5 động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021

An Chi - 18:27, 20/01/2021

TheLEADERThành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và tiêu dùng nội địa là những yếu tố quan trọng nhất góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021.

5 động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021
Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,72%

Theo báo cáo kinh tế Việt Nam 2020 và xu hướng phục hồi trong trung hạn 2021 – 2025 của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại. 

Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia đưa ra hai kịch bản với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ở kịch bản cơ sở, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục, đại dịch Covid-19 dần được khống chế, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 6,17%, CPI trung bình khoảng 3,8%. 

Với kịch bản này, một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ từ mức tăng trưởng âm năm 2020 đạt mức tăng trưởng dương trở lại. 

Tăng trưởng của Mỹ giả định đạt 3-3,5%; kinh tế Trung Quốc phục hồi trở lại với giả định tăng trưởng ở mức 5%, giá dầu giữ ở mức thấp. Trong nước, sản xuất dần phục hồi, đầu tư khu vực nhà nước tăng trưởng ở mức 7%.

Ở kịch bản khả quan, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,72%, CPI trung bình khoảng 4,2%. Kịch bản này diễn ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến. Kinh tế Mỹ tăng trưởng trên 3,5%; kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 6-8%. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2021. 

Theo nghiên cứu của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, có năm động lực chính cho phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2021.

Thứ nhất, năm 2020, Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là yếu tố nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế. 

Ở thời điểm khó khăn - năm 2020, kinh tế Việt Nam đã cho thấy sức bật và vị thế tương đối tốt để thoát khỏi “bẫy kinh tế” của khủng hoảng Covid-19. Kết quả này là nhờ cộng hưởng của thành công trong kiểm soát dịch bệnh và những thành tựu, động lực tăng trưởng kinh tế được tích lũy từ trước đó. 

Năm 2021, với nền tảng đã có kết hợp với việc tiếp tục cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; tiếp tục thực thi các FTA thế hệ mới và sự thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế Việt Nam có cơ hội tăng trưởng trở nhanh lại.

Thứ hai, sự phục hồi tăng trưởng của các thị trường đối tác lớn đã hỗ trợ gia tăng xuất khẩu của Việt Nam năm 2021. Dự báo của hầu hết các tổ chức quốc tế cho thấy, kinh tế thế giới và các nước có thể đạt tăng trưởng cao trong năm 2021, đặc biệt là các quốc gia đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam, như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác khác. 

Trong bối cảnh đó, EVFTA cùng với CPTPP và RCEP được cho là nhân tố tích cực, hỗ trợ kinh tế Việt Nam phục hồi tốt hơn trong năm 2021 và 2021 - 2025. 

Xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu cải thiện. Ngay cả khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức thấp, kinh tế Mỹ giảm sâu, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng trưởng mạnh.

Với triển vọng tốt hơn trong năm 2021 ở cả hai thị trường lớn, xuất khẩu của Việt Nam càng có cơ sở kì vọng tăng tốc.

Thứ ba, Việt Nam đang cho thấy “sức hấp dẫn” đáng kể đối với các nhà đầu tư quốc tế dựa trên khả năng chống chịu của nền kinh tế trong đại dịch, triển vọng phục hồi sau đại dịch và các cơ hội từ các FTA. 

Việt Nam cũng có khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn. Thực tế cho thấy mặc dù vốn FDI đăng ký năm 2020 giảm khoảng 15% nhưng vốn thực hiện giảm rất nhẹ (2%). 

Có thể kì vọng khi đại dịch được kiểm soát, trạng thái bình thường mới được nhiều quốc gia áp dụng, FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, tạo cơ sở vững chắc hơn cho khả năng phục hồi tăng trưởng năm 2021 và những năm tiếp theo.

Thứ tư, trong nội tại nền kinh tế, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2021. Tiêu dùng nội địa, đóng góp khoảng 68-70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. 

Đầu tư công nhiều khả năng tiếp tục được thúc đẩy bởi các dự án lớn bắt đầu triển khai từ năm 2020, cùng với nỗ lực của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo sự lan tỏa đối với các thành phần, lĩnh vực khác trong xã hội. 

Bên cạnh đó, khu vực tư nhân và FDI có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu.

Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp, dịch vụ có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm tới (từ mức thấp của năm 2020) nhờ sự phục hồi của thị trường tiêu thụ và các nguồn cung ứng.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ và vận tải, kho bãi được kì vọng phục hồi mạnh, trở lại vai trò dẫn dắt, động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2021. Khu vực nông nghiệp được dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Lực cản của tăng trưởng 2021

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, báo cáo kinh tế Việt Nam 2020 và xu hướng phục hồi trong trung hạn 2021 – 2025 cũng chỉ ra những khó khăn của tăng trưởng kinh tế 2021.

Theo đó, rủi ro kinh tế toàn cầu vẫn rất lớn khiến khả năng tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam gặp nhiều trở ngại hơn. Diễn biến của Covid-19 có thể còn phức tạp và khó lường ngay cả khi vacxin được cung cấp. 

Tác động của các chính sách kích thích kinh tế khá hạn chế do dư địa của các chính sách tài khóa và tiền tệ hiện nay ở các quốc gia phát triển đều đang hạn hẹp dần. 

Hệ quả của các gói kích thích khối lượng tiền lớn tung vào thị trường trong khi cơ hội kinh doanh chưa phục hồi có thể làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính, vĩ mô toàn cầu. 

Nhiều quốc gia trên thế giới trong xu hướng “khủng hoảng chu kì”, “khủng hoảng cấu trúc” (như EU) trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Kinh tế thế giới và các nước đối tác lớn dự báo khả năng phục hồi trở lại trạng thái trước khi đại dịch sẽ cần thời gian khoảng 2-4 năm tùy thuộc mức độ tác động.

Cùng với đó, các rủi ro địa chính trị có xu hướng tăng lên thời kỳ hậu dịch. Trật tự chính trị có xu hướng dịch chuyển quyền lực từ Tây sang Đông, do hậu quả của dịch Covid-19 để lại cho các nước phương Tây khá nặng nề, thậm chí là nguy cơ khủng hoảng nợ công. 

Các dự báo trong trung hạn cho thấy suy thoái sẽ để lại những tổn thương trong các nền kinh tế và đòi hỏi những thay đổi về cấu trúc, tác động đến tiềm năng tăng trưởng. 

Các nhân tố này sẽ ảnh hưởng nhất định tới khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới. Kinh tế thế giới và các nước đối tác quan trọng chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, quá trình phục hồi không vững chắc và chứa đựng nhiều rủi ro khiến triển vọng gia tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư và quá trình phục hồi các chuỗi cung ứng đối với Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, cú hích từ dịch chuyển chuỗi giá trị và dòng FDI vào Việt Nam có thể không như kỳ vọng. Việt Nam có cơ hội tham gia vào quá trình tái phân bổ các cơ sở sản xuất kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia. 

Tuy nhiên, cơ hội tham gia của Việt Nam không dễ dàng bởi tác động của số hóa, chủ nghĩa bảo hộ và năng lực hấp thụ FDI cũng như khả năng liên kết của FDI với doanh nghiệp trong nước.

Trong nội tại nền kinh tế, quá trình phục hồi tăng trưởng của Việt Nam cũng đối mặt với một số thách thức như triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu. “Sức khỏe” của doanh nghiệp không dễ dàng hồi phục ngay sau thời gian dài khó khăn. 

Cùng với đó là sự chưa chắc chắn trong xu hướng phục hồi tăng trưởng của xuất khẩu của các ngành kinh tế. Các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, lữ hành có thể chưa tăng trưởng trở lại trong năm 2021 nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.