Đặc khu kinh tế của Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore

An Nhiên - 06:11, 09/11/2017

TheLEADERMột số đại biểu cho rằng, việc xây dựng và phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được “thai nghén” trong thời gian dài, nên phải xây dựng cho được đạo luật này, tránh vuột mất cơ hội.

Đặc khu kinh tế của Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Quốc hội.

Tại Quốc hội ngày 8/11, Ủy ban Pháp luật đã chủ trì tổ chức Tọa đàm về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự án Luật quy định các chính sách đặc biệt về kinh tế - xã hội, tổ chức chính quyền địa phương, tổ chức Tòa án nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước tại Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Về chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quy định các cơ chế, chính sách về quy hoạch; thủ tục đầu tư kinh doanh; tiếp cận và sở hữu đất đai; phát triển kết cấu hạ tầng; ưu đãi thuế và đất đai; phát triển ngành du lịch và dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực và các chính sách khác.

Qua so sánh tổng thể các cơ chế, chính sách quy định tại Luật cho thấy, vượt trội so với các quy định áp dụng với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế theo quy định hiện hành.

So sánh trên 9 tiêu chí khác nhau, thì hầu hết có ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Myanmar. Không ưu đãi dàn trải để hạn chế cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với nhau cũng như giữa các đơn vị này với các mô hình khác.

Tọa đàm về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt . Ảnh: Quang Khánh

Dự án Luật cũng quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; Tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và các cơ quan khác của đất nước.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, vì đã có đủ các cơ sở về chính trị, pháp lý và điều kiện thực tế.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, việc xây dựng và phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được “thai nghén” trong thời gian dài, nên phải xây dựng cho được đạo luật này, tránh vuột mất cơ hội. 

Đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ tính đặc biệt trên bình diện hành chính và kinh tế của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nhằm giúp đại biểu Quốc hội hiểu chính xác hơn về mô hình này. Các địa phương cung cấp thêm thông tin về sự chuẩn bị cho quá trình vận hành các đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), và Phú Quốc (Kiên Giang).