An Phát Holdings chuẩn bị lên sàn với định giá 250 triệu USD

Trần Anh - 15:23, 05/03/2020

TheLEADERThông qua hai công ty Nhựa An Phát Xanh và Nhựa Hà Nội, An Phát Holdings sở hữu nhiều nhà máy và trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất nhựa công nghệ cao lớn nhất Việt Nam.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa qua cho biết Tập đoàn An Phát Holdings dự kiến sẽ thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng vào tháng 5/2020 và thực hiện niêm yết vào tháng 7/2020 với mức định giá 250 triệu USD.

An Phát Holdings được thành lập tháng 3/2017, vốn điều lệ 15 tỷ đồng với mục đích trở thành công ty mẹ của một nhóm các công ty con hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi ngành nhựa, kinh doanh bao bì, hạt nhựa, linh kiện nhựa công nghệ cao.

Sau 3 năm, An Phát Holdings đã thực hiện tăng vốn 7 lần và nâng vốn điều lệ lên hơn 1.423 tỷ đồng. Công ty trở thành công ty mẹ của Công ty Nhựa An Phát Xanh (AAA) và Công ty Nhựa Hà Nội (NHH), và thông qua 2 công ty này sở hữu 10 công ty thành viên khác. Qua đó biến An Phát Holdings trở thành một trong những tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Cả AAA và NHH đều đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong đó, An Phát Holdings đang nắm giữ 48% cổ phần AAA và 55% NHH. Công ty dự kiến nâng tỉ lệ sở hữu tại AAA lên 65% trong thời gian tới.

Trước khi niêm yết, An Phát Holdings gia tăng mạnh quy mô tài sản. Báo cáo công ty cho thấy đến cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của công ty đạt 9.373 tỷ đồng, tăng 64% so với thời điểm cuối năm 2018. Vốn chủ sở hữu cũng tăng gần 50% lên 3.453 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2019, 3 cổ đông lớn nhất của công ty là Công ty TNHH IGG USA Việt Nam (36,5%), Công ty KB Securities (10%) và cá nhân tên Nguyễn Thiện Tiện (21%). Mới đây, An Phát Holdings có kế hoạch chào bán 20 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Quy mô tài sản của An Phát Holdings cũng tăng đến từ các khoản phải thu tăng. Phải thu ngắn hạn của công ty trong nửa đầu năm 2019 đã tăng gấp đôi, lên 3.070 tỷ đồng, chủ yếu là tiền phải thu của khách hàng và các khoản trả trước cho người bán.

Bên cạnh đó, nợ vay của An Phát Holdings cũng tăng mạnh hơn 700 tỷ đồng, đạt 5.919 tỷ đồng, trong đó chiếm phần lớn là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 3.000 tỷ đồng, vay dài hạn hơn 1.685 tỷ đồng.

Về tình hình hoạt động, nửa đầu năm 2019, An Phát Holdings ghi nhận doanh thu trên 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt 431 tỷ đồng. Bên cạnh mảng nhựa truyền thống, năm 2019 công ty ghi nhận khoản doanh thu và lợi nhuận đột biến từ mảng kinh doanh mới là cho thuê bất động sản khu công nghiệp và bán nhà xưởng.

Năm 2020, An Phát Holdings đặt mục tiêu doanh thu thuần 14.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2019 và lợi nhuận sau thuế đạt 800 tỷ đồng, tăng 33%. Công ty cũng dự kiến tăng vốn điều lệ lên 1.623 tỷ đồng.

Đóng góp chính vào kế hoạch kinh doanh này là 7 nhà máy nhựa đang hoạt động của công ty con AAA và NHH. 3 dòng sản phẩm mũi nhọn của công ty là sản phẩm nhựa, bao bì nilon cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc; sản phẩm nhựa linh kiện phục vụ ngành ô tô – xe máy (công ty đã hợp tác với Vingroup xây dựng nhà máy nhựa Vinfast – An Phát); và sản phẩm nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn (dao, thìa, dĩa,…). Hiện nay, tỷ lệ chuyển đổi sử dụng nhựa thường sang nhựa tự hủy cao tại Mỹ và châu Âu. Đây là cơ hội tốt giúp An Phát mở rộng thị phần trong các năm tiếp theo.

Mặt khác, Hiệp định thương mại EVFTA được ký kết sẽ giảm mức thuế đối với các mặt hàng của Am Phát xuất khẩu vào EU từ mức 3% về mức 0% ngay trong năm đầu tiên có hiệu lực. Bên cạnh đó, An Phát có thể hưởng lợi đôi chút so với các đối thủ như Trung Quốc, do ảnh hưởng của dịch cúm Corona đang diễn ra tại quốc gia này (trong khi hầu hết nguyên vật liệu của An Phát được nhập khẩu từ các nước Trung Đông).