Mua bán doanh nghiệp Việt: Bài toán 'chi phí ngầm' và xử lý 'công thần'

Hương Xuân - 08:45, 29/11/2017

TheLEADERBên cạnh yếu tố minh bạch tài chính, hiệu quả kinh doanh.... những lùm xùm về nhân sự nhất là việc xử lý những "công thần", người nhà trong doanh nghiệp là những rào cản lớn khiến hoạt động M&A ở Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng.

Mua bán doanh nghiệp Việt: Bài toán 'chi phí ngầm' và xử lý 'công thần'
Chi phí không chính thức vẫn hành doanh nghiệp. Ảnh chỉ có tinh chất minh họa

M&A là hoạt động kinh tế tăng trưởng mạnh từ lâu trên thế giới, tuy nhiên, hoạt động M&A ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu sôi động trong vài năm gần đây, hiện tỷ trọng M&A tại Việt Nam còn quá ít so với tiềm năng.

Câu hỏi đặt ra là điều kiện nào, phương pháp nào, bối cảnh nào có lợi cho doanh nghiêp khi thực hiện M&A? Làm sao để không bị thâu tóm mà vẫn duy trì thương hiệu, phát triển kinh doanh? 

Chuyên gia kinh tế Trần Sỹ Chương cho rằng M&A là cốt lõi của làm ăn thời nay. “Kinh tế xã hội ngày nay khác hẳn xưa. Ngày trước ông cha ta có cái lò gạch là sống mấy đời, bây giờ chu kỳ cuộc đời doanh nghiệp ngắn lắm, có thể 3 năm, có thể 10 năm, trên 10 năm là rất khó", ông Chương nói. 

Theo ông Chương, ý nghĩa lớn nhất của M&A là tính kế thừa, cốt lõi của làm ăn, làm cho tài sản của mình ngày càng lớn lên, duy trì phát triển ổn định, nhiều đời vẫn giữ được thương hiệu. Kế thừa ở đây không phải là giao lại cho con cháu, mà chia sẻ lợi nhuận đầu tư với người khác để tài sản của mình ngày càng lớn lên. Những tập đoàn lớn của Mỹ giờ chỉ năm 4-5% cổ phần thôi, nhưng đời con, đời cháu họ vẫn nuôi đưỡng được. Đây là công cụ sống còn để kết nối, tạo lực cộng hưởng với nhau, để giúp doanh nghiệp tồn tại lâu dài, bền vững, có kế thừa. 

Phải nghĩ đến M&A ngay từ đầu, vì họ chỉ M&A khi mình có “dáng tốt, nết tốt”. Muốn thế, phải coi lại hệ thống quản trị làm sao hợp chuẩn quốc tế để nhiều người muốn đến M&A với mình, để có giá trị cao nhất. Thời buổi này không thể tự mình phát triển bền vững, phải kết nối với nhiều người để nâng giá trị thương hiệu lên, ông Chương khẳng định.

Nguyên Chủ tịch Hose Trần Đắc Sinh dự báo, trong 2017 - 2018, M&A tại Việt Nam sẽ phát triển nhưng không nhanh. "Trừ trường hợp nợ nần nhiều quá mới phải bán đi, còn tâm lý chung của doanh nghiệp Việt vẫn không muốn doanh nghiệp nước ngoài xía vào. Một đất nước mà tỷ lệ M&A ít sẽ ảnh hưởng đến độ lớn của doanh nghiệp, khó có thể tạo thương hiệu tốt để vươn ra thế giới", ông Sinh nói.

Ông Sinh dẫn chứng: Quay đi quay lại chỉ có Vinamilk cứ cắt bán dần, còn FPT làm phần mềm có chút xíu nên bán cũng không được giá. Nhìn vào trường hợp Hoàn Mỹ, có thể thấy người nước ngoài luôn giữ thương hiệu, nhưng trong ruột nó khác, quản trị khác, dẫn đến giá trị thương hiệu lớn.

"Làm sao có chiến lược M&A để phát triển bền vững, đó là phương châm của cả Chính phủ và doanh nghiệp, để bảo đảm tính minh bạch, tính công chúng, tính công khai”, ông Sinh nhấn mạnh. 

Rào cản chi phí không chính thức và hậu M&A

Trong nhiều rào cản khiến hoạt động M&A ở Việt Nam chưa được phát triển, Luật sư Bùi Ngọc Hồng, Công ty Luật LNT & thành viên lưu ý doanh nghiệp về các khoản chi không chính thức.

“Khi M&A, doanh nghiệp nước ngoài sợ nhất là khoản chi để giải quyết nhanh quyết toán thuế, chi bôi trơn của doanh nghiệp sơ sểnh rất nhiều. Đừng đem khoe mấy cái không đáng khoe, nội tờ giấy đó không gãy một giao dịch lớn. Nước ngoài rất sợ tham nhũng. Nếu công ty Việt Nam dính dáng đến các khoản chi tham nhũng thì công ty mua sẽ chịu hình phạt 10 năm tù. Phải cực kỳ để ý đến điều này để tránh sụp hầm”, ông Hồng cho biết.

Theo ông Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch Hose, làm doanh nghiệp phải luôn nghĩ đến M&A. Nhìn tổng thể, quy mô M&A Việt Nam còn rất nhỏ, một năm bình quân chỉ khoảng 5 tỷ USD, trong khối ASEAN là kém nhất, chưa bằng Philippine. 

Có nhiều lý do theo ông Sinh, thứ nhất, đa số doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ, nếu doanh nghiệp lớn thì Nhà nước nắm giữ nhiều quá. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài cần M&A những doanh nghiệp lớn, mua cổ phần chi phối... do đó nhà đầu tư còn ngần ngại khi M&A.

Thứ hai là tính minh bạch, niêm yết liên quan đến cơ sở pháp lý, sự minh bạch của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa cổ phần hóa được nhiều.

Chia sẻ những khó khăn của trước và sau khi M&A, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT L&A Holding cho biết: Hậu M&A là câu chuyện phải nhìn xa hơn trong kế hoạch, không phải lúc nào cũng cơm lành canh ngọt, đa phần đau đớn cả tinh thần lẫn vật chất, các chỉ số tài chính đa phần đi xuống, nếu không chuẩn bị tinh thần để hai bên làm việc vui vẻ sẽ tồi tệ hơn. Khi cảm xúc không đẹp thì phát sinh hàng ngàn việc nhức xương.

Đầu 2016 L&A bán 30% vốn cho Tập đoàn Dream Incubator Nhật Bản, mất khoảng 1 năm để hoàn tất, hậu M&A theo bà Lệ, hai bên vẫn vui vẻ với nhau. 

Cũng theo bà Lệ, nhiều doanh nghiệp Việt đang kinh doanh theo kiểu gia đình, cực nhưng không bị động, giờ có người ngoài vô vừa cực thân, vừa bực bội, ngốn đi năng lượng rất nhiều…Những người công thần, người nhà trong doanh nghiệp gia đình rất quan trọng, trước khi M&A chúng ta phải xác định có dám xuống tay với những công thần này không? 

Phải cảm thấy “hợp tình hợp lý” khi tiến hành M&A mới làm ăn được lâu dài, nếu không chuyện lùm xùm về nhân sự sẽ mất nhiều thời gian. Không phải cái gì cũng giải quyết được bằng tiền, mà bằng cả xúc, quan hệ. Phải suy nghĩ rất thấu đáo mọi việc trước khi M&A và hậu M&A, Chủ tịch L&A Holding nói.