáng kiến về trải nghiệm online nhằm kết nối những du khách đang mong muốn được thoát khỏi thực tại với những người cung cấp trải nghiệm. Tuy nhiên, đại diện Airbnb ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương Parin Mehta cũng chỉ ra rằng việc thực hiện các trải nghiệm thực tế ảo đòi hỏi rất nhiều đầu tư về nền tảng công nghệ mà không phải nhà cung cấp dịch vụ nào cũng làm được.

Trong tương lai, trải nghiệm ảo có thể trở thành một tiêu chuẩn phải có đối với mỗi doanh nghiệp, giúp khách du lịch có cơ hội kết nối với hướng dẫn viên và cảm nhận trải nghiệm trước khi đặt dịch vụ. Việc thiết kế những trải nghiệm này sẽ giúp cho các doanh nghiệp thu hút được khách hàng và tiếp thị cho các sản phẩm một cách trực tiếp nhất.

Trong năm 2021, công nghệ sẽ là yếu tố hàng đầu giúp du khách có lại tự tin khi đi du lịch. Trong một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Censuswide, hơn 4/5 khách du lịch cho biết công nghệ sẽ giúp họ tự tin đi du lịch trong 12 tháng tới. Du khách cho rằng một ứng dụng di động cung cấp thông tin và cảnh báo trong chuyến đi sẽ rất cần thiết trong năm nay.

Bên cạnh đó, thanh toán không sẽ làm tăng sự tự tin của họ để thực hiện các chuyến đi trong 12 tháng tới. Vào năm 2021, an toàn sẽ là điều tối quan trọng và các giải pháp công nghệ đơn giản có thể là động lực thúc đẩy mọi người khám phá thế giới một cách tự tin hơn.

Xu hướng điểm đến

Sau Covid-19, nhu cầu cho những điểm đến hoang sơ, ít phổ biến sẽ cao hơn khi tâm lý an toàn và tránh đám đông sau đại dịch vẫn sẽ chi phối rất nhiều quyết định lựa chọn điểm đến của du khách.

Với nhu cầu khám phá mới và tránh những điểm đến phổ biến như vậy, dự báo sẽ xuất hiện nhiều điểm đến mới trên bản đồ du lịch Việt Nam, những điểm đến với quy mô nhỏ và phù hợp với những nhu cầu du lịch riêng không theo đám đông.

Trước khi kiểm soát được dịch, thị trường khách du lịch nội địa tiếp tục là trọng tâm phát triển. Theo khảo sát của Outbox Consulting năm 2020, biển đảo và các thành phố du lịch nổi tiếng vẫn tiếp tục là các điểm đến hàng đầu và dự đoán đây cũng sẽ là những điểm đến được khách Việt ưa chuộng trong năm 2021.

Du khách Việt thường bỏ ra từ 2 - 3 ngày để đi đến các điểm đến trong nước, và sẽ kết hợp các ngày nghỉ cuối tuần hoặc các kì nghỉ lễ ngắn. Do vậy, họ sẽ chọn những điểm đến dễ di chuyển và gần thành phố họ sinh sống. Đối với điểm đến biển đảo, Vũng Tàu và Nha Trang là hai điểm đến thuận tiện di chuyển nổi lên như những điểm đến nổi tiếng với du khách nội địa. Bên cạnh đó, những điểm đến nổi tiếng khác như Hạ Long, Sapa, Phú Quốc hay Đà Lạt cũng là những điểm đến thu hút khách du lịch.

Lộ trình mở cửa phục hồi du lịch của Việt Nam cũng sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch của các nước. Ngoài vắc-xin, tốc độ phục hồi du lịch cũng sẽ phụ thuộc phần nhiều vào các động lực thúc đẩy mở cửa điểm đến.

Dựa trên lộ trình hợp lý phục hồi tăng trưởng của các nước trong khối ASEAN theo báo cáo của Mastercard và Crescent Rating, trong quý 1/2021, giai đoạn phục hồi sẽ dần diễn ra với một vài sự hợp tác giữa các nước ASEAN và đến tận quý 3/2021 khi tin tức tích cực về vắc-xin được tìm ra, điều này sẽ thúc đẩy việc bình thường hoá du lịch trong khối. Đến quý 1/2022, du lịch quốc tế được kỳ vọng bắt đầu mở cửa.