8 khu kinh tế cửa khẩu được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025

Nhật Hạ - 17:06, 23/12/2020

TheLEADERVới các địa phương có khu kinh tế cửa khẩu ưu tiên tập trung đầu tư này, tỉnh có trách nhiệm cân đối vốn cho 8 khu kinh tế cửa khẩu, ưu tiên tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 trong tổng số vốn ngân sách trung ương đã thông báo cho địa phương.

8 khu kinh tế cửa khẩu được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai cũng nằm trong danh sách được ưu tiên đầu tư

Thủ tướng vừa đồng ý chọn 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung ngân sách đầu tư giai đoạn 2021-2025.

Các khu kinh tế cửa khẩu được chọn bao gồm khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai), khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh); khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.

Như vậy, so với danh sách 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Thủ tướng đồng ý vào năm 2015, khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) đã không còn trong danh sách được tập trung đầu tư.

Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố được giao xây dựng, chuẩn bị và thẩm định hồ sơ dự án, công trình đầu tư kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn giai đoạn 2021 – 2025.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bố trí nguồn ngân sách trung ương, địa phương trong phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là 8 vị trí này, đảm bảo vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và đảm bảo tiến độ giải ngân.

Đồng thời, với các địa phương có khu kinh tế cửa khẩu ưu tiên tập trung đầu tư này, tỉnh có trách nhiệm cân đối vốn cho 8 khu kinh tế cửa khẩu, ưu tiên tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 trong tổng số vốn ngân sách trung ương đã thông báo cho địa phương.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn các địa phương nâng cao vai trò định hướng, dẫn dắt của nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách để thu hút, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác cùng tham gia xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội cho các khu kinh tế cửa khẩu.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, các khu kinh tế cửa khẩu đến nay đã thu hút được trên 575 dự án trong và ngoài nước. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các khu kinh tế cửa khẩu đạt 28,9 tỷ USD, tăng 2,1 lần so với năm 2015.

Trong đó, tại các khu kinh tế cửa khẩu giáp Trung Quốc đạt 24,8 tỷ USD, chiếm 85,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các khu kinh tế cửa khẩu của cả nước và chiếm 21,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc. Còn tại các khu kinh tế cửa khẩu giáp Lào và Campuchia, con số lần lượt là 1,1 tỷ USD và gần 3 tỷ USD.

Đối với 9 khu kinh tế cửa khẩu được tập trung, ưu tiên đầu tư, số thu ngân sách năm 2019 đạt hơn 344 triệu USD, chiếm gần 70% tổng số thu ngân sách của toàn bộ 26 khu kinh tế cửa khẩu. Một số khu kinh tế cửa khẩu có mức thu đạt cao là Đồng Đăng – Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái, Lao Bảo.