Doanh nghiệp
15 ngày 'tạm trú' của lô trái phiếu 2.200 tỷ đồng do Vinaconex phát hành
Dù chỉ sở hữu 10% cổ phần dự án nhưng Vinaconex vẫn đang là bên chủ động trong việc phát triển siêu dự án Cát Bà Amatina tại Hải Phòng, bao gồm cả việc điều chuyển dòng tiền ra vào đự án.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của Công ty Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC - VCR) ghi nhận khoản trả trước cho người bán tăng đột biến từ 1.145 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 5.254 tỷ đồng.
Các khoản phải trả cho người bán tăng mạnh do Vinaconex ITC đã trả trước gần 4.300 tỷ đồng cho Công ty Vinaconex Xây dựng. Đây là công ty con của Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
Hiện Công ty Vinaconex Xây dựng là tổng thầu thiết kế thi công các dự án thành phần tại Cát Bà Amatina – siêu dự án tại Cát Bà do Vinaconex ITC làm chủ đầu tư tại Hải Phòng.
Đáng chú ý, hồi cuối tháng 6, Vinaconex đã huy động thành công 10 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.200 tỷ đồng có kỳ hạn từ 30 - 84 tháng. Toàn bộ số tiền được sử dụng để hợp tác đầu tư với Vinaconex ITC, phát triển phân khu cao tầng CT02 và các hạng mục hạ tầng của dự án Cát Bà Amatina.
Như vậy, ngay sau khi nhận 2.200 tỷ đồng từ Vinaconex, Vinaconex ITC đã ngay nhanh chóng thanh toán cho nhà thầu xây dựng – công ty con của Vinaconex. Trên thực tế Vinaconex ITC chỉ nắm giữ số tiền này tối đa là 15 ngày. Động tác này giúp quy mô tài sản và nguồn vốn của công ty tăng gấp đôi nhưng dòng tiền thuần lại âm gần 1.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021.
Theo thông lệ trên thị trường xây dựng, chủ đầu tư thường chỉ được ứng trước một phần tiền khi triển khai dự án, và trả dần theo tiến độ xây dựng công trình. Đây là lý do các công ty xây dựng như Hòa Bình, Coteccons luôn ghi nhận khoản phải thu lớn.
Động thái thanh toán phần lớn số tiền huy động được của Vinaconex ITC cho nhà thầu xây dựng có thể đến từ mối quan hệ phức tạp với Vinaconex.
Vinaconex trước đây là công ty mẹ của Vinaconex ITC và dự án Cát Bà Amatina nhiều năm qua được xem là dự án quan trọng nhất của Vinaconex. Tuy nhiên, cuối năm ngoái khi Vinaconex ITC tăng vốn gấp 5 lần lên 1.800 tỷ đồng, công ty mẹ Vinaconex đã không tham gia góp vốn.
Theo kết quả phát hành, khoảng 70 nhà đầu tư đã mua 144 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ của Vinaconex ITC với giá chỉ 10.000/ cổ phần để sở hữu 80% cổ phần của công ty. Trong khi tỷ lệ sở hữu của Vinaconex tại công ty này giảm xuống chỉ còn hơn 10%.
Dù giảm tỷ lệ sở hữu xuống thấp nhưng Vinaconex không có ý định từ bỏ siêu dự án đã theo đuổi 10 năm qua tại đảo Cát Bà - Hải Phòng. Từ vai trò chủ đầu tư gián tiếp thông qua công ty con, Vinaconex trở thành đối tác phát triển từng dự án thành phần tại Cát Bà Amatina.
Đáng chú ý, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT của Vinaconex mới được bầu là Chủ tịch HĐQT của Vinaconex ITC. Vinaconex cũng có cơ hội để tăng sở hữu tại đây trong thời gian tới nhờ chuyển đổi 300 tỷ trái phiếu sắp đáo hạn.
