Dịch chuyển thương mại thời 'Trump 2.0', con đường nào cho Việt Nam?
Dịch chuyển thương mại toàn cầu trong thời gian tới mang lại những cơ hội lẫn thách thức cho Việt Nam.
Ở năm thứ sáu kể từ khi có hiệu lực, CPTPP kết nạp thêm nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới. Từ đây, những lợi ích toàn diện có thể được nhân lên.
Một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất, và chắc chắn là hiện đại nhất, vừa kết nạp thêm thành viên mới: Anh chính thức gia nhập CPTPP - Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương vào ngày 15/12/2024.
Với sự gia nhập của Anh, số lượng thành viên của CPTPP đạt đến con số 12, bao gồm các thành viên đã tham gia trước đó là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Sau khi Anh gia nhập, CPTPP sẽ đóng góp khoảng 15% GDP toàn cầu.
Tham gia vào các hoạt động tài trợ thương mại tại cả Anh và Châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến quy mô tiềm năng gia tăng thương mại và đầu tư giữa hai thị trường.
Đối với nhiều thành viên khác tham gia hiệp định này, Anh là một đối tác thương mại rất được yêu thích. Đặc biệt, các thành viên châu Á sẽ chào đón khả năng tăng cường tiếp cận vào nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới cũng như các thị trường tài chính chuyên sâu của nước này.
Còn đối với các doanh nghiệp Anh, cũng có những lợi ích tiềm năng thú vị, không chỉ dừng lại ở việc họ tiếp cận được các ngành sản xuất đang mở rộng của khu vực và những người tiêu dùng kết nối công nghệ số ngày càng khá giả.
Nhìn chung, thỏa thuận này ghi dấu một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ giữa Anh với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi tạo ra hơn một nửa giá trị tăng trưởng toàn cầu.
Các hiệp định thương mại trước đây thường phải vật lộn với nhu cầu của nền kinh tế hiện đại, chẳng hạn như sự thay đổi về tầm quan trọng tương đối của dịch vụ so với hàng hóa, và động lực cụ thể của thương mại số.
Nhưng một lợi thế lớn của CPTPP là hiệp định này được xây dựng chính xác để giải quyết những vấn đề này.
Lợi thế này đặc biệt quan trọng đối với Anh, vì đây là nước xuất khẩu dịch vụ lớn thứ hai thế giới. Và thương mại số - phương thức để các doanh nghiệp ở Anh xuất khẩu dịch vụ từ xa sang các nước CPTPP - cũng là một hoạt động đáng kể.
Hiệp định CPTPP, với các yêu cầu quản lý tốt hơn về các vấn đề như nơi dữ liệu được lưu trữ, cho phép thông tin lưu chuyển dễ dàng hơn giữa các thành viên.
Mối liên kết này cũng chỉ ra một tiềm năng tăng trưởng quan trọng: không có thành viên CPTPP nào hiện nằm trong top 10 các thị trường xuất khẩu dịch vụ của Anh.
Singapore - nơi đóng vai trò là cửa ngõ vào ASEAN cho nhiều doanh nghiệp - nổi lên như một trong những thị trường dịch vụ phát triển nhanh nhất đối với Anh, đã đạt mức tăng trưởng 147% từ năm 2013 đến năm 2023.
Sự hỗ trợ từ tư cách thành viên CPTPP mang lại nhiều cơ hội cho các loại hình doanh nghiệp, từ dịch vụ tài chính đến logistics, cũng như lĩnh vực kinh tế mới đang phát triển.
Dù sao thì hàng hóa vẫn đóng vai trò quan trọng. Khi CPTPP có hiệu lực với Anh, hàng hóa xuất khẩu của quốc gia này sang các quốc gia thành viên sẽ hầu như được miễn thuế. Chính phủ Anh đã đánh giá rằng, sự thúc đẩy dài hạn đối với xuất khẩu của Anh sang các nước CPTPP có thể đạt giá trị lên tới 2,6 tỷ bảng Anh.
Nhiều doanh nghiệp Anh với các sản phẩm mang 'thương hiệu Anh' - bao gồm mọi thứ từ ô tô và máy móc đến đồ gốm và rượu whisky Scotland - sẽ được hưởng lợi nhờ được tiếp cận tốt hơn vào các thị trường CPTPP.
Mặt khác, Anh cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng của các nước châu Á với nhiều loại sản phẩm như trái cây, hải sản, gạo, cao su, kim loại… Năm 2023, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác đều sụt giảm, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh lại tăng 11%. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tiếp tục tăng 19,5% so với năm ngoái.
