Yếu tố quyết định hiệu quả giải pháp phục hồi kinh tế

An Chi - 11:20, 23/02/2022

TheLEADERNếu cứ duy trì lợi ích ngành, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ địa phương thì rất khó hiệu quả nên sự quyết liệt của Chính phủ trong cách tổ chức thực thi vô cùng quan trọng.

Yếu tố quyết định hiệu quả giải pháp phục hồi kinh tế
Thủ tục hành chính vẫn là nút thắt ngăn nền kinh tế phục hồi

Giải pháp phục hồi kinh tế đã có nhưng theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, muốn mang lại hiệu quả cần sự đốc thúc rốt ráo từ Chính phủ để thực thi đồng bộ và toàn diện mới mang lại hiệu quả.

Ý kiến của ông Thiên xuất phát từ việc khó thực hiện được các giải pháp một cách đồng bộ do tính cục bộ, lợi ích nhóm. "Điển hình như sân bay Long Thành, giữa tỉnh với các nhà đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu chưa có tính đồng bộ nên chưa triển khai được", ông Thiên lấy ví dụ.

Do đó, ông Thiên ho rằng phải có phải thống nhất từ nhận thức tới thực tiễn và hành động. Trong đó, trước hết là nhận thức phải thống nhất về dịch bệnh, phương pháp ứng phó với dịch bệnh và các yêu cầu sống còn để phục hồi kinh tế.

Vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh tính thống nhất và đồng bộ trong thực thi từ Trung ương tới địa phương và các bộ ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm nay. Đây là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và nền kinh tế tăng trưởng thấp trong hai năm qua, chỉ ở mức 2,91% và 2,58%.

Để phục hồi nền kinh tế, các giải pháp chính được Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, gợi ý là mở cửa toàn diện nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công và cải cách thể chế.

Với giải pháp thứ nhất, ông Lộc cho rằng, nền kinh tế cần mở cửa theo nghĩa rộng nhất. Đỉnh cao là mở cửa kinh tế quốc tế, mở lại đường bay quốc tế, không hạn chế về tần suất khai thác của các hãng hàng không miễn là có nhu cầu của thị trường.

Thứ hai, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc và quan tâm đến đối tượng yếu thế trước biến động của kinh tế.

Thứ ba là duy trì sinh kế bằng cách thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có động lực phục hồi. Các bộ, ngành, địa phương cần triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022-2025 nhưng cần một vài cập nhật, điều chỉnh, sau khi Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị quyết 11 vừa qua.

Song song với đó là công tác chống dịch. Chính phủ nên ban hành chương trình phòng chống dịch, cập nhật Nghị quyết 128. Hiện tại các địa phương đang chờ đợi chương trình phòng chống dịch bài bản hơn, trong đó chú trọng nâng cao năng lực y tế. Theo khảo sát, rất nhiều bệnh viện công đang thiếu trang thiết bị y tế, kể cả thuốc cũng khan hiếm.

Thứ tư, Chính phủ cần nâng cấp hạ tầng thông qua đẩy mạnh hàng loạt dự án đầu tư công để thúc đẩy phát triển tăng trưởng trong ngắn hạn, tạo đà cho phát triển kinh tế dài hạn.

Thứ năm là tăng cường thể chế. Đại dịch và những khó khăn về tăng trưởng là cơ hội vàng để đẩy nhanh cải cách thể chế, nhất là môi trường đầu tư, kinh doanh. Hơn nữa, hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới Việt Nam trong những năm qua, vì vậy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là rất quan trọng, cơ hội rất tốt để Việt Nam thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Với năm giải pháp phục hồi kinh tế này, gói hỗ trợ quy mô 350.000 tỉ đồng chính là "chất kích hoạt". Chính phủ cần thực hiện các giải pháp minh bạch, hiệu quả với tinh thần coi gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ là biện pháp lớn nhất để tạo sự khởi đầu cho giai đoạn đột phá của nền kinh tế.

Theo ông Thiên, cùng với tính thống nhất trong định hướng là tính đồng bộ trong thực hiện các giải pháp để có thể mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu chỉ thực hiện cục bộ, nhiều giải pháp sẽ bị tắc nghẽn các đường dẫn nguồn lực, đường dẫn chính sách dẫn đến việc không thể triển khai.

Hiện nay, tắc nghẽn chính đang nằm ở các đường dẫn chính sách, thủ tục hành chính. Do đó, các cơ quan quản lý cần phải tháo gỡ thể chế để tạo ra sự đồng bộ trong việc lưu thông các nguồn lực.
Ông trần đình thiên
nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Ví dụ, nguồn lực như hiện nay là gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, nhiều người cho rằng nền kinh tế không đủ khả năng hấp thụ.

"Nhưng, thế nào là không hấp thụ được? Có phải doanh nghiệp yếu hay các đường dẫn nguồn lực không tới được doanh nghiệp? Chính phủ cần phải phân biệt rõ để có giải pháp tháo gỡ” ông Thiên đặt vấn đề.

“Tôi cho rằng, hiện nay tắc nghẽn chính đang nằm ở các đường dẫn chính sách, thủ tục hành chính. Do đó, các cơ quan quản lý cần phải tháo gỡ thể chế để tạo ra sự đồng bộ trong việc lưu thông các nguồn lực", ông nhấn mạnh.

Điểm vô cùng quan trọng theo theo vị chuyên gia này là sự quyết liệt của Chính phủ trong cách tổ chức thực thi. Nếu cứ duy trì lợi ích ngành, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ ở các địa phương thì sẽ rất khó để hiệu quả.

"Chúng tôi đánh giá rất cao Chính phủ. Vừa rồi, Thủ tướng đã đi thị sát ở phía Nam. Trong cuộc xuất hành Thủ tướng cũng nêu ra thông điệp cho từng đơn vị, từng người đứng đầu ở từng dự án… để tạo ra động lực mạnh, thúc đẩy tăng trưởng cho đầu năm".

“Nếu không ráo riết, không đốc thúc cụ thể thì mọi sự đồng bộ khó có ý nghĩa trọn vẹn. Đặc biệt, cần đồng bộ cả công tác kiểm soát dịch và khơi thông các nguồn lực tài chính, vì đây đang là nhưng điểm nghẽn rất lớn", ông Thiên nói.

Ông cho rằng, khi nền kinh tế đang chịu những cú sốc lớn bởi dịch bệnh, tinh thần đột phá mạnh mẽ, quyết liệt trong các giải pháp phục hồi chính là yếu tố quan trọng để đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường và phục hồi tăng trưởng.