ADB: Động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng 2023

Kiều Mai - 11:43, 04/04/2023

TheLEADERADB đánh giá việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân 30 tỷ USD đầu tư công là rất quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo mới nhất khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục phối hợp các biện pháp tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

Cụ thể, ADB đánh giá việc ban hành Nghị định 65 về giao dịch trái phiếu là rất kịp thời và cần tiếp tục triển khai, vì nếu chậm trễ có thể làm tăng nợ xấu trong tương lai.

Việc thực hiện chương trình nhà ở xã hội cần cân bằng giữa nhu cầu cho vay thận trọng để tránh các khoản nợ xấu trong tương lai, với nhu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Bên cạnh đó, mặc dù chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, Việt Nam vẫn nên tiếp tục ưu tiên ổn định giá cả, do căng thẳng địa chính trị leo thang, và việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vẫn có thể làm gia tăng lạm phát trong năm 2023. Dự báo lạm phát sẽ tăng nhẹ lên mức 4,5% trong năm 2023.

Đáng chú ý, ADB nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân 30 tỷ USD đầu tư công là rất quan trọng.

“Cùng với việc tiếp tục thực hiện chương trình phục hồi kinh tế được thông qua trong tháng 1/2022, khoản chi tiêu này sẽ tạo ra tác động đa chiều, tạo động lực mạnh mẽ cho cả nền kinh tế”, tổ chức này phân tích.

Về dài hạn, Việt Nam cần tiếp tục cải cách tài chính để giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, và nâng cao tính minh bạch trên thị trường trái phiếu.

Dự báo tăng trưởng 2023

ADB nhận định tăng trưởng kinh tế 2023 của Việt Nam sẽ bị hạn chế do suy thoái toàn cầu, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, và tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp cân bằng những yếu tố bất lợi này, và nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2023, và 6,8% vào năm 2024.

Cụ thể, tại cuộc họp báo mới đây, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, nhận định cầu bên ngoài yếu đi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, làm giảm xuất nhập khẩu.

Những yếu tố bất lợi bên ngoài với tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023 vẫn rất mạnh, như chính sách tiền tệ thắt chặt tiếp tục được thực hiện ở một số nước phát triển, dù tốc độ chậm hơn; giá cả hàng hóa dự kiến vẫn tiếp tục tăng.

Ở trong nước, các thị trường tài chính đối mặt với nhiều áp lực, áp lực lạm phát vẫn gia tăng khi giá lương thực, nhà ở, và nguyên vật liệu xây dựng tăng; lạm phát chung và lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao.

Việc Trung Quốc mở cửa sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu một số rủi ro.

Đơn cử, dịch vụ dự kiến tăng 8,0% trong năm 2023, nhờ du lịch và các dịch vụ liên quan được phục hồi.

Ban đầu, Trung Quốc đã loại Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia có thể tiếp nhận khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài. Tuy nhiên, vào giữa tháng 3 vừa qua, danh sách sửa đổi đã bổ sung Việt Nam, cho phép nối lại các tour du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam. Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam, do đó Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể từ sự thay đổi này.

Ngành nông nghiệp cũng sẽ hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Trung Quốc có thể tạo ra nhu cầu đáng kể đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, vì quốc gia này tiếp nhận 45% lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,2% vào năm 2023.