Có thể thấy, dù chỉ sở hữu 10% cổ phần dự án nhưng Vinaconex vẫn đang là bên chủ động trong việc phát triển siêu dự án Cát Bà Amatina. Điều này dẫn đến dấu hỏi về mục tiêu đầu tư của các nhà đầu tư đã chi ra hơn 1.400 tỷ để sở hữu 80% cổ phần dự án cuối năm ngoái.
Trong một động thái khác, mới đây Vinaconex đã huy động thêm 2.500 tỷ trái phiếu kỳ hạn 36 tháng, trong đó lãi suất áp cho kỳ đầu tiên là 10,5%/năm. Mục đích huy động nhằm tăng quy mô vốn hoạt động hoặc thực hiện các dự án đầu tư, cụ thể là bổ sung vốn cho hoạt động xây lắp của Vinaconex Invest hoặc Vinaconex CM.
Cát Bà Amatina là tên thương mại của dự án Khu đô thị Cái Giá – Cát Bà. Dự án được phê duyệt quy hoạch vào tháng 9/2009 với tổng diện tích hơn 172 ha, bao gồm các hạng mục khu biệt thự, khu thương mại, trung tâm hội nghị, khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí, bến du thuyền, nhà hàng...
Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên dự án bị đình trệ suốt nhiều năm, dẫn đến việc UBND TP. Hải Phòng từng ra quyết định thu hồi đất. Đến cuối tháng 9/2020, TP. Hải Phòng thu hồi quyết định trước đó và đồng ý để Vinaconex ITC tiếp tục phát triển dự án.
Cuối năm ngoái, cùng với việc được Sacombank cấp hạn mức tín dụng 2.500 tỷ đồng Vinaconex chính thức làm lễ động thổ tái khởi động dự án. Công ty lên kế hoạch trong năm nay sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I; đầu tư xây dựng công trình biệt thự song lập A1 (BT4), biệt thự B2, B3, trung tâm thương mại A4, văn phòng điều hành kết hợp giới thiệu sản phẩm, cổng và hàng rào dự án.
Ngoài ra, công ty sẽ khởi công xây dựng căn hộ ở - khách sạn CT01, CT02 tại dự án. Trong đó CT02 chính là dự án sẽ do Vinaconex huy động vốn và hợp tác phát triển, phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp với Vinaconex ITC.
Toan tính mới của Vinaconex tại siêu dự án Cát Bà Amatina
Lotte Finance thâm nhập thị trường cho thuê xe dài hạn
Lotte Finance đánh giá cho thuê xe dài hạn giàu tiềm năng sẽ sớm được thúc đẩy bởi sản phẩm tài chính linh hoạt và nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng.
Zalopay tiến vào mảng trả góp
Zalopay xác định phát triển theo hướng trở thành một nền tảng thanh toán toàn diện đã liên tục đưa ra các sản phẩm mới hướng tới trải nghiệm người dùng.
EximRS phân phối độc quyền dự án căn hộ Conic Boulevard
EximRS trở thành đơn vị phân phối độc quyền dự án căn hộ Conic Boulevard do Công ty CP Xây dựng đầu tư và phát triển Lĩnh Phong Conic phát triển.
MSB hoàn thành 72% kế hoạch năm
MSB công bố báo cáo tài chính quý III với tín dụng tăng 15,11% nhờ đa dạng hóa giải pháp, đặc biệt trên nền tảng số, và vốn điều lệ nâng lên 26.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận ngân hàng phân hóa
Trong khi hầu hết ngân hàng lớn vẫn duy trì được lợi nhuận tăng trưởng mạnh, các ngân hàng vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn hơn.
Bước chuyển mình của MoMo với trí tuệ nhân tạo
MoMo từ một ví điện tử giờ đây định hướng sẽ trở thành "trợ thủ tài chính với AI" của người Việt thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo.
LG Innotek có thể vay 300 triệu USD từ IFC
Khoản vay nằm trong chương trình hướng tới các mục tiêu về phát triển bền vững, đã và đang trở thành lĩnh vực trọng tâm trong các cam kết của IFC tại Việt Nam.