Xuất khẩu rau quả có thể lập kỷ lục mới

Hoàng Đông - 16:12, 02/07/2024

TheLEADERKim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 được dự báo sẽ cán mốc 7 – 7,5 tỷ USD, thiết lập kỷ lục mới.

Xuất khẩu rau quả có thể lập kỷ lục mới
Xuất khẩu sầu riêng sáu tháng đầu năm tăng trưởng hơn 70% so với cùng kỳ. Ảnh: Hoàng Anh

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau quả đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng trái sầu riêng ước tính xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD, tăng hơn 70% so với sáu tháng đầu năm 2023.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, hoạt động xuất khẩu rau quả thuận lợi nhờ nhu cầu tăng mạnh tại thị trường truyền thống là Trung Quốc. Nửa đầu năm, xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang thị trường láng giềng này đạt 2,2 tỷ USD, tăng tới 33% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, các thị trường mới tiềm năng cho rau quả Việt Nam như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản cũng chứng kiến mức tăng trưởng khả quan, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng đến gần 58% so với sáu tháng đầu năm 2023.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), dự báo, trong sáu tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả tiếp tục có nhiều thuận lợi, trong đó đặc biệt phải kể đến việc Trung Quốc và Việt Nam ký một số nghị định thư mới, mở đường cho sầu riêng đông lạnh, chanh leo, ớt và dừa tươi tiến sang thị trường tỷ dân.

Vinafruit dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm 2024 có thể đạt 7 – 7,5 tỷ USD, thiết lập kỷ lục mới. Nếu tiến trình ký kết các nghị định thư với Trung Quốc diễn ra thuận lợi, con số này còn có thể cao hơn nữa.

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng trong nửa cuối năm sẽ vấp phải một số khó khăn, đặc biệt là thời tiết thất thường do thiên tai đe dọa sản lượng, chất lượng một số loại cây trồng như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, sẽ theo dõi sát quá trình canh tác các cây công nghiệp, cây ăn quả để có chỉ đạo rải vụ phù hợp cũng như đẩy mạnh công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai.

Một rủi ro khác phải kể đến là chất lượng hàng rau quả chưa ổn định, một số lô hàng bị đối tác cảnh báo. Gần đây, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả thực thi hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS), hứa hẹn sẽ mở ra cơ chế hiệu quả quản lý chất lượng rau quả xuất khẩu.