Việc tiếp cận các thị trường mới thường gặp khó khăn. Một trong những khía cạnh hữu ích nhất của CPTPP là các điều khoản của hiệp định này xem xét đến những lo ngại và thách thức mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại các nền kinh tế thành viên phải đối mặt.
Đối với các doanh nghiệp lớn hơn, một trong những lợi ích lớn nhất liên quan đến chuỗi cung ứng quốc tế. Đại dịch và những bất ổn địa chính trị đã phản ánh nhu cầu về khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn của những kết nối này, và CPTPP sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc mở đường cho những cải tiến mới.
Nguyên do chính là nhờ cách tiếp cận hiện đại được áp dụng đối với các điều khoản về quy tắc xuất xứ trong CPTPP, cho phép tổng hợp các đóng góp từ tất cả các thành viên. Nói cách khác, nếu các bộ phận của một sản phẩm được sản xuất tại năm quốc gia CPTPP khác nhau, thì các bộ phận đó có thể cùng nhau tạo thành tỷ lệ CPTPP bắt buộc của sản phẩm cuối cùng.
Thật vui khi thấy rằng, ý định tận dụng CPTPP của các doanh nghiệp quốc tế ngày càng nhiều - tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước theo kết quả khảo sát của HSBC Global Connections năm 2023.
Dù đó là một tín hiệu tích cực, nhưng các ngân hàng như HSBC vẫn cần phải hành động nhiều hơn, thông qua quan hệ đối tác với các nhà hoạch định chính sách để giải thích chi tiết về cách làm thế nào các điều khoản cụ thể của hiệp định có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi từ việc thực thi Hiệp định CPTPP. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Canada, Úc và giờ là Anh.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP ở châu Mỹ tăng vọt 56,3%, từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên 13,6 tỷ USD năm ngoái. Cùng kỳ, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD lên 11,7 tỷ USD.
Thặng dư thương mại của Việt Nam tại các thị trường này cũng tăng gần gấp ba lần từ 3,9 tỷ USD lên 11 tỷ USD.
Bước vào năm 2025, với sự gia nhập của Anh vào CPTPP, cùng với Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – Anh đang có hiệu lực, cộng thêm tất cả các yếu tố cơ bản vững chắc đang có, kinh tế Việt Nam tiếp tục nổi bật trong khu vực, mang đến nhiều cơ hội thương mại ưu đãi hơn cho các đối tác trên toàn cầu.
Ở năm thứ sáu kể từ khi có hiệu lực, Hiệp định CPTPP đang mở rộng, kết nạp thêm nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới. Những lợi ích toàn diện có thể được nhân lên.
*Đồng tác giả: Ông Ian Tandy, Đồng giám đốc Khối Giải pháp thương mại toàn cầu, HSBC châu Á – Thái Bình Dương, và ông Surajit Rakshit, Giám đốc toàn quốc Khối Giải pháp thương mại toàn cầu, HSBC Việt Nam
Dịch chuyển thương mại toàn cầu trong thời gian tới mang lại những cơ hội lẫn thách thức cho Việt Nam.
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.
Thương mại điện tử được dự báo có thể tăng trưởng tới 35% mỗi năm trong bốn năm tới.
Ở năm thứ sáu kể từ khi có hiệu lực, CPTPP kết nạp thêm nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới. Từ đây, những lợi ích toàn diện có thể được nhân lên.
Khám phá bí quyết đầu tư của những thiên tài chứng khoán, trích xuất bài học quản trị tài chính vượt thời gian, ứng dụng hiệu quả trong mọi hoàn cảnh thị trường.
Sống tròn trải nghiệm ở Newtown Diamond, nơi giao thoa của bốn vùng tâm điểm, đạt sự cân bằng hoàn hảo giữa giao thương sầm uất và phú quý thảnh thơi.
Khởi nghiệp từ chiếc chảo rang bên bếp củi, với công thức gia truyền từ các loại hạt dinh dưỡng nguyên sơ, chị Nguyễn Thị Kiều Trang đã đưa thương hiệu Bột ngũ cốc Navan trở nên quen thuộc trên khắp các vùng miền.
Thị trường căn hộ dịch vụ cho thuê đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ nhờ tăng trưởng kinh tế, làn sóng FDI và sự thay đổi trong lối sống của người dân.
Dự kiến cả năm 2024, lợi nhuận sẽ tăng 18%, vượt trội so với mức giảm 4% của năm 2023, báo hiệu giai đoạn phục hồi và tăng trưởng mới.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ với sự dẫn dắt của các doanh nghiệp tiên phong.