4 'khẩu đại bác' Trung Quốc có thể dùng trong chiến tranh thương mại

Tuệ Ngân - 14:14, 22/07/2018

TheLEADERNếu thuế quan tiếp tục được Mỹ đẩy lên trong chiến tranh thương mại, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng sẽ rút những vũ khí đầy quyền lực của mình để đối đầu.

4 'khẩu đại bác' Trung Quốc có thể dùng trong chiến tranh thương mại
Tiền tệ có thể trở thành một vũ khí nguy hiểm. Ảnh: Reuters/Thomas White

Vào tuần trước, Mỹ tiếp tục bắn phát súng thương mại tiếp theo trong cuộc chiến với Trung Quốc khi đưa ra danh sách thuế áp dụng lên 200 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ quốc gia châu Á này. Phía Bắc Kinh cũng tỏ ra không hề kém cạnh khi những “đòn phản công” với giá trị và khối lượng tương đương được đưa ra. 

Tính đến nay, cả hai nước đều nâng mức thuế đối với 34 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ đối phương nhưng trong thời gian tới, nếu Mỹ tiếp tục gia tăng thuế, Trung Quốc có khả năng sẽ rút ra những vũ khí lợi hại của mình.

Nguyên nhân dễ hiểu là trên thực tế, Mỹ có thể áp thuế đối với con số 505 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tương đương kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này với Bắc Kinh năm ngoái. Trong khi đó, con số này của Trung Quốc chỉ dừng lại ở mức 130 tỷ USD và điều này rõ ràng tạo ra thế khó cho chính quyền của ông Tập Cận Bình.

Mặc dù vậy, thuế không phải là “viên đạn” duy nhất và Trung Quốc thậm chí còn có thể tung ra nhiều vũ khí lợi hại hơn gấp nhiều lần.

Theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Trung Quốc là một trong số các quốc gia sở hữu nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất. Việc bán ra, hoặc thậm chí là ngừng mua trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ khiến nền kinh tế đứng đầu thế giới phải lao đao, đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ đang thâm hụt ngân sách rất lớn, CNBC nhận định.

Tuy vậy, biện pháp này cũng có khả năng gây tổn thương cho nền kinh tế thứ hai thế giới trong bối cảnh quốc gia này không có lựa chọn an toàn thay cho đồng USD.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể sử dụng việc hạ giá đồng Nhân dân tệ để đáp trả Mỹ và đây được xem là công cụ tốt nhất. Theo CNBC, nếu đồng nội tệ Trung Quốc giảm khoảng 8%, trên thực tế điều này đã xảy ra kể từ giữa tháng 3 tới nay, việc xuất khẩu hàng hóa từ quốc gia châu Á này tới Mỹ tăng 2%.

Điều này sẽ khiến những gia tăng thuế quan trở nên vô giá trị bởi khi thuế tăng, giá giảm, các doanh nghiệp sẽ thấy không có sự khác biệt nhiều.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã thể hiện thái độ chỉ trích mạnh mẽ đối với Trung Quốc và cả Liên minh châu Âu (EU) vì những động thái được xem là thao túng tiền tệ.

Trên trang Twitter cá nhân của mình, ông Trump tuyên bố: "Trung Quốc, EU và các nước khác đang thao túng tiền tệ của họ và để lãi suất thấp, trong khi nước Mỹ tăng lãi suất và mỗi ngày trôi qua, đồng USD ngày càng mạnh lên, làm mất đi lợi thế cạnh tranh. Như thường lệ, đây không phải là sân chơi bình đẳng".

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng có hoàn toàn có thể gây khó dễ cho các doanh nghiệp Mỹ tại đây và lịch sử đã cho thấy những bài học “xương máu”, chứng tỏ cả hiệu quả lẫn tốc độ.

Các chiến dịch tương tự chống lại Hàn Quốc và Nhật Bản tại thời điểm căng thẳng chính trị đã dẫn tới việc sụt giảm tới 50% doanh số bán xe của những công ty đến từ 2 quốc gia trên chỉ trong 1 tháng, theo AFP.

Năm ngoái, người tiêu dùng Trung Quốc đột nhiên quay lưng lại với nhà bán lẻ Hàn Quốc Lotte, buộc thương hiệu này phải đóng cửa 3/4 số cửa hàng tại đây sau động thái cung cấp đất cho chính phủ triển khai tên lửa của Lotte bị Bắc Kinh phản đối.

Ngoài ra, những hành động gây khó có thể diễn ra trong việc cấp thi thực hay thắt chặt quy định với các doanh nghiệp Mỹ.

Không chỉ vậy, nước Mỹ còn đứng trước nguy cơ bị cô lập thương mại trong bối cảnh có sự đối đầu ngay với cả các quốc gia đồng minh. Điều này có thể đẩy nhiều nước trên thế giới hợp thành các liên minh thương mại mới mà không có sự tham gia của Mỹ.